Tôi nghe anh nói rằng con gái anh lúc sinh ra đã có vấn đề bệnh lý, có lỗ thông ở vách ngăn ở tim. Các bác sĩ đã nói với anh rằng bệnh này sau vài tháng thì lỗ thông sẽ tự liền, tuy nhiên từ đó đến giờ anh không có điều kiện khám lại cho cháu nên không biết liệu trái tim con gái anh đã khỏe mạnh lại chưa.
Nhìn người bố trẻ lo lắng ngóng chờ vào trong phòng, tôi thấy lại hình ảnh tôi của nhiều năm về trước cũng từng phấp phỏng, ruột gan như lửa khi đợi con khám ở phòng cấp cứu các bệnh viện. Những người làm cha làm mẹ hẳn đều hiểu cảm giác này.
Mục đích của cuộc “Hành trình yêu thương” lần này của chúng tôi là khám sàng lọc tim cho 500 trẻ em tại trường mầm non Đông Thanh và trường tiểu học Đông Giang tại Quảng Trị. Sáng kiến này là của Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam – Giám đốc trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai. Khi chuẩn bị cho hành trình lần này, qua trao đổi với anh tôi mới được biết bệnh tim ở trẻ sơ sinh chỉ xảy ra ở khoảng 0,8 % trẻ sơ sinh và thường không có triệu chứng cho đến khi trưởng thành. Nếu trẻ được khám để phát hiện các dị tật tim và chữa trị kịp thời khi còn nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, còn không sẽ gây ra các bệnh lý làm ảnh hưởng nghiêm trọng khi trẻ trưởng thành.
Tôi nhớ lại một đồng nghiệp cũ của tôi, em rất xinh đẹp và chăm chỉ nhưng do một chứng bệnh tim khi còn nhỏ làm sức khỏe của em rất kém. Em rất hay mệt khi làm việc, đôi khi leo cầu thang cũng là việc quá sức đối với em và sau đó em phải nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo. Nếu như em có cơ hội được khám sàng lọc tim khi còn là trẻ con thì cuộc đời em hẳn đã tốt đẹp hơn.
Tuy vậy, tất cả chúng tôi đều mong muốn hành trình lần này về Quảng Trị của chúng tôi không phát hiện một ca nào bất thường để bố mẹ các em yên tâm con mình có trái tim mạnh khỏe. Trong khi khám, một thành viên trong đoàn chúng tôi có một phát hiện rất thú vị là tất cả bọn trẻ con ở đây đứa nào mắt cũng rất đẹp, lông mi dài và cong, mắt trong veo.
Tôi nhớ lại nhiều năm trước lần đầu tiên tôi đi tàu ngang qua Quảng Trị, chuyến tàu hỏa đầu máy hơi nước rù rì đi qua mênh mông những miền cát trắng, dọc theo đường tàu những đứa trẻ con chăn vài con bò gầy đứng vẫy tay theo đoàn tàu chúng tôi, mắt bọn trẻ con khi xưa cũng trong veo như thế. Tàu rời xa nhưng tâm trí tôi còn mãi nặng trĩu vì miền quê nghèo và những ánh mắt của bọn trẻ con.
Lần này không biết là lần thứ bao nhiêu tôi trở lại Quảng Trị, lần nào cũng thấy lòng nặng trĩu vì thương một vùng đất nghèo. Có ai đó từng ví bản đồ Việt Nam như một người phụ nữ nông thôn gánh hai gánh lúa hai đầu, khúc miền trung như chiếc đòn gánh, Quảng Trị chính là nơi tiếp xúc của đòn gánh lên đôi vai chín rạn. Nơi đây thời chiến tranh là túi bom, túi đạn. Bố tôi là một trong những người lính may mắn đi qua 81 ngày đêm nơi thành cổ Quảng Trị. Nhiều người trong đoàn chúng tôi cũng có những người bố, những người lính chiến, đã chiến đấu và sống trên mảnh đất này. Chính vì thế bố mẹ chúng tôi, chúng tôi, cảm thấy như mang nợ với mảnh đất này và luôn mong mỏi làm được điều gì đó.
