Ngã rẽ thú vị
Tươi lớn lên trong gia đình nghèo ở thôn 4, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Tươi có đam mê sở thích với ảo thuật từ những năm phổ thông nhưng chưa có cơ hội và điều kiện tiếp cận bộ môn này. Do có hoàn cảnh khó khăn nên Tươi cố gắng học đại học theo nguyện vọng của gia đình. Trong quá trình học, Tươi rất năng nổ, tích cực tham gia các phong trào Đoàn - Hội và các hoạt động thiện nguyện. Những năm trên giảng đường trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM), Tươi làm Phó Chủ nhiệm CLB CTXH Nhân Ái. Thời đó, CLB CTXH Nhân Ái là một trong số ít những CLB thiện nguyện của trường có quy mô lớn với đông đảo sinh viên các trường cao đẳng, đại học tại TP. HCM cùng tham gia tình nguyện. “Khi tham gia các hoạt động thiện nguyện, mình biểu diễn một vài trò ảo thuật đơn giản nhằm mang lại bất ngờ và niềm vui cho mọi người. Những tiết mục đó được mọi người khen ngợi. Rồi cứ thỉnh thoảng, mình lại tự chế tác, làm ra những đạo cụ lớn hơn và mang đi các chương trình từ thiện biểu diễn cho bà con và các em nhỏ vùng sâu, vùng xa. Cứ thế, mình theo nghề và được mời đi diễn các buổi tiệc thôi nôi, sinh nhật, đám cưới... Với mình thì nghề ảo thuật đã chọn mình”, Tươi chia sẻ lại cơ duyên đến với bộ môn ảo thuật của mình.
Lấy nghệ danh là “Hoàng Saclo”, Tươi muốn chọn cho mình phong cách hài hước vui nhộn giống như nhân vật huyền thoại “Vua hề Saclo”. Nhớ lại thời gian đầu vào nghề rất gian nan, Tươi chia sẻ, thời điểm những năm 2013 nói đến đạo cụ biểu diễn rất ít nơi bán và nếu có bán thì giá rất cao. Sinh viên đi làm thêm kiếm tiền trang trải như Tươi không đủ tiền mua những món đạo cụ biểu diễn. Tươi phải tự nghiên cứu, tìm tòi trên sách báo hoặc đĩa DVD của nước ngoài để chế tác thủ công những món đạo cụ phục vụ cho việc biểu diễn. “Hồi đó, một bộ bài chuyên diễn ảo thuật rất đắt đỏ nên mình tự mua bộ bài Việt Nam (5.000 đồng) về cắt dán, chắp vá sao cho giống quy cách, mánh khoé của bộ bài nhập ngoại và diễn. Còn nhớ, bộ vét đuôi tôm diễn thì phải đi mượn bạn diễn khác vì không có đồ mặc diễn. Mà các chương trình từ thiện thì mình đi diễn góp sức, góp công chứ đâu có lấy cátsê. Mãi sau này mới gom tiền qua chợ vải Tân Bình đi hỏi mấy bộ vét dành cho chú rể mặc trong đám cưới để mua về và tự thiết kế may vá lại cho phù hợp với những trò diễn”, Tươi nhớ lại.
Thành công là một hành trình dài
Nhờ chăm chỉ học hỏi, rèn luyện và tìm được cho mình hướng đi riêng nên nhiều năm qua “chú hề Hoàng Saclo” dần trở thành cái tên nổi bật của bộ môn ảo thuật và truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ. Nhờ lối diễn tự nhiên, gần gũi Tươi đã để lại cho khán giả, nhất là thiếu nhi ấn tượng sâu sắc bằng những tiết mục tương tác dí dỏm khó lẫn với các ảo thuật gia khác. Nhờ đó, Tươi đã được Liên minh Ảo thuật quốc tế và tạp kỹ Việt Nam tặng huy chương danh dự vì sự nghiệp ảo thuật. Liên tục các năm từ 2017 - 2019, Tươi được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. HCM tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp tích cực trong các chương trình thiện nguyện. Đặc biệt, vào năm 2016, tại quê nhà Bình Phước, anh đoạt giải Ba cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trẻ” do Trung tâm Văn hóa tỉnh (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.
Hiện nay, ngoài xây dựng hình tượng nhân vật hề biểu diễn ảo thuật hài hước, vui nhộn thì Tươi vẫn biểu diễn phong cách sang trọng trong các chương trình có quy mô lớn và cần sự chuyên nghiệp. Nhưng có một điểm riêng so với một số ảo thuật gia khác là dù mặc vét sang trọng, lịch lãm nhưng khi diễn khán giả vẫn cười với lối diễn duyên dáng và hài hước của anh. Và với Tươi, đó là phần thưởng vô giá mà nghề dành tặng cho mình.
Chia sẻ với cộng đồng
Nói về những kỷ niệm diễn ảo thuật gắn với chương trình thiện nguyện thì rất nhiều, nhưng kỷ niệm đẹp nhất với Tươi vẫn là những chuyến đi về các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh biên giới. “Người dân ở đây còn thiếu thốn lắm, quần áo không đủ để mặc chứ đừng nói gì đến đời sống tinh thần. Có những điểm đến, mình phải ngồi xe máy cày đi tận mấy chục km băng đường rừng để được mang lại chút niềm vui tiếng cười cho họ. Có lần, mình nhớ mãi là sau khi diễn xong họ vui quá nên có vài người chạy vào nhà bắt hẳn con gà sống cột chân lại mang ra tặng mình và bắt mình mang về TP. HCM, có người tặng mấy củ măng rừng, người tặng nải chuối, người tặng bó rau... Những lần đó, thấy thương lắm, cảm giác rất hạnh phúc vì họ yêu quý bằng tình cảm chân thành và mình rất trân trọng họ. Đôi khi, trong cuộc sống này chỉ cần thế thôi là đủ rồi”, Tươi bộc bạch.
Dự định gần nhất, Tươi vẫn muốn trau dồi, phát triển thêm sự nghiệp biểu diễn để tiến xa hơn và mang lại sự lan toả hơn với khán giả. Song song với việc đi diễn thì trong năm nay, Tươi cũng sẽ mở một cửa hàng kinh doanh đạo cụ ảo thuật và phụ kiện trang trí tiệc sinh nhật, cưới hỏi tại TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Và xa hơn nữa, Tươi muốn kết nối một số nghệ sĩ xiếc-ảo thuật-tấu hài làm những chương trình biểu diễn về với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu thốn về vật chất và tinh thần trên cả nước.