Hành trình đến giảng đường đầy gian nan của nữ sinh dân tộc Mông

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Khi mà không ít những cô gái cùng làng đi lấy chồng khi còn trẻ, hiếm ai học hết THPT, Sơ vẫn dành trọn sức lực và đam mê cho học tập để học lên với mong ước có công việc ổn định, dù cho bản thân cô đã từng nhiều lần bị “kéo” đi làm vợ.

Sùng Thị Sơ sinh năm 2002, là một cô gái dân tộc Mông, lớn lên tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Gia đình Sơ có khá đông anh em, bố mẹ đều làm nông, hoàn cảnh không mấy khá giả nên khi đi học Sơ phải tự lập mọi cái.

3 lần bị “kéo” về làm vợ

Lần đầu tiên, Sơ bị “kéo” là vào năm lớp 8, nhưng nhờ giúp đỡ của các bác hàng xóm nên Sơ đã may mắn trốn thoát. Gần hai năm sau, ngay đêm trước hôm Sơ nhập học vào lớp 10, cô lại trở thành nạn nhân của một vụ “kéo vợ” nữa. Sơ chia sẻ, bình thường, con trai trong làng thấy ai lạ mặt vào làng chơi là sẽ tụ tập lại. Nên khi cô bị bế lên xe thì những thanh niên cùng làng đã kịp thời chặn họ, hai bên xảy ra ẩu đả. Lúc này, một thanh niên trong đoàn người đi “kéo vợ” đã đâm một nhát dao vào ngực của một cậu trai làng cô. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu ngay trong đêm. Sau đó, Sơ được bố mẹ đón về.

Khoảng ba năm sau, vào một chiều, khi Sơ đang ở nhà chuẩn bị cơm tối cho gia đình thì đột nhiên một thanh niên (gọi tắt là L.) xuất hiện và khiến cho bữa ăn ấy không thể trọn vẹn. L. hơn cô 6 tuổi, là người của làng khác, cách làng cô khoảng 40 km đường núi rừng. L. nói muốn rủ Sơ đi chơi nhưng cô đã nhanh trí đoán được ý đồ của anh ta nên từ chối.

Hành trình đến giảng đường đầy gian nan của nữ sinh dân tộc Mông ảnh 1

Sau nhiều nỗ lực, Sơ đang theo đuổi ước mơ của mình.

Tuy nhiên, L. đã cùng với bạn của mình bế Sơ lên, rồi đưa ra ngoài xe. Dù cố gắng vùng vẫy không ngừng, nhưng với sức lực của một cô gái 17 tuổi thì không thể chống lại hai người đàn ông. Sơ chỉ có thể khóc lóc và cầu xin.

Trên đường đi, dù gặp rất nhiều người nhưng không ai chịu giúp đỡ Sơ cả. Vì với họ, “kéo vợ” là một việc bình thường, là một phong tục từ lâu đời. Đến đoạn đèo, Sơ đã có ý định muốn nhảy xuống vực để kết thúc mọi chuyện. Nhưng nghĩ về bố mẹ, nghĩ về những ước mơ, hoài bão còn dang dở, cô tự nhủ mình phải sống tiếp để tìm cách quay về.

Đến nhà L., mẹ của anh ta đã giữ điện thoại của Sơ vì sợ cô sẽ liên lạc với bên ngoài. Lúc này, Sơ đã nói với L. rằng mình cần gọi điện cho trường để lấy lịch học, L. cũng đồng ý đưa điện thoại cho cô. Khi Sơ liên lạc được về nhà, bố mẹ cô rất vui mừng. L. biết Sơ nói dối mình và kiên quyết không cho cô đi. Tối hôm đấy, Sơ đã thức trắng đêm để tìm cơ hội trốn, nhưng đều thất bại và bị bắt về.

Bố mẹ Sơ đã gọi điện cho gia đình L. và bảo họ đưa cô về, nếu không thì sẽ báo công an. Đến đây thì L. đã đồng ý đưa Sơ về. Ngỡ mọi việc đã xong xuôi, nhưng ngay hôm sau, cả gia đình L. đã sang nhà cô và bảo cô hãy về bên đó đi, với lý do rằng đã lấy người ta rồi thì là người của người ta. Sơ nhất quyết không chịu và nói rằng mình còn phải đi học. Đối với cô, hôn nhân phải dựa trên sự tự nguyện và tôn trọng từ hai phía.

