Hãy thức tỉnh và sẵn sàng cho vô thường

TP - Trong thời lượng 14 phút, “Hãy thức tỉnh và sẵn sàng” đã sử dụng nhiều phép đối lập để khám phá sự phi lý và vô thường của cuộc sống thông qua một vụ tai nạn giao thông và cuộc trò chuyện không đầu, không đuôi của 3 người đàn ông bên bàn nhậu…

“Hãy thức tỉnh và sẵn sàng” là phim ngắn năm 2019 từng đoạt giải thưởng hạng mục Director’s Fortnight – một nhánh của LHP Cannes của đạo diễn Phạm Thiên Ân. Bốn năm sau cũng tại chính LHP Cannes này, “Bên trong vỏ kén vàng” – bộ phim điện ảnh dài đầu tay của vị đạo diễn trẻ này được mở rộng và phát triển từ bộ phim ngắn kể trên đã giành giải Camera Vàng (Caméra d’Or).

Hãy thức tỉnh và sẵn sàng cho vô thường ảnh 1

Ba nhân vật chính không tên ngồi tại bàn nhậu và bàn về cuộc sống sau khi chứng kiến vụ tai nạn giao thông (Ảnh cắt từ phim)

Sự đối lập đầu tiên của bộ phim nằm ở trong cốt truyện nơi không có gì và tất cả mọi thứ cùng xảy ra cùng một lúc: một cuộc hội thoại bên bàn nhậu của 3 người bạn, một vụ tai nạn giao thông vụt qua, cậu bé biểu diễn thổi lửa, trộm cắp, đuổi nhau, bị thương và kết lại bằng một cơn mưa. Để nói về việc có gì hoặc không có gì xảy ra, nó phụ thuộc vào từng hệ quy chiếu. Đối với nhóm bạn, cuộc đời họ vẫn không thay đổi gì sau buổi tối đó ngoại trừ nhân vật bị thương giờ có thêm 9 mũi khâu ở chân, nhưng đối với đứa trẻ trong vụ tai nạn, cuộc đời của nó đã thay đổi hoàn toàn với cái chết của bố/mẹ nó.

Hãy thức tỉnh và sẵn sàng cho vô thường ảnh 2

Hình ảnh thằng bé thổi lửa trong phim (Ảnh cắt từ phim)

Ba nhân vật chính không xuất hiện cho tới hơn nửa sau của bộ phim, trước đó ta chỉ có thể nghe giọng nói của họ trộn lẫn với thứ tạp âm đường phố Sài Gòn. Khi tai nạn xảy ra, mọi người xung quanh nháo nhào chạy tới xem, còn một trong ba nhân vật chính chỉ rút tai nghe ra nghe nhạc giao hưởng – một loại nhạc sang trọng và tinh tế nhưng trong trường hợp này thì lại được chơi tại một quán nhậu bình dân ồn ào, dân dã và trần tục. Một thứ nhạc trịnh trọng được bật để át đi những âm thanh đường phố, lời chửi rủa và tiếng cụng bia trên bàn nhậu. Đây có lẽ là cách nhân vật trong phim tìm sự an bình giữa một thế giới hỗn loạn. Ta không thể kiểm soát được những thứ xung quanh ta, nhưng ta lại có khả năng quyết định cách nó ảnh hưởng ta như thế nào.

Hãy thức tỉnh và sẵn sàng cho vô thường ảnh 3

Đạo diễn Phạm Thiên Ân tại LHP Cannes 2019

“Con người mình luôn tự hào là sinh vật thông minh bậc nhất, luôn tin vào những thứ mắt thấy, tai nghe, những sự logic tầm phào. Họ ăn to, nói lớn. Chẳng qua là thể hiện sự rỗng tuếch trong cả trí tuệ lẫn tâm hồn”. Một đoạn thoại về bản tính kiêu ngạo của loài người, về cách mà họ cho rằng lý tính vượt lên trên tất cả. Và câu thoại này bị gián đoạn bởi vụ tai nạn giao thông xảy ra gần đó, minh họa rõ điều nhân vật trên vừa nói: con người dù có thông minh và lý trí đến đâu thì cũng phải đầu hàng trước sự vô thường của cuộc sống.

