Định vị phong cách là xác định, định hướng hình ảnh tương lai của mình thông qua trang phục, để từ đấy mô phỏng bức chân dung trong tương lai bạn sẽ trở thành người như thế nào. Khi bạn đã xác định được hình ảnh của mình trong tương lai thì ngay hiện tại bạn sẽ biết cách lựa chọn những trang phục một cách phù hợp, đồng thời sử dụng trang phục để làm tăng giá trị của bản thân mình. Hãy luôn nhắc nhở bản thân đừng bao giờ khoác lên người những bộ trang phục làm giảm đi giá trị của mình.
Hoa hậu Thời trang Quốc tế 2019 Hồ Nguyễn Kim Sỹ. |
Vậy tại sao xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp lại rất quan trọng? Bạn chỉ có 7 giây đầu tiên gây ấn tượng với người khác, đó là khoảnh khắc, là cơ hội vô cùng quan trọng trong mắt người đối diện. Hình ảnh đó sẽ lưu lại trong hình dung của người khác về bạn là một tuýp người như thế nào: chỉn chu, chuyên nghiệp, logic, có kiến thức hay tềnh toàng, thiếu chuyên nghiệp?
Một người biết cách xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp thì xuất hiện ở bất cứ đâu cũng sẽ có sức hút và dễ gây thiện cảm trong mắt người đối diện. Bạn luôn phải hiểu rõ về bối cảnh, không gian, thời gian, địa điểm để chọn trang phục và phụ kiện phù hợp. Chẳng hạn, ban ngày thì mặc style khác, ban tối thì mặc style khác. Bạn không thể lấy trang phục của ban tối, ví dụ như những bộ đồ dự tiệc lấp lánh, để đi dự những sự kiện ban ngày. Việc xây dựng được hình ảnh chuyên nghiệp sẽ giúp bạn có những cơ hội giá trị trong công việc, trong cuộc sống, kể cả trong những mối quan hệ tình cảm lứa đôi, trong hạnh phúc gia đình.
Nhưng làm thế nào để có phong cách? Nếu bạn chưa biết chắc là mình phù hợp với phong cách nào thì bạn hãy dựa trên 4 tiêu chuẩn sau:
1. Form dáng của bạn: Lựa chọn trang phục chuẩn size, không mặc quá to hay quá nhỏ so với số đo của cơ thể. Chúng ta không thể lấy bộ đồ của một người mẫu cao gầy đưa cho một người có form dáng thấp béo với hy vọng người đó mặc sẽ đẹp như người mẫu.
2. Sở thích của bạn: Mỗi chúng ta có những sở thích khác nhau. Có người thích cổ điển, có người thích hiện đại, có người thích sexy,.. Hay bạn thích tone màu nào thì mặc theo tone màu đó, nhưng tất nhiên cũng phải phù hợp.
3. Công việc: Trang phục liên quan lớn đối với tính chất công việc. Giả sử một người làm kiến trúc sư thì không nên ăn mặc như ca sĩ biểu diễn trên sân khấu tại công trường làm việc,...
