Hồ Văn còn một chút này

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cữ áp Tết âm quen lệ cứ lang thang chỗ Hồ Giám. Giờ, ít người gọi cái tên Hồ Giám mà quen cái tên mới Hồ Văn. Cái hồ bên Miếu Văn, thuộc về Văn Miếu. Hồ Văn vốn được xem như Minh đường án ngữ trước Miếu Văn.

Hồ Văn kiêu sa và lầm lụi

Cữ áp Tết âm quen lệ cứ lang thang chỗ Hồ Giám. Giờ, ít người gọi cái tên Hồ Giám mà quen cái tên mới Hồ Văn. Cái hồ bên Miếu Văn, thuộc về Văn Miếu. Hồ Văn vốn được xem như Minh đường án ngữ trước Miếu Văn.

Hồ Văn còn một chút này ảnh 1

Những sạp chữ bên Hồ Văn

Miếu Văn bày lắm trò vui dịp Tết đã đành một nhẽ. Nhưng chỗ Hồ Văn cũng xôm tụ cuốn hút du khách chả kém bởi là trung tâm cho chữ viết chữ ngày xuân.

Tầm áp Tết như chiều 27 âm Hồ Văn vắng lặng. Sải bước trên những khúc quanh có lý mới tạo dựng ngó sang chỗ gò đảo Kim Châu có cây cầu đá nối sang thấy dậy nên cảm giác an bình.

Những sởn da gà coi lại tài liệu của Ty rồi Sở Văn hóa Hà thành, từ năm 1946 và xuyên tận những năm đầu 1990, Hồ Văn, một cái ao to tướng bùn lầy rác đọng nhưng luôn bị cấu xé tơi tả. 278 hộ dân xung quanh lấn chiếm với tổng diện tích 4.227m2.

Rồi Hà Nội chật cứng những xô bồ hăm hở mần ăn kiếm chác mà vẫn có chút tĩnh trí vượt thoát những bấn bíu và cả tham lam. Trong số hàng ngàn con hồ lớn nhỏ bị san lấp, may sao Hồ Văn đã không bị bức tử!

Hồ Văn còn một chút này ảnh 2
Hồ Văn còn một chút này ảnh 3

Hồ Văn trước và sau khi cải tạo

Trên cái nền nham nhở Hồ Văn những lấn chiếm và xây cất trái phép, Hà Nội đã mạnh tay chấn chỉnh. Lại tiến hành phục dựng tòa phương đình và tôn tạo gò Kim Châu nên mới có cảnh trí u nhã như hiện nay.

Tôi kính cẩn đặt tay lên hai tấm bia đá còn sót lại trên gò Kim Châu. Hơi lạnh từ hai tấm bia được dựng năm Tự Đức thứ 18 (1865) trong dịp tu sửa Văn Miếu và nạo vét Hồ Văn, do Hoàng giáp khoa Tân Hợi, Bố chánh Hà Nội Lê Hữu Thanh soạn. Trong tịch mịch chiều buông trên Hồ Văn như đang truyền cho hậu thế thông điệp về vẻ đẹp và quá trình trả lại Hồ Văn cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Về một quá vãng Gò Kim Châu có Phán Thủy đình, nơi các nho sĩ thường lui tới để bình văn chương thơ phú.

Rồi Khoảng niên hiệu Cảnh Trị (1668 - 1671), Tham tụng họ Phạm (Phạm Công Trứ) làm 10 bài thơ vịnh Phán Thủy để ghi lại cảnh đẹp Hồ Văn.

Có một đêm thi hào Nguyễn Du có mặt ở Hồ Giám - Hồ Văn này…

Nguyễn Du bâng khuâng ở Hồ Văn

Một chút đôi hồi về cái người văn họ Nguyễn Tiên Điền sinh năm 1765 tại phường Bích Câu, kinh đô Thăng Long. Là con của vị Tiến sĩ, Tể tướng Nguyễn Nghiễm, những năm đầu đời Nguyễn Du là cậu ấm sống trong nhung lụa. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, mười tuổi mất bố, mười ba tuổi mất mẹ, … Nguyễn Du phải xa Thăng Long, về quê vợ Quỳnh Phụ, Thái Bình và ở nhờ suốt mười năm, ông gọi đó là mười năm gió bụi (táp tải phong trần).

