Để giáo viên không bỏ nghề vì bị bỏ rơi
Ba thành viên sáng lập H.A.T gồm Nguyễn Thụy Uyên Phương (CEO Tomato Children’s Home), Nguyễn Đức Thùy Anh và Văn Đinh Hồng Vũ (sáng lập ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến ELSA). Cùng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, cả 3 dễ dàng thấu hiểu sự “yếm thế” của các giáo viên mầm non khi dịch bệnh nổ ra. Và H.A.T ra đời là một sáng kiến phi lợi nhuận nhằm giúp các thầy cô giáo "vượt bão" và trụ lại với nghề.
Những nhà sáng lập H.A.T cho biết, thu nhập bình quân của giáo viên mầm non chỉ từ 3 - 5 triệu đồng/tháng và thường không có tích lũy. Họ dễ bị tổn thương khi đứng trước biến động lớn. Bình thường nghề này đã khó thu hút và giữ chân người. COVID-19 khiến ngành mầm non đứng trước nguy cơ một lượng lớn nhân sự sẽ bỏ nghề. Để thu hút và đào tạo lại một lực lượng thay thế sau đại dịch là việc không dễ dàng và tiêu tốn nguồn lực không nhỏ của xã hội.
Theo ước tính, có khoảng 472.000 giáo viên thuộc các trường, nhóm, lớp ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi COVID-19. “Chúng tôi thiết lập chính sách “nhân đôi”, tức là cứ 1 USD đóng góp, chúng tôi sẽ cam kết với nhà hảo tâm huy động thêm được số tiền tương ứng. Để tất cả cảm nhận được đây là nỗ lực và trách nhiệm chung của cả một cộng đồng”, Uyên Phương nói.
Mục tiêu đầy nhân ái và nặng lòng với giáo dục của H.A.T đã thuyết phục được nhiều mạnh thường quân tham gia. Chưa đầy một ngày sau khi H.A.T chính thức khởi động, đã có hơn 1500 đơn đăng ký của các giáo viên gửi về, hằng trăm nhà hảo tâm trong và ngoài nước chung tay đóng góp. Đến thời điểm này, H.A.T đã quyên góp được khoảng 1,5 tỷ đồng, ước tính có thể giúp đỡ được 225 giáo viên. Mỗi người một suất hỗ trợ tài chính trị giá 8,4 triệu đồng, tương đương 2 tháng lương tối thiểu. Cá biệt, có nhà hảo tâm cam kết đóng góp 10.000 USD và H.A.T có “trách nhiệm” kêu gọi thêm để nhân đôi số tiền này từ các nguồn khác. Số lượt đóng góp lên đến hàng ngàn. Có những khoản chỉ 100.000 - 200.000 đồng cũng khiến những người điều hành quỹ ấm lòng vì sức lan tỏa và ý nghĩa của dự án được chứng thực.
Tiêu chí để nhận được sự trợ giúp của H.A.T là giáo viên phải chứng minh có thời gian tối thiểu một năm làm trong lĩnh vực giáo dục và không thuộc diện được trợ cấp thất nghiệp, có thu nhập ít hơn 5 triệu đồng trong 30 ngày vừa qua. H.A.T sẽ nhận đơn đăng ký qua http://hatvn.org và xét duyệt. Qũy cũng sẽ các giáo viên có người phụ thuộc: con cái, cha mẹ, anh chị em…, hoặc đang mắc bệnh tật, có người thân tham gia lực lượng phòng chống dịch.
“Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Không phải kiểu “viện trợ không hoàn lại”, điểm nhấn đặc biệt của H.A.T là chính sách “Pay It Forward”. Các giáo viên được nhận hỗ trợ sẽ cùng đóng góp bằng cách nhận dạy online 1:1 (2 giờ mỗi ngày và 3 lần mỗi tuần, trong 4 tuần) cho con em của các nhân viên “tuyến đầu chống dịch” như: Y tá, Bác sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ... đang làm việc tại các điểm cách ly, điều trị và chốt phòng dịch. Tùy hoàn cảnh, giáo viên cũng có thể thực hiện qua hình thức đóng góp cho thư viện video, hoạt động, trò chơi... Hoặc đơn giản chỉ là viết một tấm thiệp động viên.
“Bằng cách này, H.A.T sẽ tạo ra một vòng tròn trợ giúp để không ai bị bỏ lại phía sau và tạo ra sự lan tỏa mạnh nhất về tinh thần chung tay. Để mỗi giáo viên cảm thấy mình không phải ngại ngùng khi nhận trợ giúp mà họ cũng có thể kết nối và đóng góp cùng xã hội trước khủng hoảng”, Uyên Phương chia sẻ.
Cô cho biết thêm: “Ngày 8/4, H.A.T đã chuyển khoản số tiền hỗ trợ đợt đầu (4,2 triệu đồng/ người) cho 43 giáo viên trong danh sách công bố chiều ngày 6/4. Đợt còn lại sẽ được tiếp tục chuyển vào cuối tháng 4, sau khi các giáo viên hoàn thành giai đoạn "pay it forward”.
“Tính từ lúc lên ý tưởng đến khi H.A.T khởi động chỉ có 10 ngày. Mọi người làm việc hết công suất từ gây quỹ đến thẩm định đơn, phỏng vấn và trao hỗ trợ. Chúng tôi chưa từng tham gia dự án nào khẩn trương đến vậy. Nhưng nhìn vào thống kê 82% giáo viên không có thu nhập trong 30 ngày qua, thật sự muốn chậm cũng không được. Tất cả đều phải làm nhanh nhất để hỗ trợ kịp thời. Bởi trong hoàn cảnh này, nếu sau 2 - 3 tháng nữa tiền mới đến tay giáo viên thì sự hỗ trợ này không còn nhiều ý nghĩa”, Uyên Phương nói. Dự kiến, H.A.T sẽ duy trì đến cuối tháng 4/2020, với số tiền quyên góp có thể đến gần 2 tỷ đồng.
Theo Phương: “Sáng kiến này không nhằm mục đích cung cấp giải pháp dài hạn hay đặt mục tiêu giúp được bao nhiêu giáo viên, mà chỉ là nỗ lực “chữa cháy” cần thiết và lấp đầy khoảng trống mà sự trợ giúp từ cộng đồng chưa kịp vươn tới. H.A.T muốn khởi xướng sự chung tay của cả cộng đồng đến với đội ngũ các giáo viên. Bản thân chúng tôi đều là những người làm giáo dục. Khi khủng hoảng xảy ra, nếu không giúp được chính những người trong ngành thì giáo viên sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, chán nản mà bỏ nghề, các bạn trẻ cũng chẳng ai mặn mà theo nghề. H.A.T nỗ lực để góp phần giữ họ lại với nghề, các giáo viên cảm thấy mình vẫn được cộng đồng quan tâm và công việc của họ luôn được xã hội trân trọng. Chúng ta luôn muốn con cái được thụ hưởng giáo dục tốt nhất. Vậy nhu cầu đó trước hết phải bắt đầu từ việc chăm lo cho chính các giáo viên để họ có cuộc sống tốt hơn”.