Nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hà Quang Dự:

Hãy luôn tiên phong như đã từng suốt 70 năm qua

TP - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập báo Tiền Phong, ông Hà Quang Dự, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đã ôn lại dấu ấn đổi mới của Báo; gửi gắm kỳ vọng tờ báo của người trẻ luôn luôn phát huy được vai trò tiên phong của mình như đã từng làm suốt 70 năm qua.

Ủng hộ thanh niên tham gia sản xuất kinh doanh giỏi

Khi tôi làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, giai đoạn 1987 -1992, trước sức ép của tình hình thanh niên và yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, báo Tiền Phong đã đổi mới rất mạnh mẽ về mọi mặt.

Về mặt nhân sự, lớp cán bộ quản lý cũ từ những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã tự động rút lui đảm nhận vai trò cố vấn và tin tưởng giao cho lớp trẻ quản lý. Với đội ngũ quản lý trẻ, gồm Tổng Biên tập Dương Xuân Nam; Phó Tổng Biên tập Lương Ngọc Bộ, Nguyễn Văn Minh, cùng đội ngũ biên tập, họa sĩ mới, có thể nói thời kỳ đó, báo Tiền Phong lột xác hoàn toàn, đưa ra một hình ảnh mới cả giao diện lẫn nội dung.

Báo đã góp sức vào công cuộc tiếp tục tập hợp, đoàn kết thanh niên, thu hút thanh niên quan tâm đến các vấn đề của đất nước. Báo cũng tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực.

Hãy luôn tiên phong như đã từng suốt 70 năm qua ảnh 1

Nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hà Quang Dự. Ảnh: Như Ý

Thời kỳ đó, với cuộc vận động Thanh niên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Ban Bí thư T.Ư Đoàn liên tục tổ chức các đoàn công tác đi thăm, động viên, khích lệ các cơ sở, mô hình sản xuất, kinh doanh của thanh niên trên mọi miền đất nước, từ tổ hợp đúc sắt thép, đến những cơ sở nuôi cá, ba ba, thuỷ sản, cải tạo vườn tạp... Trong các chuyến đi về cơ sở đó của Ban Bí thư T.Ư Đoàn luôn có phóng viên báo Tiền Phong đi cùng đã kịp thời ghi nhận, đăng tải những tấm gương tốt, mô hình hay mà thanh niên đã tự vươn lên để lập thân, lập nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác. Có thể nói thời kỳ đó, báo Tiền Phong là một trong những tờ báo đặc biệt ủng hộ thanh niên tham gia sản xuất kinh doanh giỏi.

Những cuộc thử nghiệm mới

Giai đoạn 1987 – 1992, hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đứng trước nguy cơ tan rã, sụp đổ. Trước những tác động bên ngoài như vậy, thanh niên trong nước ít quan tâm đến lý tưởng cách mạng, cho nên chúng tôi phải tìm cách cùng báo Tiền Phong và một số báo khác phải đổi mới, đăng tải hình thức giáo dục phù hợp với thanh niên. Trong đó, chúng tôi nhấn mạnh lòng yêu nước, lấy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc làm cơ sở để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Báo Tiền Phong được xem là một trong những tờ báo tiên phong trong việc này và nhận được sự ủng hộ đặc biệt của Ban Dân vận T.Ư, Ban Tư tưởng, Văn hoá T.Ư lúc bấy giờ.

Đặc biệt, báo Tiền Phong đề xuất tổ chức cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong, ngay lập tức được Ban Bí T.Ư Đoàn phê duyệt. Đây được xem là một cuộc thử nghiệm rất quan trọng để xem thanh niên quan tâm thế nào đến công tác Đoàn, Hội. Ban Bí thư T.Ư Đoàn ngồi bàn với nhau, chúng tôi cũng lường trước sẽ có những khó khăn, dư luận trái chiều, vì đây là cuộc thi sắc đẹp lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam do báo Tiền Phong khởi xướng.

“Xin chúc mừng và mong rằng, báo Tiền Phong luôn luôn phát huy được vai trò tiên phong của mình như đã từng làm suốt 70 năm qua”.

Nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hà Quang Dự

Dù đó là một quyết định mạo hiểm nhưng chúng tôi vẫn hạ quyết tâm để báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi này như một cuộc thử nghiệm để xem thanh niên có thái độ tiếp nhận thế nào với cái mới, cũng như công tác Đoàn, Hội. Và cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong diễn ra nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của thanh niên.

