Hàng không, đường sắt báo lãi kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau thời gian dài chật vật vì ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hầu hết các đường bay quốc tế đã được nối lại, giá vé máy bay "neo" ở mức cao đã giúp các hãng hàng không báo lãi kỷ lục trong 3 tháng đầu năm. Ngành đường sắt cũng có bước tăng trưởng ngoạn mục nhờ những thay đổi “lột xác”.

Mức lãi lớn nhất lịch sử

Vietnam Airlines vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1 với doanh thu gần 28.300 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu trong một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.

Hàng không, đường sắt báo lãi kỷ lục ảnh 1

Việc đưa vào khai thác các chuyến tàu mang đậm tính văn hóa, trải nghiệm đã giúp đường sắt thu hút lượng lớn hành khách.

Sự bùng nổ về doanh thu trong 3 tháng đầu năm của Vietnam Airlines được đánh giá do đang giai đoạn kinh doanh cao điểm trong ngành hàng không, nhu cầu đi lại tăng cao. Đến thời điểm này, Vietnam Airlines khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác so với giai đoạn trước COVID-19 và mở thêm đường bay mới.

Trước phản ánh giá vé máy bay tăng cao trong dịp lễ 30/4-1/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không. Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, trường hợp phát hiện bất thường, cần kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý vi phạm theo thẩm quyền...

Trong bức tranh kinh doanh của Vietnam Airlines, doanh thu từ thị trường quốc tế có sự hồi phục mạnh, đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, giá vốn hàng bán tăng ít hơn doanh thu, giúp công ty lãi gộp hơn 4.000 tỷ đồng trong quý vừa qua, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, Vietnam Airlines cũng ghi nhận khoản thu nhập khác tới 3.630 tỷ đồng do phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines. Lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines đạt hơn 4.400 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi lớn nhất lịch sử của doanh nghiệp này.

Tương tự, Vietjet và Vietravel Airlines cũng thông báo những con số kết quả kinh doanh tích cực ngay trong quý 1. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, Vietjet đã khai thác an toàn gần 34.500 chuyến bay, vận chuyển được hơn 6,3 triệu lượt hành khách. Vietjet cũng mở mới 15 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 140. Điều này giúp lượng khách của hãng hàng không giá rẻ tăng 61% so với năm ngoái, đưa doanh thu từ vận chuyển hàng không trong quý 1 đạt hơn 17.700 tỷ đồng, tăng 38% so với kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỷ đồng, tăng 209%. Trong khi đó, Vietravel Airlines đạt doanh thu hơn 490 tỷ đồng trong quý I, lãi ròng hơn 10 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên hãng hàng không này có lãi 3 tháng liền kề sau 3 năm cất cánh.

Đường sắt tìm hướng đi riêng

Trong khi đó, ngành đường sắt cũng chứng kiến kết quả kinh doanh vượt ngoài mong đợi. Theo Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT), doanh thu 3 tháng đầu năm đạt 556 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu cao nhất gần 5 năm qua. Đóng góp cho sự tăng trưởng này đến từ doanh thu vận tải hành khách và hành lý tăng vọt đạt gần 59 tỷ đồng. Cùng với đó, nhờ kiểm soát tốt chi phí tài chính, lợi nhuận sau thuế của SRT đạt gần 33 tỷ đồng.

Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội (SHB) cũng cho biết, doanh thu quý đầu tiên của năm đạt hơn 710 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Mức doanh thu này đạt kỷ lục trong gần 9 năm qua, trong đó đến từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. Lợi nhuận sau thuế của DN đạt được sau 3 tháng ở mức hơn 34 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần so với mục tiêu lợi nhuận 11,2 tỷ đồng của cả năm nay. Chỉ sau 3 tháng đầu năm, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm lần lượt khoảng 2,8 lần và 3 lần.

Lý giải về sự tăng trưởng ngoạn mục của ngành đường sắt, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (tổng công ty mẹ của SRT và SHB) cho rằng, do các công ty đều nỗ lực đổi mới về phương thức kinh doanh như xây dựng kế hoạch chạy tàu phù hợp, phương án bán vé, giá vé hợp lý.

Theo ông Mạnh, thời gian qua, lãnh đạo ngành đường sắt không ngừng trăn trở tìm hướng đi mới trong bối cảnh cạnh tranh vận tải gay gắt. Ngành định vị không chỉ vận chuyển hành khách mà còn cần tăng tính trải nghiệm trên mỗi chuyến tàu, như ăn nghỉ ở đâu, trải nghiệm gì, hưởng tiện ích ra sao… Do đó, ngành đã khai trương hàng loạt chuyến tàu phục vụ người dân tham quan, chiêm ngưỡng như kết nối di sản Huế- Đà Nẵng…thu hút sự tham gia của đông đảo hành khách. Cùng với đó, ngành đường sắt liên tục khai thác, mở mới hàng loạt chuyến liên vận quốc tế góp phần nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế của đường sắt Việt Nam.

MỚI - NÓNG