Với cá nhân tôi, chết vì tai nạn giao thông nói riêng hay tai nạn nói chung là cái chết đáng sợ và rẻ mạt nhất. Nếu chết vì bệnh nan y hay thậm chí tự sát, ta vẫn còn trong tay thời gian và những sự lựa chọn. Còn bản chất cái chết vì tai nạn là luôn xảy ra bất ngờ và ngẫu nhiên, ta có thể bước ra đường một ngày bất kì nào đó và không mảy may nghĩ rằng đó là ngày cuối cùng ta trở về nhà. Nó không phân biệt tuổi tác, địa vị, chủng tộc hay giới tính. Trong phim, khi các nhân vật bàn về vụ tai nạn vừa xảy ra, một người nói: “Cái đầu bị biến dạng nè. Đó, mày thấy hông! Còn cái não bị rớt dưới đường này. Má thiệt!”. Câu thoại này đã thể hiện sự lạnh lùng của cái chết đến từ tai nạn. Con người trưởng thành và học tập, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm sống suốt cả cuộc đời họ. Mớ kiến thức, kinh nghiệm sống, tình yêu, kí ức được tích lũy hàng chục năm của cả chục năm đó trong tích tắc có thể trở thành những mảnh não vụn vươn vãi khắp mặt đường bẩn thỉu. Nạn nhân đó có thể là một người cha, người mẹ, một tỉ phú giàu có, v.v. nhưng giờ đây họ cũng không là gì hơn một mớ não văng ra giữa đường và một thân xác lạnh lẽo. Albert Camus, một triết gia người Pháp đại diện cho chủ nghĩa phi lý và vô lý của vũ trụ, luôn sợ các phương tiện giao thông và cho rằng cái chết do tai nạn xe cộ là đỉnh cao của sự phi lý. Trớ trêu thay, ông qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi.

Sự ngu ngốc và nông cạn của con người, theo lời nhận xét trên của nhân vật, được khắc họa qua màn rượt đuổi giữa một người đàn ông trong nhóm và thằng nhóc biểu diễn trò thổi lửa khi hắn cho rằng thằng nhóc đó trộm tờ 500 ngàn của mình. Hắn dọa nạt và chửi thề với thằng bé rồi đuổi theo nó. Sau cùng, hắn vẫn thất bại, đã thế còn bị thanh kim loại chém rách toạc cả bàn chân. Hắn đặt bàn chân đẫm máu lên bàn nhậu cạnh bên đĩa chân gà nướng, tạo nên một sự tương đồng giữa hắn và loài gà. Khung hình này như thể muốn thốt lên rằng dù con người có “ăn to và nói lớn” như thế nào, họ cũng chỉ nhỏ như một loài gia cầm khi được đặt trong quy mô rộng lớn của cả vũ trụ.

Sau cùng, “Hãy thức tỉnh và sẵn sàng” là một lời nhắc nhở về sự nhỏ bé và ngắn ngủi của đời người giữa một vũ trụ vô thường và rộng lớn. Phạm Thiên Ân đã có thể chắt lọc được bản chất bí ẩn của cuộc sống và bản tính dễ đoán của con người qua một bộ phim ngắn, từ đó bắt ta phản tư về trạng thái chánh niệm và sẵn sàng với mọi sự kiện bất ngờ sắp xảy đến, đặc biệt trong thời đại của công nghệ và sự tiêu thụ thái quá nội dung trên mạng xã hội.

Sự đối lập giữa cái tĩnh và cái động được thể hiện qua kĩ thuật quay phim tối giản đầy điêu luyện. Cả bộ phim là một cú quay one-take và chỉ có toàn bộ 4 lần di chuyển máy quay, mỗi lần di chuyển đều mở ra những chi tiết mới vẫn luôn tồn tại ở ngoài khung hình phim. Những cảnh quay tĩnh đối lập với bối cảnh ồn ào đầy bận rộn của các quán nhậu đường phố đã khắc họa được tính chân thực của phim và khiến người xem cảm tưởng như rằng họ cũng đang tồn tại trong chính nó. Phong cách quay phim tĩnh và tối giản này được tiếp tục sử dụng trong “Bên trong vỏ kén vàng” và giúp bộ phim này nhận được giải thưởng Camera Vàng tại Cannes mới đây.