Các bác sĩ trẻ của Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai nói với tôi rằng, đây là lần đầu tiên các bạn đến với Quảng Trị nhưng các bạn thấy các địa danh thân thương quen thuộc làm sao, những cầu Bến Hải, sông Hiền Lương, Vĩnh Linh, Cửa Việt, Cửa Tùng… những địa danh bấy lâu nay đọc trong sách vở nhưng nay mới được thấy. Và các bạn cũng chia sẻ cùng suy nghĩ với tôi khi cùng có tấm lòng chia sẻ với Quảng Trị.
Đó là điều mà chúng tôi mong mỏi khi có ý tưởng thực hiện “Hành trình yêu thương” để mang các bác sĩ trẻ đi khắp mọi miền của Tổ quốc để thực hiện những chuyến khám chữa bệnh miễn phí cho người dân các vùng. Chúng tôi tâm niệm rằng, khi thực hiện những hành trình đó không chỉ người dân nghèo ở các vùng có được lợi ích khi được các bác sĩ của các bệnh viện Trung ương khám bệnh mà chính các bác sĩ trẻ cũng thu được nhiều điều bổ ích. Chúng tôi tin rằng các bác sĩ trẻ tình nguyện khi có cơ hội gặp gỡ với những người dân họ sẽ có những quan sát, những câu chuyện của riêng họ khi nhìn vào mắt bọn trẻ con. Rồi đây khi họ trở về thành phố, trở về với những công việc thường ngày, họ mang theo những ánh mắt ấy và rồi sẽ có những thay đổi tích cực đến bản thân họ.
“Hành trình yêu thương” được bắt đầu sau đợt dịch Covid, kể từ đó cho đến nay chúng tôi đã thực hiện được 3 hành trình đến Quảng Nam, Cao Bằng, Quảng Trị. Chúng tôi đã đưa các bác sĩ tổ chức hơn nghìn lượt khám cho người dân, tặng hàng trăm triệu tiền thuốc, tặng quần áo đồng phục, bánh kẹo cho trẻ em, tổ chức tập huấn chống đuối nước… Rất nhiều người đã ngạc nhiên tại sao Quỹ Hỗ trợ phát triển thanh niên của chúng tôi có thể làm được một khối lượng công việc nhiều đến thế chỉ trong một thời gian ngắn.
Sở dĩ chúng tôi có thể hoạt động hiệu quả như vậy là nhờ chúng tôi có được sự đồng hành của rất nhiều đối tác. Đầu tiên phải kể đển sự hợp tác và giúp đỡ của bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Y học cổ truyền, Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam và các y bác sĩ. Tại các địa phương chúng tôi đến các cơ quan chính quyền như Uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Đoàn thanh niên, Hội khuyến học đã hết lòng tạo điều kiện để mọi hoạt động diễn ra được suôn sẻ. Và cũng phải kể đến vai trò to lớn của Nhà tài trợ Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã kề vai sát cánh cùng chúng tôi.
Năm 2022 đang đi tới những ngày tháng cuối, tôi cùng các đồng sự tại Quỹ Hỗ trợ phát triển thanh niên lại đang hối hả làm việc để mang “Hành trình yêu thương” đến những miền đất mới. Để làm được điều đó chúng tôi cần tìm kiếm những người sẵn sàng đồng hành cùng chúng tôi. Chúng tôi mong muốn tìm kiếm thêm những nhà tài trợ mới để có thêm được nhiều hành trình yêu thương. Với một ngân sách không hề lớn chỉ vài trăm triệu cho một cuộc hành trình nhưng chúng tôi có thể tổ chức được những hoạt động khám bệnh thiết thực, hiệu quả cho người dân tại các vùng còn kém điều kiện của Tổ quốc. “Muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau” – Hãy cùng chúng tôi trên “Hành trình yêu thương” này!