Hiểu thế mạnh bản thân
Anh Lê Văn ( người sáng lập và đồng thời là CEO của trang web vexere.com), từ thực tế khởi nghiệp của bản thân, đã cho rằng, cần nhiều hơn thế, chứ không đơn giản là việc học theo một mô hình nào đó và chỉ tích lũy kinh nghiệm trong một thời gian ngắn. Anh cho biết, hiện nay, có rất nhiều sinh viên ra trường làm trái ngành nghề hoặc có công việc đúng chuyên ngành nhưng không phải đam mê thật sự. Vì thế, việc hiểu rõ năng lực và sở thích bản thân đóng vai trò rất quan trọng để các bạn sinh viên có thể tìm được công việc phù hợp với đam mê và ngành học.
Một trong những phương pháp anh Lê Văn đưa ra là phân tích năng lực cá nhân bằng cách liệt kê những thế mạnh, kiến thức, kỹ năng, tính cách và tài năng của bản thân: “Các bạn sinh viên có thể nhận thức đâu là những điểm mạnh mà mình đang có và thích hợp với công việc nào. Sau khi phân tích năng lực cá nhân, các bạn nên làm những bài đánh giá và khảo sát tính cách, chẳng hạn như MBTI, DISC, hay “Strengths Finder”. Đây là một số thước đo phản ánh phần nào tính cách cá nhân, giúp các bạn hiểu rõ hơn những công việc phù hợp. Bên cạnh các bài kiểm tra tính cách, việc nghe nhận xét từ những người xung quanh cũng là một biện pháp hữu hiệu để các bạn có thể tự đánh giá năng lực”.
Kỹ năng xây dựng mối quan hệ
Chị Mai Phương, nhân viên Phân tích tiếp thị và Phát triển sản phẩm, Công ty Real Time Analytics đã đem đến cho các bạn sinh viên những kiến thức xung quanh kỹ năng xây dựng các mối quan hệ (networking). Sau khi đưa ra con số 34% người có được việc làm thông qua kỹ năng xây dựng các mối quan hệ, chị Phương nhấn mạnh vai trò thiết yếu của kỹ năng này: “Tìm kiếm các mối liên hệ, như tập sử dụng mạng xã hội Linkedin hay Facebook. Một kỹ năng cũng rất quan trọng trong quá trình khởi đầu một mối quan hệ trực tiếp (face-to-face) là kỹ năng tự giới thiệu bản thân (self – introduction)”. Chị Mai Phương khuyên các bạn sinh viên nên cố gắng trở thành một người có cách giao tiếp thông minh và thu hút: “Khi giới thiệu tên với nhà tuyển dụng, các bạn chỉ nên dùng một chữ trong tên mình để giúp đối phương dễ tiếp thu và dễ nhớ. Khi cuộc hội thoại có dấu hiệu chấm dứt, nên kết thúc bằng một câu hỏi hay một câu khẳng định về bối cảnh lớn xung quanh. Phần giới thiệu bản thân chỉ nên kéo dài từ 2 - 3 phút và tuyệt đối không nên quá 5 phút”.
Chị Võ Thị Kim Loan, Trưởng phòng Quản lý và Đào tạo, Vinataba -Phillip Morris đã chia sẻ thêm với các bạn sinh viên về xu hướng tuyển dụng mới hiện nay: “Phỏng vấn xin việc hiện nay không nhất thiết là gặp trực tiếp. Đó có thể là một đoạn băng ghi hình ngắn giới thiệu bản thân, quá trình theo dõi hành vi của ứng viên đối với những người xung quanh, hay thậm chí là một bữa cơm trưa với nhà tuyển dụng”. Hiểu được sự đa dạng và linh hoạt của các hình thức phỏng vấn, người tham dự, theo đó, được làm quen với các loại hình câu hỏi như: Câu hỏi trực tiếp về bản thân, xử lý tình huống, trường hợp giả định hoặc những câu hỏi mang tính thách đố khác. Bước quan trọng tiếp theo là xây dựng một kế hoạch xuyên suốt từ trước, trong và sau thời điểm phỏng vấn. Ứng viên cần phải nhận thức và có định hướng cho bản thân, tìm kiếm những vị trí phù hợp, thay vì cố gắng thay đổi những giá trị, tính cách cá nhân để phù hợp với vị trí hoặc công ty đó. “Nhà tuyển dụng phải thấy được rằng, ứng viên chính là câu trả lời cho những khó khăn của họ”, chị Kim Loan nhấn mạnh.
Chị cũng lưu ý những vấn đề trước khi tham dự phỏng vấn, như cách ăn mặc, có mặt đúng giờ, kỹ năng phân tích và trả lời câu hỏi của người phỏng vấn, sự chân thật trong câu trả lời.