Năm 1796, vợ mất, Nguyễn Du đưa cậu con trai về quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh và ở suốt sáu năm, cho đến năm 1802 thì ra làm quan dưới triều Gia Long. Mãi đến đầu năm 1813, trên đường đi sứ Trung Quốc, ông mới có dịp trở lại Thăng Long và ngỡ ngàng, cảm thương trước những thay đổi về phong cảnh và con người.

Khi Gia Long lên ngôi thì kinh đô chuyển vào Phú Xuân, còn Thăng Long chỉ là một thành phố, Gia Long cho xây lại thành mới, cố cung Thăng Long thời vua Lê đã biến mất... Trong chuyến đi này Nguyễn Du sáng tác bốn bài thơ về Thăng Long. Về cảnh vật cùng con người vật đổi sao dời. Bài nào cũng vương vất chất hoài cổ, buồn thương.

“Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong Truyện Kiều cứ như toát yếu bài “Long Thành cầm giả ca” (Bài ca người gảy đàn ở đất Long Thành), Nguyễn Du bộc bạch nỗi lòng trước sự đổi thay thời cuộc mà mình từng trải, hơn là “bể dâu” trong cuộc đời của Thúy Kiều. Dùng hình ảnh một người ca nhi, từng học đàn dưới triều Lê, “lên ngôi” thời Tây Sơn và tàn tạ dưới thời Gia Long... tác giả gửi gắm bao nỗi riêng của lòng mình.

Ít khi cụ Nguyễn khai mở bài thơ bằng những lời Tiều dẫn? Thế mà với “Long Thành cầm giả ca” cụ biện ra đến hơn 300 từ!

Ta thử ngó kỹ.

“Người gảy đàn đất Long Thành ấy không rõ họ tên là gì. Nghe nói thuở nhỏ nàng học đàn Nguyễn trong đội ngũ nữ nhạc ở cung vua Lê. Quân Tây Sơn kéo ra, các đội nhạc cũ kẻ chết, người bỏ đi, nàng lưu lạc ở chợ, ôm đàn hát rong. Những bài nàng gảy đều là những khúc Cung phụng cho vua nghe, người ngoài không hề được biết, cho nên tài nghệ của nàng nổi danh hay nhất một thời.

Hồi còn trẻ, tôi đến kinh đô thăm anh tôi, ở trọ gần hồ Giám, cạnh đó các quan Tây Sơn mở cuộc hát lớn, con gái đẹp có đến vài chục người. Nàng nổi tiếng nhờ ngón đàn Nguyễn. Nàng hát cũng hay và khéo khôi hài, mọi người say mê, đua nhau ban thưởng, tiền thưởng nhiều vô kể... Sau đó vài năm tôi rời về Nam, mấy năm liền không trở lại Long Thành. Mùa xuân năm nay tôi phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, đi qua Long Thành, các bạn mở tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ, có gọi tất cả vài chục nữ nhạc, tôi đều không biết mặt, biết tên, chị em thay nhau múa hát.

Rồi nghe một khúc đàn Nguyễn (khúc đàn Nguyễn là khúc gì? Còn có tên gọi nào khác không? Để ý tra tìm nhưng người viết bài này vẫn chưa được tường?) trong trẻo nổi lên, khác hẳn những khúc thường nghe, tôi lấy làm lạ, nhìn người gảy đàn thì thấy một chị gầy gò, vẻ tiều tụy, sắc mặt đen sạm, xấu như quỷ, áo quần mặc toàn vải thô bạc phếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi im ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi. Tôi không biết nàng là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như đã quen biết, nên động lòng thương. Tiệc xong, hỏi ra thì chính người đàn bà trước kia đã gặp.

