Hiệp định EVFTA và thời cơ 'hóa rồng' cho Phú Mỹ

Hiệp định EVFTA và thời cơ 'hóa rồng' cho Phú Mỹ
Việc nhà đầu tư châu Âu muốn rót gần 1 tỉ USD vào dự án logistics ở Phú Mỹ, sau Hiệp định EVFTA và sự kiện đón tàu container lớn nhất thế giới mở ra cơ hội đưa địa danh này vào những thương cảng bậc nhất thế giới.

Thời cơ đưa Phú Mỹ vào bản đồ thương cảng đẳng cấp thế giới

Tạp chí Maritime (Mỹ), mới đây đã dẫn lời một lãnh đạo  Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến đầu năm 2020, Việt Nam đã tăng diện tích bến hơn 8 lần trong 20 năm qua, với 34 cảng. Trong đó, cảng Cái Mép (Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất lên đến 214.000 tấn, tiếp theo là cảng Hải Phòng có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải 132.000 tấn. Mục tiêu trong giai đoạn phát triển tiếp theo là nâng công suất hàng hóa hàng năm của Việt Nam lên 1,14-1,42 tỷ tấn. Trọng tâm là phát triển cảng Hải Phòng và cảng Cái Mép đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đó, ngày 26/10/2020, cảng Cái Mép (CMIT) đã làm lễ đón tàu container Margrethe Maersk - một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải hơn 214.000 tấn, sức chở hơn 18.300 container, dài gần 400m, rộng 59m.

Với sự kiện này, CMIT trở thành một trong số khoảng 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này, góp phần khẳng định vị thế của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trên bản đồ hàng hải thế giới.

Việc cảng CMIT đủ năng lực và được cấp phép tiếp nhận tàu trọng tải đến hơn 214.000 tấn cũng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết như Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Khi đó, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được xếp lên các tàu mẹ kích cỡ lớn đi thẳng đến các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ mà không cần trung chuyển qua các cảng trung chuyển như Singapore, Malaysia... giúp tiết kiệm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, giảm thời gian chuyên chở từ đó hàng hóa sớm được tiếp cận với thị trường.

Đây cũng là tiềm năng lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư châu Âu. Tại buổi gặp mặt với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam hồi tháng 9/2020, các nhà đầu tư cũng cho biết dự án có thể đón tàu container trọng tải lớn để đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tham gia thúc đẩy các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, chở hàng hóa, nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long tới Cái Mép Hạ và đi ra thế giới.

Vì thế, các nhà đầu tư mong muốn dự án sớm được phê duyệt, đồng thời khẳng định cam kết nếu được lựa chọn, họ sẽ triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng, áp dụng các biện pháp “vận tải xanh” để phát triển bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam và EU đang thúc đẩy giao thương, khi EVFTA có hiệu lực thì hai bên đều cần những dự án như dự án này. Nỗ lực theo đuổi dự án của các nhà đầu tư châu Âu, cùng với sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ được kỳ vọng sẽ đưa Phú Mỹ vươn lên thành thương cảng hàng đầu Đông Nam Á, trở thành đòn bẩy kinh tế bậc nhất phía Nam.

Hơn 16,3 tỷ USD rót vào 9 khu công nghiệp ở Phú Mỹ

Đây là thông tin được đưa ra tại Đại hội Đảng thị xã Phú Mỹ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đầu tư mạnh vào khu công nghiệp cũng là hướng đi đã được Bà Rịa - Vũng Tàu xác định trong 4 trụ cột kinh tế. Theo thông tin tại Đại hội, trên địa bàn thị xã có 35 cảng, với tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng, trong đó 21 cảng đã đi vào hoạt động. Phú Mỹ hiện có 9 khu công nghiệp tập trung với 261 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 16,3 tỉ USD. Con số này tương đương gần 50% tổng vốn FDI tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Tổng vốn đầu tư đăng ký các dự án còn hiệu lực tại Bà Rịa - Vũng Tàu lũy kế đến ngày 20/12/2020 hơn 32,7 tỷ USD).

Đại hội Đảng bộ thị xã Phú Mỹ lần thứ VI thống nhất, giai đoạn từ nay đến 2025, thị xã Phú Mỹ sẽ tập trung thực hiện công tác quy hoạch để định hướng phát triển đô thị Phú Mỹ bền vững gắn với lợi thế về công nghiệp, cảng biển. Đây cũng là 2 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh được thông qua trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Các trụ cột kinh tế theo mô hình phát triển kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định gồm: Công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Với nhiệm vụ trọng tâm được đại hội đưa ra là tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ định hướng 5 năm tới, tỉnh này tiếp tục đẩy mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch; tăng năng lực cạnh tranh, sẵn sàng thu hút đầu tư của các khu công nghiệp và của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải (nằm trên địa bàn thị xã Phú Mỹ) với các nước trong khu vực.

“Vì vậy, Đảng bộ thị xã Phú Mỹ cần chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cầu cảng, sử dụng công nghệ hiện đại, tận dụng tối đa lợi thế so sánh về công nghiệp, cảng biển để thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững”, ông Thọ nói.

Hiệp định EVFTA và thời cơ 'hóa rồng' cho Phú Mỹ ảnh 1

Bất động sản Phú Mỹ hưởng lợi nhờ Hiệp định EVFTA

Cùng với việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực, từ ngày 1/8/2020, Phú Mỹ càng trở thành điểm nóng thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực cảng biển. Cảng Cái Mép đã tiếp nhận tàu với trọng tải lên đến 214.000 tấn, hồi tháng 10/2020. Sự kiện này đưa Cảng Cái Mép vào top 20 cảng biển lớn nhất thế giới, vượt qua cảng Hải Phòng với khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải 132.000 tấn.

Hiệp định EVFTA cũng mở ra cơ hội đưa Phú Mỹ thành thương cảng đẳng cấp thế giới, khi các nhà đầu tư Bỉ và Hà Lan đang “chạy nước rút” để xin đầu tư gần 1 tỉ USD vào dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Mục tiêu của dự án hướng tới phát triển Cái Mép Hạ trở thành trung tâm hàng đầu về dịch vụ vận tải, container và xuất khẩu nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long sang Liên minh châu Âu. Tầm nhìn, kinh nghiệm phát triển và nguồn tài chính từ các nhà đầu tư châu Âu là những thế mạnh đảm bảo cho dự án sớm đi vào hiện thực, khi được phê duyệt.

MỚI - NÓNG