“Bí kíp” để lựa chọn gia sư
Với điều kiện tài chính không quá dư dả, việc học cùng gia sư sinh viên là một cách để tiết kiệm một khoản chi phí với nhiều bạn sinh viên. Nhiều gen Z tìm được sự hứng thú và tập trung khi học cùng với bạn “đồng niên” hơn là giáo viên.
Nguyễn Thị Uyển Nhi (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) cho biết: “Bạn bè xung quanh mình học gia sư là sinh viên rất nhiều. Mình cảm thấy đây là một cách học hiệu quả khi có người trạc tuổi thúc đẩy, dễ theo sát và biết được khả năng bạn đến đâu”.
Tìm kiếm một gia sư vừa có năng lực vừa có cách giảng dạy phù hợp với bản thân người học không phải là chuyện dễ dàng. Uyển Nhi tiết lộ: “Đầu tiên, mình cần nắm rõ lý lịch của gia sư bao gồm: Thông tin cá nhân, năng lực, học vấn và trình độ chứng chỉ người dạy đạt được. Đừng lựa chọn một “người thầy” chưa bao giờ thi chứng chỉ mà mình muốn học vì chắc chắn họ sẽ không nắm được tất cả những thông tin về kỳ thi đó. Hãy tìm đến những người đã từng “thực chiến” và nên có một buổi trao đổi chi tiết giữa đôi bên”.
Uyển Nhi đang theo học tiếng Anh một bạn gia sư sinh viên bằng tuổi. |
Theo Uyển Nhi, các bạn sinh viên cũng nên tham khảo thêm ý kiến của bạn bè và những người xung quanh trước khi đăng ký gia sư sinh viên.
Lê Thuỳ Linh (trường ĐH Kinh tế TP. HCM) "bật mí": “Mình đã bắt đầu học gia sư sinh viên từ THCS. Trước khi mình quyết định học chính thức thì mình sẽ nhờ ba mẹ nói chuyện với người gia sư đó để trao đổi một số thông tin quan trọng. Dù chỉ là gia sư dạy kèm tại nhà nhưng lúc nào mình cũng yêu cầu chuẩn bị biên bản, biên lai học phí đầy đủ để tránh trường hợp lừa đảo”.
Công việc làm thêm phù hợp
Nhiều bạn sinh viên cũng muốn trở thành một gia sư ngoại ngữ để kiếm thêm thu nhập. Nhất là các bạn theo khối ngành Ngôn ngữ hay Sư phạm. Với các bạn sinh viên chuyên ngành Ngoại ngữ, việc làm gia sư có thể giúp tăng kinh nghiệm giảng dạy, giao tiếp và trau dồi vốn ngoại ngữ của bản thân. So với các công việc ngoài giờ khác, gia sư thường có mức thu nhập ổn định và cao hơn, ít ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như khá linh hoạt về thời gian.
Lý Lệ Quân (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Hiện tại, mình đang nhận dạy tiếng Trung, ôn thi lấy chứng chỉ HSK. Mặc dù thù lao không quá nhiều nhưng đủ để mình sinh hoạt mỗi tháng. Ba mẹ mình cũng rất yên tâm về công việc gia sư hơn là những công việc khác mình từng làm trước đây”.
Lệ Quân hiện đang học ngành Ngôn ngữ Trung của trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM). |
Hiện Lệ Quân đang là gia sư tiếng Trung cho một vài bạn sinh viên. Trước khi bắt đầu khóa học, Lệ Quân luôn xác định mục đích, mục tiêu và nguyện vọng của các học viên để đưa ra lộ trình phù hợp. Ngoài ra, Lệ Quân chỉ nhận dạy kèm một vài người để có thể đảm bảo chất lượng giảng dạy cũng như dành thời gian tập trung cho việc học của bản thân.
Đã từng có kinh nghiệm làm gia sư IELTS, Trần Minh Quang (trường ĐH RMIT) chia sẻ: “Đối với mình, một khi các bạn bắt đầu công việc đi dạy, thì ngoài kiến thức, các bạn cần phải chỉn chu hơn về mặt ngoại hình và thái độ. Vì khi các bạn còn trẻ, sẽ rất khó có được sự tôn trọng từ phía học sinh, sinh viên nếu như bản thân mình không chuyên nghiệp. Về chuyên môn, hãy tham khảo, học hỏi nhiều giáo viên, gia sư khác để hoàn thiện phương pháp của mình”.
Trần Minh Quang từng đi du học, rồi quay về Việt Nam học tập. |
Cũng theo Quang các bạn gia sư sinh viên không chỉ cần chú ý về trang phục, các bạn cần phải có thái độ và tác phong lịch sự, nghiêm túc trong quá trình giảng dạy. Ngoài ra, một người gia sư cũng nên chú trọng nâng cấp kỹ năng trình bày, chuẩn bị kỹ các giáo trình, khung kế hoạch để buổi học diễn ra một cách hiệu quả.
“Trên trang cá nhân của bạn, sẽ rất tuyệt nếu bạn chăm chỉ chia sẻ những bài viết, kiến thức về ngoại ngữ. Thể hiện được sự quan tâm và đồng thời là những quan điểm, góc nhìn của bạn có thể là một điều kiện giúp học viên căn cứ vào đó để lựa chọn”, Quang chia sẻ thêm.