Tai nạn giao thông: Nỗi đau dai dẳng - Bài cuối

Hậu quả chưa dứt sau đám tang

Cấp cứu nạn nhân TNGT tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.Ảnh: Bảo An.
Cấp cứu nạn nhân TNGT tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.Ảnh: Bảo An.
TP - “Đám tang kết thúc nhưng hậu quả vẫn chưa kết thúc. Những đứa trẻ không còn cha mẹ sẽ phải nghỉ học; bố mẹ già không còn cơ hội được chăm sóc”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trao đổi với Tiền Phong xung quanh vấn đề tai nạn giao thông.

Thiệt hại 100.000 tỷ đồng/năm

Thưa ông, thiệt hại về tai nạn giao thông (TNGT) được lượng hóa như thế nào?

Theo tính toán của WHO, mỗi năm TNGT gây thiệt hại khoảng 2,5 - 2,8% GDP của Việt Nam. GDP của nước ta hiện nay ước đạt 200 tỷ USD; như vậy, mỗi năm, chúng ta phải dành cho khắc phục hậu quả TNGT khoảng 5 tỷ USD, tương đương hơn 100.000 tỷ đồng.

Đấy là thiệt hại trực tiếp về tài sản, năng suất lao động suy giảm, chi phí chữa bệnh, phục hồi cho những người bị TNGT… Ngoài ra, còn có thiệt hại về văn hóa xã hội, về mặt phát triển con người. Liên Hợp Quốc và WHO coi người bị TNGT là nạn nhân của bệnh không truyền nhiễm, mất những khả năng cụ thể; cơ hội phát triển của người bị nạn và cả người thân của họ bị thay đổi.

Người bị TNGT ở Việt Nam từ 18 - 55 tuổi chiếm xấp xỉ 80%, gây ra hệ lụy cực kỳ lớn cho sự phát triển. Không ai đong đếm được, không thể tính được trong con số thiệt hại 2,5% GDP. Thiệt hại tiền tệ hóa đủ làm cho người ta giật mình, nhưng phân tích sâu xa thì không thể ước lượng được hết hậu quả khủng khiếp của TNGT.

Cá nhân ông cảm nhận thế nào về hậu quả TNGT?

Hiện nay, TNGT là nguyên nhân thứ 7 gây tử vong trên thế giới. Xã hội, y học phát triển giúp khả năng giữ sức khỏe bình thường của con người tốt lên thì TNGT càng trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Khi thăm gia đình nạn nhân tử nạn vì TNGT, chúng tôi thường nói với nhau: Đám tang kết thúc nhưng hậu quả vẫn chưa khép lại. Những đứa trẻ không còn cha mẹ đang được đi học sẽ phải nghỉ học sớm; bố mẹ già không còn cơ hội được chăm sóc.

Nhiều người tham gia giao thông đang thờ ơ với TNGT cho đến khi người thân mình gặp nạn?

Ở xã hội nào, người ta cũng quan tâm đến cái thiết thân với mình. Nên khi bản thân hay người thân của mình bị TNGT, người ta mới thực sự cảm thấy đau xót là điều dễ hiểu; không phải người ta thờ ơ.

Dù sao, nhận thức chung về thiệt hại TNGT thường rất mờ trong tư duy hằng ngày. Đấy không phải điều xấu vì sẽ không tốt nếu con người sống lúc nào cũng nơm nớp lo sợ về nỗi đau TNGT.

Ở các quốc gia đang trên đà phát triển như nước ta, con người chịu áp lực hơn rất nhiều so với những quốc gia đã ổn định. Đây là lý do tại sao, chúng ta cảm nhận xã hội thờ ơ với TNGT.

Hậu quả chưa dứt sau đám tang ảnh 1

ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Nâng cao nhận thức

Ủy ban đang thực hiện giải pháp gì để giảm hậu quả TNGT?

Việc đầu tiên là giảm TNGT. Muốn giảm TNGT phải làm cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của ATGT, thiệt hại thực sự của TNGT để rồi tham gia giao thông an toàn.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải nâng cao nhận thức bằng cách chuẩn bị môi trường an toàn cho người dân từ kết cấu hạ tầng đến truyền thông tin và lựa chọn phương tiện an toàn. Ngay cả vấn đề cưỡng chế thi hành pháp luật, phải cố gắng gửi thông điệp sớm; đừng chờ người ta vi phạm để phạt mà hãy nhắc cho người ta thấy trước. Nhóm doanh nghiệp kinh doanh vận tải; sản xuất, kinh doanh phương tiện cũng cần nâng cao nhận thức.

Một vấn đề quan trọng là khi tai nạn xảy ra, người bị tai nạn cần được tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế để giảm thiểu thiệt hại. Ủy ban đang cùng Bộ Y tế và các địa phương xúc tiến có hiệu quả hơn nữa về công tác này.

Ủy ban đang thực hiện chương trình vòng tay nhân ái chia sẻ với các nạn nhân TNGT. Mới đây, Ủy ban kêu gọi Cty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential và Quỹ Xã hội từ thiện Công đoàn GTVT trao tặng 5.000 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho vợ hoặc chồng của các nạn nhân bị tử vong do TNGT đang phải nuôi con dưới 18 tuổi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Hằng năm, Ủy ban tổ chức cầu siêu cho nạn nhân tử nạn vì TNGT và muốn gửi gắm điều gì qua những hoạt động như vậy?

Bên cạnh những biện pháp kỹ thuật như làm cho đường tốt hơn, xe an toàn hơn…, chúng tôi thấy rằng, cần có những tác động về mặt tâm lý; cần làm gì đó để người thân của người bị nạn cảm thấy trong lòng được an ủi. Đấy là lý do tại sao mà Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo, Hội đồng Giám mục và các tôn giáo khác. Năm nay, ngoài việc tổ chức lễ cầu siêu, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức lễ thỉnh chuông tại các nhà thờ. Đó là cách tiếp cận khác nhau về mặt văn hóa để dành sự hỗ trợ tốt nhất cho người thân của người bị TNGT.

Ông có nhắn nhủ gì với người tham gia giao thông để tránh được hiểm họa TNGT trong bối cảnh hạ tầng giao thông còn khó khăn, phương tiện còn chưa tốt, ý thức của một bộ phận người thực thi công vụ chưa nghiêm túc?

Việc thay đổi văn hóa tham gia giao thông của người dân là trách nhiệm rất lớn của các cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông. Đơn thuần nói rằng, TNGT do ý thức của người dân kém sẽ không đầy đủ về trách nhiệm. Chúng ta phải nhìn nhận rõ, một trong những lý do người dân chưa thực hiện đúng quy định pháp luật là thông tin đến chưa đủ, truyền thông, giáo dục chưa kịp thời.

Với những người đã được cung cấp đầy đủ thông tin nhưng cố tình vi phạm sẽ phải áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm khắc.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG