TT-Huế:

Hàng nghìn m2 đất bị hủy hoại biến dạng, chính quyền không hay biết hay tiếp tay?

0:00 / 0:00
0:00
Tùy tiện tập kết, ồ ạt đổ đất làm vật liệu thông thường, đất lẫn sỏi, đá có thành phần khác với loại đất đang sử dụng lên vùng đất nông nghiệp, nhưng chính quyền lại ngó lơ
Tùy tiện tập kết, ồ ạt đổ đất làm vật liệu thông thường, đất lẫn sỏi, đá có thành phần khác với loại đất đang sử dụng lên vùng đất nông nghiệp, nhưng chính quyền lại ngó lơ
TPO - Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp tại TT-Huế được người dân chuyển nhượng không qua chính quyền xã, đã bị một nhóm người ngang nhiên tổ chức cải tạo bồi lấp, có dấu hiệu hủy hoại, làm biến dạng đất,... nhưng chính quyền lại tỏ ra phớt lờ (?)

“Phù phép” đất nông nghiệp thành đất ở?

Ngày 28/8, tuyến đường bê tông tại thôn 6 xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) rầm rập xe cộ chở đất đá vào ra. Những phương tiện này từ nhiều ngày nay đã ồ ạt vận chuyển đất, đá từ đồi núi về tổ chức san lấp mặt bằng trái phép trên khu vực ao hồ rộng lớn dùng nuôi trồng thủy sản trước đây của người dân.

Hàng nghìn m2 đất bị hủy hoại biến dạng, chính quyền không hay biết hay tiếp tay? ảnh 1

Khu vực này vốn là ao hồ nuôi trồng thủy sản

Khu vực tổ chức san lấp trái phép bằng đất, đá đồi núi có diện tích khoảng 6000m2. Đây là đất ao hồ nuôi trồng thủy sản từng được ông Lê Đức Hùng (ngụ thôn 6 xã Thủy Phù) có đơn xin cho bồi lấp, chuyển mục đích sử dụng từ tháng 2/2021. Lý do mà ông Hùng xin bồi lấp, chuyển mục đích sử dụng đất sang trồng hoa màu, cây lâu năm là do những ao hồ này không chủ động được nguồn nước, không thể nuôi trồng thủy sản, bị bỏ hoang lãng phí...

Hàng nghìn m2 đất bị hủy hoại biến dạng, chính quyền không hay biết hay tiếp tay? ảnh 2

Hàng nghìn khối đất vật liệu san lấp, đất khác thành phần được chủ đất ngang nhiên cho tập kết, bồi lấp trên hàng nghìn m2 các ao hồ

Tuy nhiên, thời gian sau đó, có nhóm người lùng mua gom gộp 3 thửa đất nông nghiệp kể trên của ông Hùng (gồm các thửa 329, 332, 345 tờ bản đồ số 45, diện tích 6.224,7m2), nên chủ đất này đã chuyển nhượng nhưng không qua công chứng tại UBND xã Thủy Phù. Theo người nhà ông Hùng, ba thửa đất kể trên được nhượng lại cho chủ mới với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Hàng nghìn m2 đất bị hủy hoại biến dạng, chính quyền không hay biết hay tiếp tay? ảnh 3

Đất của người này có đơn xin bồi lấp, chuyển mục đích nhưng lại bị người khác tổ chức san lấp, có dấu hiệu hủy hoại đất sản xuất

Chưa hết, sau khi mua gộp các thửa đất của ông Lê Đức Hùng, dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép bồi lấp bằng vật liệu san lấp thông thường, cho cải tạo đất theo quy định quản lý đất đai, chủ mới huy động nhiều phương tiện vận tải, máy ủi để san lấp mặt bằng.

Mặc dù việc tùy tiện bồi lấp ao hồ, san lấp mặt bằng bằng đất đồi núi với khối lượng lớn làm biến dạng địa hình, thay đổi hiện trạng ban đầu và có dấu hiệu hủy hoại đất, tuy nhiên, chính quyền xã Thủy Phù lại phớt lờ cho qua, thậm chí cho rằng hành vi này không vi phạm pháp luật (?).

Sự việc được báo chí phản ánh đến chính quyền xã Thủy Phù, cũng như lãnh đạo UBND thị xã Hương Thủy từ ngày 27/8, nhưng trong sáng 28/8, nhiều phương tiện vận tải tiếp tục chở đất bồi nền, có dấu hiệu hủy hoại đất nông nghiệp trên diện rộng.

Nghi vấn cán bộ gom mua đất

Trước phản ánh của dân về nghi vấn nhóm người đứng đằng sau gom gộp mua nhiều thửa đất nông nghiệp tại Thủy Phù là cán bộ hiện công tác trên địa bàn thị xã, mặc dù phủ nhận thông tin kể trên, nhưng ông Lê Hữu Trí - Chủ tịch UBND xã Thủy Phù, lại không cung cấp, làm rõ được người chủ mới của khu đất là ai. Trong khi, UBND xã là cơ quan có thẩm quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, có trách nhiệm cập nhật biến động diện tích, nắm đối tượng sử dụng các loại đất.

Trước yêu cầu của người dân về việc phải lập biên bản hiện trạng, làm rõ hành vi hủy hoại đất, xử lý vi phạm về tổ chức tập kết ồ ạt đất đá đồi núi khác thành phần với loại đất nông nghiệp đang sử dụng, buộc đình chỉ thi công san lấp mặt bằng ở đây, làm việc với PV, ông Lê Hữu Trí nói cho qua chuyện, không cương quyết trong giải quyết vụ việc.

Hàng nghìn m2 đất bị hủy hoại biến dạng, chính quyền không hay biết hay tiếp tay? ảnh 4

Hành vi hủy hoại đất, làm biến đổi hiện trạng đất nông nghiệp bằng vật liệu san lấp là đất đá đồi núi, có thành phần khác với loại đất đang sử dụng, hiện chưa được chính quyền thị xã Hương Thủy cho kiểm tra, xử lý theo quy định. Dư luận băn khoăn liệu có ai "bí mật" tiếp tay cho hành vi này?

Đến ngày 28/8, hoạt động tập kết đất đồi trái phép trên các ao hồ xã Thủy Phù vẫn tiếp diễn ồ ạt như không có việc gì xảy ra.

PV nhắn tin, gọi điện phản ánh sự việc cho lãnh đạo UBND thị xã Hương Thủy nhưng không nhận được phản hồi nào về việc lập biên bản, xử lý. Chủ nhân thực sự của khu đất nông nghiệp bị gom gộp, người đứng đằng sau tiếp tay bao che cho việc cải tạo ao hồ trái phép và hủy hoại đất là ai, động cơ hủy hoại đất là gì… đã đến lúc chính quyền thị xã Hương Thủy cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm.

Theo khoản 3, Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, hoặc làm suy giảm chất lượng đất, hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Cụ thể, việc làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất, san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề… Việc làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng…

MỚI - NÓNG