Hãng xe trong nước sẽ tiếp tục được nhập linh kiện miễn thuế?

0:00 / 0:00
0:00
Hãng xe trong nước sẽ tiếp tục được nhập linh kiện miễn thuế?
TPO - Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu ở mức 0% với linh kiện ô tô.

Hiện nay, các linh kiện ô tô nhập khẩu đang được áp dụng một chương trình ưu đãi để hỗ trợ sản xuất, lắp ráp trong nước. Chương trình này đã được áp dụng từ ngày 16/11/2017 và hết hiệu lực sau ngày 31/12/2022.

Đây là chương trình lần đầu được áp dụng ở Việt Nam, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra. Thời gian qua, việc thực hiện chương trình này đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Sau khi chương trình được ban hành, một số doanh nghiệp đã tiếp tục sản xuất, lắp ráp một số dòng xe mà trước đó đã dừng sản xuất tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã đầu tư thêm trang thiết bị để tăng công suất và năng lực sản xuất.

Một số doanh nghiệp đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư thêm các dây chuyển sản xuất mới tại Việt Nam và dự kiến chuyển một số hoạt động từ các nước trong khu vực về Việt Nam nếu như Chương trình ưu đãi thuế được tiếp tục áp dụng sau 2022. Hiện nay các doanh nghiệp ô tô đang phải chuẩn bị kế hoạch sản xuất từ 2023 trở đi.

Trong bối cảnh hàng rào thuế quan đối với xe ô tô nguyên chiếc từng bước được xóa bỏ theo các Hiệp định FTA và trên cơ sở các kết quả đạt được từ việc thực hiện chương trình giai đoạn vừa qua, theo Bộ Tài chính: Việc tiếp tục thực hiện chương trình ưu đãi thuế là cần thiết và là căn cứ quan trọng để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, vẫn cần có những điều kiện mà các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cần đáp ứng. Một trong những điều kiện này là doanh nghiệp muốn được ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% phải đảm bảo được về sản lượng.

Trước khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hiện nay, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đã có kiến nghị xoá bỏ điều kiện về sản lượng tối thiểu để tham gia chương trình ưu đãi thuế hoặc thực hiện điều chỉnh giảm mức sản lượng cho phù hợp với bối cảnh...

Nhưng Bộ Tài chính thấy rằng việc yêu cầu đáp ứng điều kiện về sản lượng là cần thiết để đảm bảo các doanh nghiệp tham gia phải đầu tư và đảm bảo quy mô, nâng cao năng lực sản xuất. Do đó quy định về sản lượng sẽ được điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

Bên cạnh đó Bộ cũng đề xuất sửa nội dung về thời gian xét ưu đãi, điều kiện áp dụng, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải để phù hợp với các quy định trong các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và VAMA đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài Chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn sau năm 2022. Đến ngày 30/6/2021, Văn phòng Chính phủ có công văn giao Bộ Tài chính: “Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ...; nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, trong đó bao gồm cả việc xem xét khả năng tiếp tục gia hạn Chương trình cho giai đoạn tiếp theo”.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.