Hãy cứ là 'con nhà khó'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vậy là người Việt lại phải sống trong chuỗi ngày “báo động”, từ chục ngày qua, khi dịch tái bùng phát dữ dội. Nhiều địa phương lại bị phong tỏa, mọi sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, đi lại làm ăn bình thường buộc phải siết lại, khả năng trước mắt sẽ tiếp tục đóng băng diện rộng.

Trẻ con lại có đợt nghỉ lễ 30/4 dài đằng đẵng rất có thể nối tới kỳ nghỉ hè. Phải ngồi nhà đối diện với chiếc máy tính, với những kỳ thi quan trọng trước mặt còn chưa rõ cách thức tổ chức ra sao.

Chỉ sau 11 ngày dịch COVID-19 tái bùng phát, cả nước đã phát hiện 241 ca tại 23 tỉnh, thành phố. Tối qua có thêm 65 ca mắc mới trong cộng đồng, riêng tại Hà Nội 22 ca. Chỉ trong 10 ngày, tốc độ lây lan dịch bệnh với số lượng ca mắc đã bằng nửa toàn bộ số lượng bệnh nhân đợt dịch thứ hai những tháng cuối năm ngoái bùng lên tại Đà Nẵng.

Đợt dịch ấy, Việt Nam có 35 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Nhưng sức càn quét của nó lên nền kinh tế tại hầu hết các địa phương thật khủng khiếp, đến giờ nhiều nơi vẫn chưa thể lấy lại được trạng thái cân bằng.

Còn giờ đây, theo đánh giá của các chuyên gia dịch tễ, chưa có đợt dịch nào nghiêm trọng như đợt này, đặc biệt là tại Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam đang phải đối mặt với chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” từ Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Lo ngại lớn nhất là tốc độ, cường độ lây lan mạnh của những chủng biến thể mới này, từ một người có thể tạo ra một “lớp bệnh nhân” lên đến hàng trăm, hàng ngàn người, nếu không có biện pháp phòng tránh hiệu quả.

Thực tế mấy ngày qua, chỉ từ một vài ca, đã kịp lây chéo cho hàng trăm người. Thực tế, thời gian cách ly 14 ngày đã không còn hiệu nghiệm. Thực tế là tỷ lệ được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở ta còn rất thấp, chỉ bằng một phần nhỏ so với các quốc gia trong khu vực. Và một thực tế đáng lo nữa, đó là hàng loạt bệnh viện “thất thủ” chỉ trong mấy ngày qua, kể cả những nơi được xem là “thành lũy” kiên cố chống dịch từ những đợt trước như Bệnh viện Nhiệt đới trung ương.

Ta không thể gọi hàng chục bệnh viện đang lâm nguy và buộc phải phong tỏa đó là những “ổ dịch”. Bởi hơn bất kỳ nơi nào, các trung tâm điều trị y tế với hàng ngàn bệnh nhân với đủ thứ bệnh tật vào mỗi ngày đó phải luôn tự ý thức rằng mình từng phút giây phải đối mặt với mọi thứ dịch bệnh hiểm nguy. Nên ý thức, kỹ năng và quy trình phòng tránh phải như một thứ “áo giáp” thường xuyên trang bị trên người. Chứ không phải đợi đến COVID-19. Nhưng thực tế như báo cáo của lãnh đạo Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, thì sau khi phát hiện 1 ca dương tính với SARS-CoV-2, tổ chức xét nghiệm con số vọt lên tới 42 ca!

Chúng ta từng thắng dịch những đợt đầu với tâm thế “con nhà khó” chỉ có thể tự lo cho mình, bằng quyết tâm đoàn kết đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng khắc chế tối đa những nhu cầu cá nhân vì an nguy của cộng đồng, đất nước. Giờ đây, nếu mỗi người chỉ một chút tự bằng lòng, tự cho phép mình vượt qua ranh giới an toàn, như vừa đã xảy ra nhiều nơi nhiều lúc, thì mọi công sức cố gắng sẽ lại đổ sông đổ biển.

Hôm qua, ngày 8/5 thế giới kỷ niệm 41 năm ngày chính thức tiệt trừ bệnh đậu mùa. Căn bệnh cổ xưa có từ 100 ngàn năm trước, mà riêng trong thế kỷ 20 mới đây cũng đã giết chết tới 300-500 triệu người. Để thấy cuộc chiến đấu sinh tồn của con người còn dài lâu đến mức nào.

MỚI - NÓNG