4. Môi trường: sống ở đâu bạn sẽ có một phong cách phù hợp với địa điểm và môi trường ở đó.
Sau khi đã xác định được 4 yếu tố trên rồi thì bạn nên nhìn vào một hình tượng nào đó mà bạn ưa thích để bắt đầu xây dựng phong cách. Ví dụ, bạn thích Ivanka Trump, một phụ nữ hiện đại, rất thanh lịch, sang trọng, quý phái, thì bạn có thể học theo cách ăn mặc và phong thái của cô ấy. Học theo phong thái tức là bạn để ý xem khi cô ấy đến gặp mọi người thì bắt tay, mỉm cười thế nào, đứng trước công chúng thì ra sao… Phong thái chính là một phần của phong cách và lifestyle. Tìm ra một hình mẫu rồi thì bạn nên tìm xem mình có những điểm chung nào với người đó. Ví dụ, với hình dáng khuôn mặt của mình, mình cắt kiểu tóc theo người đó thì có hợp không. Bước tiếp theo sau khi tìm những điểm gần giống với họ là bạn vẫn phải có những điểm riêng biệt của mình. Rồi đến bước ba, nếu bạn không đủ tài chính để sắm những bộ trang phục hàng hiệu thì sao? Một mẹo nhỏ dành cho bạn là hãy liệt kê ra 5 thương hiệu thời trang ở trong mức tài chính của mình, phù hợp với hai bước ở trên (phong cách, phong thái), rồi tìm hiểu xem 5 thương hiệu đó có những mẫu trang phục nào phù hợp với vóc dáng của mình cũng như với những yếu tố trên, rồi đến cửa hàng để thử. Thử xong thì bạn chốt lại là mình mặc cái gì đẹp nhất, vì mình thử thì mới biết được cái nào đẹp hơn cái nào chứ. Bằng cách này, bạn không phải mua nhiều mà vẫn sẽ mua được trang phục đẹp nhất, phù hợp nhất, bởi bạn mua sắm một cách khoa học chứ không phải ngẫu hứng.
Khi đi mua sắm trang phục, bạn cần lưu ý mấy điểm sau:
1. Với mức tài chính nhất định, bạn hãy tập trung vào chất lượng sản phẩm hơn là số lượng sản phẩm.
2. Hãy tập trung vào những trang phục mà bạn sẽ mặc chứ không phải mua theo cảm hứng, mua đủ các thể loại mà cửa hàng bán, để rồi bạn có một tủ đồ thập cẩm. Lúc đấy thì bạn sẽ không định hình được phong cách của bạn nữa.
3. Có những trang phục không dễ sử dụng, ví dụ như những bộ trang phục rất đẹp, lấp lánh, nhưng chỉ dùng được một lần hoặc không dùng được với môi trường, công việc của bạn, thì bạn đừng nên mua. Hãy học người Pháp, họ rất thông minh trong cách mua trang phục: Mua những gì tối giản, dùng được nhiều lần nhất, và có thể mix - match với nhiều trang phục nhất. Họ tránh những trang phục khác xa với cuộc sống hằng ngày của họ. Điều này càng đặc biệt đúng với giới học sinh sinh viên, những người rất quan tâm đến vấn đề tài chính, nên rất cần biết mua sắm trong tầm khả năng của mình một cách thông minh nhất.
Tóm lại, “Định hình phong cách là thay đổi hình ảnh của mình ngay tại thời điểm hiện tại, còn định vị phong cách là xác định hình ảnh mục tiêu của mình trong tương lai, rằng mình sẽ trở thành ai, từ đó sẽ chọn cho mình những trang phục phù hợp”.
ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI. NẾU BẠN CHƯA BIẾT BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU, HÃY BẮT ĐẦU TỪ TỦ THAY ĐỒ.
Tác giả Hồ Nguyễn Kim Sỹ là Hoa hậu Thời trang Quốc tế năm 2019; Founder & CEO Hệ sinh thái Your Style Group (YSG); Phó chủ tịch Mạng lưới Nữ lãnh đạo Toàn cầu tại Việt Nam - WLIN RUBY; Huấn luyện viên WSUN - Cộng đồng Phụ nữ Khởi nghiệp. Hoa hậu Hồ Nguyễn Kim Sỹ tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh ở thành phố Hồ Chí Minh. Cô bắt đầu bước vào ngành thời trang với niềm đam mê to lớn cùng cơ duyên được truyền cảm hứng và dẫn dắt từ nhiều đàn anh đi trước. Cuối năm 2016, Kim Sỹ bắt đầu thành lập thương hiệu thời trang YSG Design hướng đến các nữ doanh nhân và từ đó từng bước phát triển nên hệ sinh thái YSG (YSG Design, YSG Man, YSG Academy, YSG Consultant).
(Bài viết được trích đăng từ đặc san Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất do báo Tiền Phong xuất bản và phát hành ngày 28/6/2022 trên toàn quốc)