Họa sĩ Tôn Đức Lượng: Đại thụ của báo Tiền Phong dạo chơi cõi khác

TP - Giới hoạ sĩ nhớ đến họa sĩ Tôn Đức Lượng và những bức tranh ký họa của ông về thanh niên xung phong trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Người hiền ấy cũng là một trong sáu người khai sinh ra báo Tiền Phong. Ông rời cõi tạm vào 1h07 ngày 10/2 ở tuổi 99.

Hàng trăm bức ký về thời chiến

Họa sĩ Tôn Đức Lượng (tên thật: Nguyễn Hữu Kinh) sinh năm 1925 tại Bắc Ninh. Ông là một trong những sinh viên cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Phan Kế An... Trong mấy chục năm cầm cọ, họa sĩ Tôn Đức Lượng để lại gia tài hàng trăm bức ký họa lịch sử, nhiều tác phẩm sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ... đặc biệt là những bức ký họa về thanh niên xung phong qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng: Đại thụ của báo Tiền Phong dạo chơi cõi khác ảnh 1

Họa sĩ Tôn Đức Lượng

“Là một trong những sinh viên cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông sớm tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Dù công tác hay làm việc ở đâu, nghệ thuật vẫn là điều ông theo đuổi đến cuối đời”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ với Tiền Phong.

Sau khi tốt nghiệp, năm 1948, hoạ sĩ Tôn Đức Lượng công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên với vai trò minh họa, trình bày báo của Trung ương Đoàn, báo Xung phong, Sức khoẻ... Từ năm 1953, ông làm việc tại báo Tiền Phong cho đến khi nghỉ hưu. Ông thuộc nhóm sáu cán bộ tham gia từ ngày đầu thành lập tờ báo Tiền Phong và ra số báo đầu tiên ngày 16/11/1953, tại Chiến khu Việt Bắc.

“Họa sĩ Tôn Đức Lượng chọn cách tồn tại khác trong giới mỹ thuật nước nhà. Quá khứ là quá khứ và hiện tại là hiện tại, vì vậy ông chỉ vẽ ký để tham gia các triển lãm của giới nghệ thuật Việt Nam. Đóng góp của ông khiêm nhường nhưng ông cũng chẳng cần gì hơn sự khiêm nhường ấy”. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông thường xuống các cơ sở Đoàn và vẽ thanh niên nông thôn sản xuất nông nghiệp. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, họa sĩ Tôn Đức Lượng tiếp tục về các cơ sở Đoàn phản ánh hình ảnh thanh niên nông thôn làm thủy lợi, làm kinh tế công nghiệp nhỏ ở địa phương, đi theo các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước...

Không chỉ giữ vai trò họa sĩ của báo Tiền Phong, ông dành phần lớn thời gian còn lại để sáng tác. Từ năm 1951 đến năm 1980, ông tham gia hầu hết các Triển lãm mỹ thuật trên toàn quốc. Nhiều bức tranh của họa sĩ Tôn Đức Lượng được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, Bảo tàng Quân đội. Một số bức tranh của ông được Hội Mỹ thuật Việt Nam đưa đi tham gia triển lãm mỹ thuật Việt Nam tại Trung Quốc, Ba Lan và các nước Đông Âu.

Sự khiêm nhường đáng kính

Ông từng khiến công chúng ngỡ ngàng với triển lãm Tôn Đức Lượng - Ký họa lịch sử được tổ chức năm 2012 - 2013 tại Hà Nội và TPHCM. Hàng trăm bức ký họa do nhà sưu tập tranh người Thái Lan giới thiệu tại triển lãm này giúp công chúng hình dung rõ hơn về tài năng, gia tài đồ sộ của họa sĩ Tôn Đức Lượng. Cuốn sách in hơn 200 bức ký họa, một số tranh sơn dầu và khắc gỗ của của ông cũng ra mắt dịp này.

Để có được những bức ký họa ghi lại lịch sử, đời sống thời bấy giờ họa sĩ Tôn Đức Lượng theo chân Đoàn Thanh niên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ông phác họa hình ảnh thanh niên nông thôn sản xuất nông nghiệp, làm thủy lợi, làm kinh tế công nghiệp nhỏ ở địa phương, thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước... bằng chiếc bút sắt.

“Những bức tranh của ông mang nét đẹp thuần hậu khi ông kịp lưu giữ khoảnh khắc đẹp của người Việt, thanh niên xung phong bằng những bức ký họa nhanh. Phong cách ông vẽ luôn bình dị, chân thực”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nêu. Phong cách vẽ của họa sĩ Tôn Đức Lượng phần nào thể hiện tính cách của ông. Trong giới họa sĩ, ông luôn được nhận xét là người bình dị, tận tuỵ, luôn cống hiến trong thầm lặng.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng: Đại thụ của báo Tiền Phong dạo chơi cõi khác ảnh 2

Tác phẩm Mùa hoa gạo, Khu kinh tế thanh niên (ngày 4/4/1972, hý họa bút sắt và thuốc nước)

“Không ai quên được dung nhan phúc hậu của họa sĩ Tôn Đức Lượng, càng về già sự phúc hậu càng thể hiện ra qua gương mặt ông. Ông ngày càng đẹp lên. Ông là người bình dị, hiểu đời hiểu người. Ai cũng thấy ông luôn luôn mỉm cười”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhớ lại. Lớp hậu bối ở báo Tiền Phong vài năm gần đây thi thoảng vẫn được đón ông thăm tòa soạn. Nụ cười hiền, sự hóm hỉnh, ung dung của ông kéo gần khoảng cách thế hệ.

Hai cuộc kháng chiến qua đi là thời điểm miệt mài sáng tác của ông chậm lại. Ông ít sáng tác hơn, chủ yếu chỉ vẽ tranh để tham gia các triển lãm của giới nghệ thuật Việt Nam.

Tin liên quan