Hóa giải hận thù trong lòng nước Mỹ

Hóa giải hận thù trong lòng nước Mỹ

Hóa giải hận thù trong lòng nước Mỹ
TP - Ít người quên giọng nói trầm hùng khi khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng một thời. Nay, ông đang làm công việc mới tại bên kia bán cầu: Góp phần hàn gắn những trái tim hận thù, phát triển mối bang giao.

> Đáp án Cuộc thi tìm hiểu 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không'
> Phát động cuộc thi tìm hiểu 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không'

Ám ảnh bại trận

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Houston (bang Texas-Hoa Kỳ) Lê Dũng dành những phút hiếm hoi cho PV Tiền Phong trong chuyến công tác ngắn ngày.

Với cương vị Tổng lãnh sự Việt Nam tại Houston, việc gắn kết với cộng đồng người Việt ở xứ người thế nào, thưa ông?

Những buổi đầu mở Tổng lãnh sự quán tại Houston rất khó khăn. Khó khăn nhất là, nhóm chủ tịch hội đồng cộng đồng người Việt ở đó đã thu thập hơn 100.000 chữ ký phản đối sự có mặt của chúng tôi.

Tuy nhiên, chúng tôi biết đằng sau sự chống đối này, âm thầm có biết bao sự ủng hộ. Sau khoảng 1 năm hoạt động, bà con ngày càng có thiện cảm với tòa tổng lãnh sự.

Bởi vì, tổng lãnh sự hỗ trợ từ thủ tục thăm thân ở quê nhà, tới việc buôn bán làm ăn, kết hôn, giấy tờ nhà đất, chuyển tro cốt người đã khuất… Có những lúc, nửa đêm có việc cần, bà con gọi, chúng tôi sẵn sàng. Trước đó, bà con bắt buộc phải chuyển lên Washington DC, San Francisco để làm.

Điều khó khăn khi sang đây là làm sao kết nối được bà con Việt kiều, hướng bà con về với quê hương đất nước. Khó nhất vẫn là thuyết phục những người lớn tuổi.

Dẫu sao, trong lòng họ vẫn còn những suy nghĩ không thiện ý với trong nước. Nếu như năm đầu tiên chỉ có 10 người đến tiếp xúc trong dịp Tết Nguyên đán, đến năm thứ 3, chúng tôi mời 280-300 người dự thì bà con chiếm một nửa. Chỉ có một bộ phận rất nhỏ cố chống phá lại những người hướng về quê hương.

Chúng tôi tập trung vào vận động lớp trẻ sinh sau 1975. Có người nói được tiếng Việt, có người không, nhưng bản thân người ta luôn suy nghĩ mình là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt. Họ không mấy băn khoăn và nghĩ nhiều về thất bại năm 1975.

Nhiều người rất trẻ sẵn sàng hỗ trợ cho các hoạt động của tòa lãnh sự quán trong công tác cộng đồng, tìm hiểu thị trường. Đặc biệt là lớp trẻ am hiểu về công nghệ cao, rất ủng hộ. Chẳng hạn, dự án chúng tôi kêu gọi đầu tư Công viên số ở Đà Nẵng.

Có câu chuyện nào cụ thể về những người Việt ở đây khiến ông suy nghĩ nhiều?

Chẳng hạn, tôi đã từng tiếp xúc với những người trước đây từng làm công tác tâm lý chiến trong chế độ Sài Gòn cũ. Sau khoảng 3,4 lần tiếp xúc, họ bảo rằng thiếu thông tin về Việt Nam và nói nếu Cộng sản ai cũng như các anh thì tôi cũng yêu Cộng sản.

Tôi đã nói với họ: Có nhiều người hay hơn tôi đấy. Những hận thù gần 40 năm rồi, các bác, các anh, các chị cố gắng dẹp lại, làm thế nào tăng cường tiếp xúc với tòa tổng lãnh sự quán, tìm kiếm thông tin trên mạng để hiểu đúng về đất nước. Còn nếu suốt ngày nghe đài, đọc báo của một bộ phận Việt kiều phản ánh đơn tuyếnthì rất nhiều tin tiêu cực. Mọi người chỉ nhìn thấy một góc nhỏ mà không hiểu được nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Các ông ấy nói: Chúng tôi hiểu cả chứ, nhưng bên này chúng tôi muốn đất nước phải cởi mở hơn, làm sao đừng coi chúng tôi là người thất trận. Tôi trả lời ngay: Không bao giờ coi các bác là người thất trận cả. Hoàn cảnh đất nước lúc đó như thế. Tôi rút ra rằng, mình cứ cởi mở, chân thành với người ta.

Cần xuất khẩu chữ Tín sang Mỹ

Từ khi có tổng lãnh sự ở Houston, hiệu quả kinh tế mang lại cho đất nước ra sao, thưa ông?