Than ôi, người ấy sao đến nỗi thế? Tôi bồi hồi không yên, ngửng lên, cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa nay. Người ta trong cõi trăm năm, những sự vinh nhục, buồn vui thật không lường được. Sau khi từ biệt, trên đường đi, cảm thương vô hạn, nên tôi làm bài thơ sau, để ghi mối cảm hứng”.

“Bài ca người gảy đàn đất Long Thành” Bản dịch của Vương Trọng mở đầu bằng mấy câu:

“Tên người đẹp, chẳng ai hay

Giỏi đàn, dân cứ gọi ngay cô Cầm…”

Và kết:

“Mở trừng đôi mắt nhìn lâu

Gặp nhau chẳng nhận được nhau, thật buồn!”

(bạn đọc quan tâm có thể tìm được ngay trên internet).

Năm xa lẽo đẽo theo cụ Nguyễn Văn Bách lang thang ở Miếu Văn. Được theo hầu một bậc túc Nho, người trực tiếp viết đến hơn 80% trong số hàng trăm đại tự câu đối lớn nhỏ ở Miếu Văn này như bây giờ mà du khách thưởng lãm lại cùng chả sướng sao? Cụ là người từng phải dùng thừng treo thân lửng lơ ở vào cái thế khó để viết ba chữ Văn Miếu Môn (sau này được cẩn sứ) chỗ Cổng Văn Miếu. Lại nói vô số những đại tự câu đối những thời trước, đời trước truyền lưu trong Miếu Văn chả thưa thớt. Nhất là gian nhà Học, nhà thờ Khổng Tử. Cụ Bách phải tra cứu, điều nghiên lẫn sáng tác ngót năm trời. Bây giờ hậu thế chiêm quan bức hoành nghiêm cẩn im phăng phắc kiểu chữ “chân” Vạn Thế Sư Biểu rờ rỡ sắc sơn son thếp vàng và mấy chục bức hoành khác cùng la liệt câu đối chữ nghĩa uẩn súc cũng từ một tay Lỗ Công Nguyễn Văn Bách mà ra cả.

Cũng khoảng dịp ấy, cụ Bách đã hào phóng mà truyền cho, nói đúng hơn là giải mã cái điểm nhấn trong bài thơ Long thành cầm giả ca. Biên ra thì dài. Nhưng gọn lại, ấy là cách dùng số nhân để chỉ tuổi của người xưa.

Ấy là khi cụ đọc lên mấy câu trong bài thơ.

Dư ức thiếu niên tằng nhất kiến/Giám hồ hồ biên dạ khai yến/ Kỳ thời tam thất (3x7) chính phương niên.

Cụ hỏi tôi “Thế mấy chữ kỳ thời tam thất ấy là gì?”; Thấy tôi tắc, cụ cười “Đó là cách tính tuổi của cụ Nguyễn đấy!” Đoạn thơ ấy nên hiểu là “Hồi trẻ ta từng gặp em một lần bên Hồ Giám trong một cuộc dạ yến, em thuở ấy trẻ trung tuổi chừng 21”.

Khi muốn chỉ tuổi người con gái độ mười sáu trăng tròn, người ta dùng hồng trang nhị bát (2x8). Trong Long thành cầm giả ca Nguyễn Du cũng dùng cách nói này đối với người đẹp kiêm ca sĩ, nhạc công thành Thăng Long.

Dư ức thiếu niên tằng nhất kiến/Giám hồ hồ biên dạ khai yến/ Kỳ thời tam thất (3x7) chính phương niên (Hồi trẻ ta từng gặp em một lần bên Hồ Giám trong một cuộc dạ yến, em thuở ấy trẻ trung tuổi chừng 21).

Khi viết “Long Thành cầm giả ca”, Nguyễn Du, “con người thi nhân” đã choán chiếm “con người quan chức”.