Hành trình đến giảng đường đầy gian nan của nữ sinh dân tộc Mông ảnh 2

Sơ luôn cố gắng và giành được nhiều thành tích trong học tập.

Hành trình đến giảng đường đầy gian nan của nữ sinh dân tộc Mông ảnh 3

Sơ tâm sự: “Bản chất của tục “kéo vợ” là không xấu nhưng mình nghĩ trường hợp của mình thì thật sự tiêu cực. Khi người con gái không thích họ nhưng họ vẫn cố tình “kéo” người ta về thì danh dự của cô gái sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”.

Kiên trì trên con đường tìm tri thức

Mặc dù khó khăn nhưng bố mẹ Sơ vẫn luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các con được đến trường. Sơ cũng cố gắng thi vào các trường nội trú để bố mẹ không phải lo tiền học phí cũng như các khoản khác. Sơ phải đi làm phụ giúp bố mẹ từ khi còn bé. Cô đã tự thêu thùa, may quần áo cho mình từ năm lớp Một cho đến hiện tại. Tuổi thơ dù có vất vả nhưng đó cũng là lý do khiến cô tự lập từ nhỏ.

Hành trình đến giảng đường đầy gian nan của nữ sinh dân tộc Mông ảnh 4

Sùng Thị Sơ hiện đang là sinh viên năm thứ ba, trường ĐH Luật Hà Nội.

Sau những lần bị “kéo” đi, đã có nhiều lời bàn tán, dị nghị của hàng xóm xung quanh bắt đầu rộ lên. Sơ luôn cảm thấy xót xa khi bố mẹ phải chịu những điều tiếng ấy, nhưng cô rất biết ơn họ khi đã không bỏ mặc cô.

Sơ cho biết, động lực giúp cô vượt qua nỗi sợ cũng như định kiến của mọi người chính là lòng tự trọng. Sơ bày tỏ rằng, mình cần có sự nghiệp trước hôn nhân, và cô cũng đã chứng kiến quá nhiều gia đình không hạnh phúc nên bản thân không muốn đi vào ‘vết xe đổ’ đó. “Những cô gái trong làng thường lấy chồng từ năm THCS, rất ít ai chịu đi học tiếp. Nhưng bố mẹ mình luôn ủng hộ niềm đam mê học tập. Những lúc khó khăn, mình đã từng nghĩ đến việc bỏ học để đi làm, nhưng sau tất cả mình vẫn kiên trì đến hiện tại”, Sơ tâm sự.

Khi mọi chuyện cuối cùng cũng lắng xuống, Sơ tiếp tục theo đuổi ước mơ ban đầu và những cố gắng của cô gái mạnh mẽ đã được đền đáp. Khoác lên người bộ lễ phục tốt nghiệp, Sơ cảm thấy mình đã không phụ lòng cha mẹ. Hiện tại, Sơ đang là sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội, là niềm tự hào của gia đình. Phải sống xa nhà, cô chia sẻ rằng mình vẫn đi làm thêm để tự chi trả chi phí học tập cũng như các sinh hoạt khác.

Hành trình đến giảng đường đầy gian nan của nữ sinh dân tộc Mông ảnh 5

Nhìn lại những việc đã xảy ra, Sơ quyết tâm trở thành một luật sư để giúp đỡ cho nhiều phụ nữ khác giống như cô. “Mình muốn đem những điều bản thân học được phổ cập về địa phương. Nhưng nếu chỉ có mình thôi thì không đủ. Hơn nữa, nếu không có tiếng nói thì mình không làm được gì cả, vì mình không thể thay đổi được suy nghĩ của mọi người trong tức khắc. Nhưng mình đang cố gắng từng ngày và mình hy vọng mình sẽ làm được nó, hoàn thiện nó trong tương lai”, Sơ nói thêm.

Sơ cho biết: “Sắp tới, mình có kế hoạch học thêm vài thứ, tham gia nhiều các hoạt động xã hội… Nhưng trước mắt là sau khi ra trường có công việc ổn định lo cho bản thân, lo cho các em mình cũng được đi học đầy đủ”.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm