Lâm Thị Thu Hà (23 tuổi) là Hội trưởng Hội SVVN tại ĐH Chosun, Gwangju. Hà có khoảng thời gian du học tại Hàn Quốc 5 năm, thông qua kinh nghiệm tổ chức và tham gia nhiều sự kiện có quy mô lớn, Hà nhận thấy, ở Hàn Quốc một năm, theo từng mùa, từng thời gian mà có hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Đặc biệt, với sinh viên và du học sinh thì các lễ hội do các trường tổ chức nhằm chào đón tân sinh viên là những sự kiện lớn trong năm.
Lễ hội chào đón tân sinh viên của trường ĐH Korea (Hàn Quốc). |
Lựa chọn trang phục, vật dụng phù hợp và thực sự cần thiết
Hứa Hữu Nghi (23 tuổi, ngành Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc, trường ĐH Kyunghee - Seoul Campus) chia sẻ: “Trước khi tham gia bất kì lễ hội nào, bạn cũng nên ăn uống đầy đủ để có đủ sức tham gia. Tiếp đến là mặc trang phục phù hợp và mang giày thoải mái để có thể dễ dàng di chuyển. Mình chủ yếu lựa chọn giày thể thao, mặc quần áo đủ để giữ ấm cho bản thân vì buổi tối bên Hàn khá lạnh”.
Phạm Quang Trường Huy (22 tuổi, khoa Quản trị kinh doanh, trường ĐH Kyunghee) cho biết, người tham gia chỉ nên mang theo những vật dụng thực sự cần thiết như: CCCD, thẻ giao thông, thẻ sinh viên, thẻ ngân hàng, kẹo ngọt, khăn giấy ướt và thuốc đau đầu khi tham gia các lễ hội. Tuyệt đối tránh mang những vật cứng dễ gây thương tích cho bản thân mình và cho người khác.
Đứng gần nơi có bảo vệ và dễ dàng thoát hiểm
Theo Hứa Hữu Nghi, việc chọn lựa vị trí sẽ ưu tiên đứng gần những nơi có bảo vệ, tiếp theo là chỗ ghế ngồi và nếu không còn lựa chọn khác thì chọn đứng xa gần cửa ra vào, rồi nhìn màn hình theo dõi. Ưu tiên những vị trí mà mình có thể dễ dàng lên tiếng để nhận được sự trợ giúp và vị trí nào dễ cho mình thoát hiểm nhanh nhất. Ngoài ra, nên chủ động lưu lại số điện thoại khẩn cấp liên quan đến Ban Tổ chức sự kiện và tìm hiểu trước bản đồ, vị trí sẽ diễn ra sự kiện để bản thân không bối rối khi tìm lối thoát hiểm hay các hướng đi vào nhà vệ sinh hoặc cổng ra vào.
Đảm bảo không gian an toàn cho bản thân và không chen lấn
Cù Lê Thủy Tiên (30 tuổi, cựu sinh viên ngành Truyền thông trường ĐHQG Chungnam) hiện đang giữ vị trí nhân viên marketing tại công ty Snow corp. Thủy Tiên còn là một YouTuber nổi tiếng trong cộng đồng du học sinh Việt với kinh nghiệm 8 năm học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Tiên chia sẻ, cô từng tham gia Lễ hội pháo hoa sông Hán, là một trong những lễ hội lớn ở Seoul. Tại đây, người dân sẽ bắt đầu tụ tập từ 2h - 3h chiều đến 10h tối để xem pháo hoa dọc bờ sông Hán. Khu vực này sẽ gần như không có xe hơi lưu thông vào. Khi lễ hội kết thúc cũng là lúc đông nhất khi dòng người tập trung đổ về ga điện ngầm. Phải đi bộ và xếp hàng trong tầm 2 tiếng mới có thể lên được tàu, trong khi khoảng cách ra ga chỉ 1-2km.
Người dân xếp hàng dài để di chuyển ra về tại một ga tàu điện ngầm sau lễ hội pháo hoa sông Hán. (Ảnh: Cộng đồng du học sinh Việt tại Hàn Quốc) |
Dựa theo kinh nghiệm cá nhân, Thủy Tiên chia sẻ về cách bảo vệ bản thân trong những trường hợp này là không cố tình chen lấn mà sẽ chọn những hướng đi thoáng đãng hơn hoặc chờ dòng người đổ ra bớt rồi mới bắt đầu di chuyển chứ không di chuyển cùng một lúc ồ ạt sẽ dễ dẫn đến việc bản thân bị chèn ép.
Nguyễn Trung Kiên (22 tuổi, ngành Truyền thông Media, Hội trưởng Hội SVVN tại trường ĐH Kookmin, Seoul) cho biết, khi tham gia các sự kiện đông người, Kiên sẽ luôn giữ một khoảng cách nhất định, vừa để tiện cho việc có thể di chuyển trong quá trình tham dự, vừa không chen lấn xô đẩy, tránh làm ảnh hưởng tới người khác. Ngoài ra, từ khi học ở môi trường THPT, Kiên đã được trang bị những phương pháp có thể tránh những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra như: biết phương pháp hô hấp nhân tạo, những cách sơ cứu cơ bản... Với anh, những điều này là cần thiết và nên dành chút thời gian để có thể biết thêm kiến thức cũng như cách phòng tránh sự cố cho bản thân.
Trong trường hợp bị mắc kẹt trong đám đông đang chen chúc, xô đẩy, quan trọng nhất là phải giữ bình tĩnh và quan sát sự việc đang xảy ra. Hãy đặt hai cánh tay trước ngực, hai cùi chỏ sát vào nhau, hai bàn tay che mặt rồi đi nghiêng di chuyển theo dòng người, không đi ngược, không đi cắt ngang và tuyệt đối không ngồi xuống. Nếu lỡ bị ngã thì phải cố gắng nằm nghiêng co người lại như kiểu thai nhi, hai tay ôm đầu. Không nằm sấp hay nằm ngửa vì như thế dễ bị giẫm đạp chấn thương phổi. Bảo vệ đường thở là quan trọng nhất. Trong thảm cảnh bị xô đẩy, bị chèn ép, bị giẫm đạp thì ngạt thở là nguy cơ lớn nhất gây tử vong.
Nếu may mắn thoát khỏi đám đông chen lấn mà thấy khó thở, choáng váng thì tìm ngay nơi thoáng khí, hít vào chậm, sâu bằng mũi cho đầy lồng ngực. Sau đó chậm rãi thở ra nhẹ nhàng bằng miệng. Nới rộng cổ áo, lưng quần, cởi bỏ áo ngực (đối với nữ). Nếu đã tìm được không gian thoáng đãng, an toàn, nên ngồi bệt xuống hoặc nằm ngửa ra để giảm nhu cầu sử dụng oxy, vẫn hít thở đều, chậm rãi.