Hãy luôn tiên phong như đã từng suốt 70 năm qua ảnh 2

Mấy chục năm nay nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hà Quang Dự đọc báo Tiền Phong, dõi theo quá trình phát triển của tờ báo. Ảnh: Lưu Trinh

Tuy nhiên, sau đêm chung kết cuộc thi đã nổ ra luồng dư luận trái chiều, người ủng hộ nhiều mà phản đối gay gắt cũng không ít. Ban Bí thư T.Ư Đoàn và báo Tiền Phong chịu rất nhiều sức ép gay gắt từ dư luận, trong đó, có những lãnh đạo rất cao cấp. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hà Quang Dự bị cho là “đầu têu” mang văn hoá tư bản vào Việt Nam và phải đi giải trình với lãnh đạo cấp trên. Sau cuộc giải trình, lãnh đạo cấp trên thấu hiểu và đồng ý để báo Tiền Phong tiếp tục tổ chức cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong, nay là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam định kỳ 2 năm/lần từ đó đến nay.

Hãy đi cơ sở nhiều hơn nữa

Mấy chục năm qua, báo Tiền Phong đã không ngừng lớn mạnh, duy trì được tờ báo giấy xuất bản hàng ngày với số lượng bạn đọc đông đảo, dù đứng trước không ít thách thức của báo điện tử. Bên cạnh đó, báo điện tử Tiền Phong cũng có sự phát triển mạnh mẽ, cùng với việc tận dụng thế mạnh của mạng xã hội. Tôi quan sát, tiếp xúc và thấy vui mừng là thế hệ quản lý báo Tiền Phong hiện nay, cùng đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngày càng trẻ trung, năng động, am hiểu công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Đó là những lợi thế rất lớn để báo Tiền Phong phát triển.

Chỉ có một điều tôi mong muốn là các bạn phóng viên hãy đi cơ sở nhiều hơn nữa, trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc thanh niên, nghe tiếng nói thanh niên một cách chân thực nhất để phản ánh đầy đủ mọi tâm tư, nguyện vọng, cũng như những vấn đề mới của thanh niên. Lãnh đạo Báo phải có kế hoạch, tạo điều kiện tốt giúp phóng viên tăng cường đi cơ sở để tờ báo luôn luôn mang được hơi thở, hình ảnh tích cực của thanh niên trên mặt báo.

Báo Tiền Phong cũng phải góp sức vào việc hướng dẫn, mở ra những lối thoát cho bộ phận thanh niên đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hiện nay. Báo Tiền Phong cần tăng cường hơn nữa các bài viết về những điển hình tiêu biểu; những chia sẻ, phát biểu gợi ý, hiến kế của các nhà khoa học, cán bộ quản lý có kinh nghiệm, các doanh nhân… để giúp bộ phận thanh niên còn khó khăn, yếu thế có thêm nghị lực, quyết tâm, kiến thức để tự mình vươn lên trong cuộc sống.

Nếu tờ báo của Đoàn không quan tâm đến đối tượng thanh niên yếu thế, còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thì chúng ta tự bỏ sót mất một lực lượng rất quan trọng và cũng có lỗi với phong trào thanh niên cả nước.

Nếu tờ báo của Đoàn không quan tâm đến đối tượng thanh niên yếu thế, còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thì chúng ta tự bỏ sót mất một lực lượng rất quan trọng và cũng có lỗi với phong trào thanh niên cả nước. Báo Tiền Phong phải quan tâm thực sự, phải đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bộ phận thanh niên này với giới chủ, giúp họ có kiến thức kỹ năng để tự bảo vệ mình.

Với cương vị từng làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, tôi rất vui mừng vì 70 năm qua báo Tiền Phong luôn phát triển bền vững, sôi nổi. Hình thành, phát triển từ trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, các thế hệ báo Tiền Phong đã xây dựng nên một tờ báo rất quan trọng với đất nước, với thanh niên, dân tộc.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập báo Tiền Phong, thông qua tờ báo của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tôi gửi đến bạn trẻ cả nước lời chúc hãy luôn luôn sử dụng, phát huy tuổi trẻ của mình một cách hữu ích nhất để lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp, phát triển trở thành công dân tốt, người có ích cho cộng đồng, đất nước.

Tin liên quan