Thử bấm tính chút nhá, trong 14 tháng ròng với cương vị Chánh sứ (đi sứ Trung Quốc từ tháng 2 năm 1813 đến tháng 4 năm 1814), Nguyễn Du đã sáng tác tập thơ “Bắc hành tạp lục” gồm 132 bài, không có một bài nào kể chuyện thù tạc với cương vị chánh sứ, mà chỉ nói về cảm hứng của ông khi đến những vùng đất, con người ông từ gặp trong sách vở, và đặc biệt nói về nỗi khổ của những kiếp người.

Tác giả “Long Thành cầm giả ca” đã đứng về phe nước mắt!

Thời điểm bài thơ sáng tác vào cái đêm Tuyên phủ thành Thăng Long mở tiệc tiễn ông đi sứ, thế mà bài thơ chẳng đề cập chi đến sự kiện ấy! Mà Nguyễn Du chỉ thở than lẫn vân vi thân phận một người đàn bà gảy đàn với nỗi cảm thương vô hạn.

Người Hồ Văn

Trong không gian u tịch vắng lặng hiếm hoi của Hồ Văn chiều muộn cận Tết, thoáng chạnh nhớ đến các “tay tổ” thư pháp, bốn nhà thư pháp Việt hữu danh “tứ trụ” Thanh hoằng khê Lê Xuân Hòa, Lỗ công Nguyễn Văn Bách, Vĩnh nguyên Lại Cao Nguyện và Nam ba cầm văn Cung Khắc Lược.

Cụ Hòa, cụ Bách đã về với tiên tổ nhiều năm rồi!

Tại gian Thập đạo, tôi mất kha khá thời giờ để quan chiêm chữ nghĩa của cụ đồ Cung Khắc Lược qua một bức hoành và một liễn đối! Rõ ra không hổ cái danh “độc lạ”! Ngay cái tên hiệu cũng gập ghềnh Nam ba cầm văn Cung Khắc Lược. Trong số bậc cao lão túc nho còn sót lại, cụ này hình dung đã… cổ quái, với vóc hạc, tóc bạc chấm vai. Cụ lại quen lối cuồng thảo. Người thưởng lãm đa phần… tắc tị. Nhưng người ta chả dễ bỏ qua cái kiểu chữ kỳ dị dở thảo pha triện ấy?

Bức hoành hóa ra là “Du xuân đắc ý”.

Còn câu đối cũng dung dị

“Tháp bút nhân vân hà nguyên khí tụ.

Hồ văn xuân tiết quý nhân du”

Hai thắng cảnh Hà thành Thăng Long, Tháp Bút Non Nghiên và Hồ Văn đã được cụ gói ghém.

Có hai chữ cụ dùng khá đắt. Chữ Vân hà (Ráng mây chiều Hồ Trả Gươm).

… Lấn bấn vậy nên trở ra phố Quốc Tử Giám đã vắng ngơ vắng ngắt! Tầm này khó kiếm ra cái xe ôm lẫn taxi. Nhưng may ông chủ quán nước bên hông Hồ Văn sau khi hỏi han đã rảo ù vào ngõ. Lát sau một cái xe ôm đã lù lù trờ tới. Người lái tùm hum áo đi mưa, áo ấm.

Ồ, một phụ nữ!

Câu chuyện đứt nối vì đường đông với lại để chị chủ xe tập trung vào tay lái nên tôi chỉ biết loáng thoáng về người chủ cuốc xe ôm đêm Tết ấy. Chị là con một gia đình có 6 anh chị em. Bố mẹ chị quê ở Nam Định nhưng là cư dân Hồ Văn từ năm 1954. Chồng chị cũng cư dân Hồ Văn. Nhà bần bách nên vợ chồng chị chạy xe ôm vài năm nay rồi.

Thoáng nhớ đến người ca nương già trong Long Thành… Những người đàn bà bên Hồ Văn thời nào cũng tất tả?

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.