 “Mỗi dịp 30/4, tôi đến thăm một số gia đình di tản sau năm 1975, họ cho đây là ngày quốc hận. Để thấy rằng, muốn xóa được hận thù không đơn giản. Mình thông cảm cho họ. Bà con đều là anh em cả, phải xuất phát từ trái tim”. 

Lê Dũng
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Houston

Trong 3 năm tốc độ tăng trung bình từ 25-30%. Năm 2012 cao nhất, tăng được 32%. Mình vẫn xuất siêu sang Texas là chính. Việt Nam nhập máy móc, trang thiết bị, kỹ thuật hóa dầu và nông sản (chủ yếu là bông gòn, ngô và thức ăn gia súc). Bang Texas mạnh về công nghiệp và nông nghiệp. Nước ta xuất đồ gỗ (đẹp, giá rẻ), hải sản tôm cua cá; đồ ăn hàng ngày như mỳ tôm, bánh phồng tôm xuất rất tốt. Trung bình 2 lần/năm, chúng tôi xúc tiến thương mại. Để phát triển hơn nữa, phải đợi đến 2014, khi kênh đào Panama giai đoạn 2 hoàn thành, hàng hoá Việt Nam không phải đi vòng qua Cảng Long Beach (tiểu bang California).

Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sang thị trường Texas?

Với thị trường Mỹ, mặt hàng gì cũng có thể xuất được. Về chất lượng, họ có nhiều phân khúc khác nhau. Nhưng kiểm duyệt rất khắt khe. Vấn đề là, bà con trong nước xuất khẩu thời gian đầu chất lượng rất tốt, nhưng về sau kém dần. Tôi khuyên các doanh nghiệp Việt Nam phải nghiêm túc trong việc hiểu và làm theo đúng luật của nước Mỹ; cần giữ chất lượng, uy tín thì mới xuất khẩu được số lượng lớn. Khi đã có uy tín rồi sẽ xuất khẩu được nhiều mặt hàng khác. Hơn nữa, nên làm ăn lớn, tiếp cận được những nhà phân phối lớn của Mỹ. Chẳng hạn, làm sao xuất khẩu được thẳng vào hệ thống bán lẻ lớn nhất toàn cầu Wal-mart. Chúng tôi đã mời một đoàn của Wal-mart sang Việt Nam để tìm hiểu thị trường.

Hành trang của ông sang Mỹ lần này có tư liệu về biển đảo?

Có 2 thứ, tôi tập trung nhiều: Tài liệu về kinh tế, dự án kêu gọi đầu tư, các quy định của nhà nước về đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu và công tác thông tin tuyên truyền. Trong đó, biển đảo rất được coi trọng. Đây cũng là điều bà con rất quan tâm. Tài liệu về biển đảo thể hiện bộ đội, thanh niên, các hiệp hội trong nước hỗ trợ đấu tranh như thế nào. Rồi ngư dân dũng cảm ra sao để vừa hoạt động kinh tế, vừa bảo vệ biển đảo.

Chủ quyền là thiêng liêng

Hẳn những người bạn Mỹ quan tâm lắm tới chủ quyền Việt Nam?

Chẳng hạn như vấn đề đường lưỡi bò. Tất cả những người bạn Mỹ mà tôi gặp, họ rất ủng hộ lập trường của Việt Nam trước đòi hỏi vô lý của Trung Quốc. Họ nói, khi nghe vậy đã thấy buồn cười, không có luật quốc tế nào cho phép như thế.

Lớp trẻ người Việt sinh sau 1975 ở Mỹ quan tâm về vấn đề chủ quyền như thế nào, thưa ông?

Họ quan tâm đến vấn đề bản đồ trên mạng như: Dùng tên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ra sao. Họ từng gửi phản đối lên trung tâm phát hành bản đồ ghi sai tên các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Dù họ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, ít có cơ hội về Việt Nam, nhưng vẫn hướng về
quê hương.

Hồi còn làm người phát ngôn Bộ Ngoại giao, mỗi khi nhắc tới chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, dường như ông đầy xúc cảm?

Không có gì tự hào và sung sướng hơn khi nói về vấn đề quan trọng của đất nước như chủ quyền. Chủ quyền là thiêng liêng. Không có ai là người Việt lại có thể để mất đi một viên gạch, một mét vuông đất của Tổ quốc, chứ chưa nói gì đến các quần đảo. Đó là đất đai, lãnh thổ mà ông cha đã giữ gìn bao đời nay. Do đó, mỗi lần phát ngôn, tôi rất tự tin, khẳng khái và thấy thật thiêng liêng. Vấn đề là, anh phát ngôn như thế nào để giữ chủ quyền, nhưng cũng cân nhắc liều lượng, đảm bảo quan hệ.

Cảm ơn ông!

Lê Dũng
Lê Dũng.
 

Bang Texas có hơn 400.000 người Việt sinh sống, riêng thành phố Houston có hơn 138.000 người.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bình luận