Hay nói mơ có phải là bệnh?

Hay nói mơ có phải là bệnh?
Nhiều người hễ ngủ là nói mơ, nói nhiều và rành rọt. Các bác sĩ cảnh báo nói mơ nhiều có thể là dấu hiệu có bệnh thể chất hoặc tâm lý.

Hay nói mơ có phải là bệnh?

Nhiều người hễ ngủ là nói mơ, nói nhiều và rành rọt. Các bác sĩ cảnh báo nói mơ nhiều có thể là dấu hiệu có bệnh thể chất hoặc tâm lý.

Ảnh minh họa -Internet
Ảnh minh họa -Internet.

“Nói mơ trong giấc ngủ là một hiện tượng sinh lý bình thường của con người. Nhưng đôi khi đó lại là triệu chứng của bệnh tật", bác sĩ La Đức Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, cảnh báo.

Do bệnh ở tâm lý

Tiến sĩ chuyên khoa tâm thần Lã Thị Bưởi, Giám đốc Trung tâm tư vấn Tuna (Hà Nội) cho biết: “Theo phân tâm học, hiện tượng khi mơ phát ra tiếng nói có nội dung là sự phản ảnh những mong muốn, nhu cầu mà khi thức, chúng ta không dám làm hoặc không thể làm được. Hay nói cách khác, đó là mong ước của con người hằng ngày được thể hiện ra bằng ngôn ngữ”.

Hiện tượng nói trong giấc mơ có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, tùy theo sức khỏe của mỗi người mà thể hiện ra bên ngoài. Nó phản ánh vấn đề tâm lý mà người đó đang gặp phải.

Cô gái Hà Thu (17 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội), là một ví dụ. Khi ngủ, cô rất hay nói mơ, mà nói rất rõ ràng, rành mạch như đang nói chuyện vậy trong trạng thái tỉnh. Ở tuổi không còn là trẻ con nhưng cũng chưa phải người lớn, đã biết tự ý thức về bản thân, cô gái này tuy xinh xắn, khéo léo nhưng lại luôn tự ti, sống rụt rè, khép kín, ít khi tham gia các hoạt động ngoại khóa phải đi qua đêm. Và điều đó phần nào thể hiện trong những lời nói khi mơ ngủ, cùng với nhiều chuyện khác, kể cả những điều rất tế nhị.

Mới đầu khi nghe bố mẹ nói lại và trêu về chuyện nói mơ, Thu nghĩ chắc bố mẹ đùa, vì cô chẳng nhớ gì cả. Nhưng sau vài lần như vậy, Thu bắt đầu hoang mang, lo sợ, giấc ngủ trở nên chập chờn. Thậm chí cô còn không dám ngủ vì sợ sẽ nói mơ. Bố mẹ Thu lo lắng và đưa cô đi khám. Các bác sĩ đều “phán” cô bị bệnh tâm lý. Áp lực học tập là một chuyện, nhưng điều ảnh hưởng đến tâm lý của cô nhiều nhất chính là việc Thu hay bị bạn bè chế giễu là “bé hạt tiêu”.

Ở một số trường hợp, chứng nói mơ đi kèm với mộng du, như trường hợp cháu H., ba tuổi rưỡi, từng được bác sĩ Bưởi trị liệu. Cứ nửa đêm, cháu lại đi từ phòng ngủ ở tầng hai xuống phòng khách tầng một, đến cửa sổ nhìn ra ngoài. Bố bảo về phòng ngủ đi thì H. trả lời “con không ngủ, con thích đứng ở đây”. Ngày hôm sau, bé hoàn toàn không nhớ chuyện gì đã xảy ra, và chơi đùa bình thường. Hiện tượng này diễn ra liên tục hơn một tháng thì gia đình đưa bé đi khám.

Sau khi được tìm hiểu, các bác sĩ phát hiện nguyên nhân là sự thay đổi về cảm xúc, tình cảm từ cách cư xử của bố mẹ sau khi có em bé. Thấy mình ít được quan tâm, yêu chiều so với trước, H. bắt đầu bị trầm cảm.

Do rối loạn giấc ngủ hoặc bệnh tim mạch

Theo bác sĩ La Đức Cương, nói mơ thường xuất hiện ở những người có thể trạng không khỏe, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, đôi khi kèm theo hành động vung tay, vung chân. “Nói mơ có thể là triệu chứng của một số bệnh cơ thể như rối loạn giấc ngủ, tim mạch, viêm gan B...", bác sĩ Cương nói.

Nói mơ do rối loạn giấc ngủ là hay gặp nhất đối với mọi lứa tuổi, thường xuất hiện ở những người bị stress do áp lực công việc lớn, trầm cảm, hoặc do stress sau chấn thương, nghiện rượu, rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt...

Người bị rối loạn giấc loạn giấc ngủ kiểu loạn miên thường mất ngủ, ngủ rũ (buồn ngủ quá mức), ngủ nhiều tái diễn, còn người bị rối loạn giấc ngủ kiểu cận miên thường nghiến răng, đái dầm, vung tay vung chân, mộng du, nói mơ... Còn khi tim mạch có vấn đề, tuần hoàn máu không tốt dẫn đến tình trạng thiếu ôxy thoáng qua, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây nói mơ.

Nếu nói mơ là một dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ thì có thể chữa trị nhanh chóng bằng các liệu pháp tâm lý. Nếu bệnh nặng, lâu dài thì có thể điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, việc uống thuốc cần rất hạn chế và phải theo chỉ định của bác sĩ, nếu không sẽ gây nguy hiểm. Nói mơ do những bệnh khác thì cần điều trị chính bệnh đó.

“Nếu nói mơ kéo dài liên tục, kéo dài, kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi, chán nản, ảnh hưởng đến công việc và học tập thì tốt nhất nên đến các trung tâm y tế hoặc tư vấn tâm lý để được khám và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Rất nhiều người trông khỏe mạnh nhưng thường xuyên nói mơ, nói rành rọt, có thể họ cũng mắc bệnh tâm lý hoặc thể chất”, bác sĩ Cương nói.

Còn bác sĩ Lã Thị Bưởi cảnh báo: “Khi nói mơ là dấu hiệu của bệnh cơ thể thì tùy mức nặng nhẹ có thể điều trị, nhưng không dứt điểm được; nó mang tính chu kỳ. Người bệnh nên tuân thủ liệu pháp của bác sĩ. Nếu nói mơ không ảnh hưởng đến sức khỏe, hành vi thì nên tập luyện, thư giãn mỗi ngày để giúp có giấc ngủ tốt, hiện tượng này sẽ giảm”.

Theo Anh Trần
Báo Đất Việt

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG