Học phí đại học ngành y, dược tăng cao: Làm sao thu hút người tài?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong bối cảnh đại học (ĐH) tự chủ, để theo học nhóm ngành sức khỏe, thí sinh phải đảm bảo đồng thời hai yếu tố: vừa học giỏi, gia đình có năng lực tài chính. Nếu không sớm có chính sách hỗ trợ người học, những cơ sở đào tạo Y khoa thời gian tới sẽ phải đối mặt với việc chỉ được chọn 1 trong hai điều kiện để giảng dạy.

Tuần tới, Nguyễn Kim Tuấn Dũng bước vào năm thứ tư, ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội. Em mới đi hết 1/3 con đường theo đuổi ngành Y. Mẹ mất sớm, bố là thương binh hạng nặng, năm 2021, khi lựa chọn học Y khoa, Dũng đã biết trước hành trình sẽ nhiều khó khăn vất vả. Năm đó, Dũng là một trong 10 sinh viên được nhận học bổng của Quỹ Tài năng trẻ Việt Nam. Để có thể theo học, Dũng thuê trọ cùng 2 người bạn cách xa trung tâm Hà Nội. Tiền thuê nhà, điện, nước, mỗi tháng khoảng 1,5 - 1,8 triệu đồng, ăn và đi lại khoảng 2 triệu đồng. Tổng sinh hoạt phí của Dũng khoảng 4 triệu đồng/tháng. Không phải đóng học phí vì thuộc đối tượng được miễn, mỗi tháng bố gửi cho Dũng 1,5 triệu đồng. Số tiền còn lại, Dũng tranh thủ thời gian rảnh làm gia sư. “Năm học này, thời gian học ở viện và trên lớp sẽ kín tuần, em sẽ giảm số buổi làm gia sư. Như thế, sinh hoạt phí sẽ eo hẹp hơn”, Dũng chia sẻ.

Còn Nguyễn Thị Hậu, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Y dược Thái Bình có hoàn cảnh khá đặc biệt. Mẹ bị tâm thần, không có bố, từ nhỏ Hậu sống nhờ tình thương của bà ngoại. Nhưng bà ngoại Hậu hiện đã trên 80 tuổi, cộng thêm một người cậu cũng bị tâm thần nên mọi chi phí cho việc rời quê từ Thanh Hóa ra Thái Bình học tập, Hậu phải tự lo. Em tính toán mỗi tháng chỉ chi tiêu vỏn vẹn 2 triệu đồng gồm 1 triệu đồng học phí, 700- 800 nghìn đồng tiền ăn, 150 - 190 nghìn đồng ở kí túc xá và điện nước. Tính đi tính lại thì cũng có tháng thiếu trước hụt sau. Số tiền này Hậu chia ra từ học bổng, tiền hỗ trợ của các nhà hảo tâm dành cho em. Lịch học kín tuần nên Hậu không có thời gian đi làm thêm, cũng chính vậy nên mẹ và bà ngoại ở quê cũng chỉ biết sống bằng tiền trợ cấp xã hội. Cả gia đình em chắt chiu qua ngày.

Từ năm học 2023 - 2024, các trường ĐH thực hiện thu học phí theo Nghị định 81 và Nghị định 97 của chính phủ nên học phí cao hơn so với thời điểm trước. Trong đó, nhóm ngành Sức khỏe có mức học phí cao nhất, cùng với việc các trường ĐH được tự chủ, ở các trường công lập, sinh viên học Y khoa có khi phải nộp học phí đến gần 10 triệu đồng/tháng.

Học phí Trường ĐH Y Hà Nội năm học 2024 - 2025 ngành Y học Cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Y khoa học phí cao nhất 55,2 triệu đồng/năm học/sinh viên; một số ngành khác có học phí là 41,8 triệu đồng/năm học/sinh viên. Thấp hơn là ngành Y học dự phòng 27,6 triệu đồng/năm học/sinh viên, ngành Y tế Công cộng, Dinh dưỡng có học phí là 20,9 triệu đồng/năm học/sinh viên. Ngành Tâm lí học thu học phí thấp nhất, 15 triệu đồng/năm học/sinh viên.

Năm học tới, ngành Răng - Hàm - Mặt Trường ĐH Y Dược TPHCM có mức thu cao nhất lên đến 84,7 triệu đồng/năm học/sinh viên; ngành Y khoa là 82,2 triệu đồng/năm học/sinh viên.

Học phí đại học ngành y, dược tăng cao: Làm sao thu hút người tài? ảnh 1
Tiết học trong phòng thí nghiệm của sinh viên ngành Y. Ảnh: Diệp An

Đối với các trường ngoài công lập, học phí các ngành sức khỏe cũng ở mức cao nhất.

Ngành Răng - Hàm - Mặt Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thu học phí cao nhất 183 triệu đồng/năm học/sinh viên. Tại Trường đại học Văn Lang, học phí ngành Y khoa học phí dự kiến 169,6 triệu đồng/năm học/sinh viên và ngành Răng - Hàm - Mặt học phí dự kiến 211,6 triệu đồng/năm học/sinh viên. Ngành Răng - Hàm - Mặt; Y Khoa của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm 2024 là 180 triệu đồng/năm học/sinh viên đối với chương trình cử nhân và 220 triệu đồng/năm học/sinh viên đối với chương trình tiếng Anh.

Mức học phí được các trường thông báo sẽ điều chỉnh tăng hằng năm từ 8% - 10% theo quy định.

Hỗ trợ sinh viên ngành Y, Dược

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhìn nhận y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Đối với y tế, Việt Nam mới chỉ nói đến vấn đề về quá tải các bệnh viện hay là tình trạng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xuống cấp. Thỉnh thoảng có đề cập đến vấn đề tình trạng thiếu bác sĩ cục bộ ở 1 số địa phương hay là 1 số các cơ sở y tế công lập.

Theo các quy định hiện nay, sinh viên các chuyên ngành: lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước được miễn học phí 100%. Ngoài ra, 2 ngành được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học là Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu.

Theo bà Thu, để có 1 bác sĩ đa khoa, mất 6 năm đào tạo tại trường ĐH sau đó là thêm 18 tháng thực hành tại bệnh viện. Trong khi đó hiện nay, trường ĐH nói chung, các trường ĐH Y Dược nói riêng hầu hết là các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo quy chế tự chủ, học phí cao cộng thêm với thời gian đào tạo dài nhất nên đây là gánh nặng và cũng là nỗi lo đối với những học sinh học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn có mong muốn được trở thành bác sĩ.

“Tôi đề nghị Chính phủ xem xét việc hỗ trợ học phí cho sinh viên Y khoa, tất nhiên sẽ cần phải có những cơ chế cam kết nhận nhiệm vụ ở các cơ sở y tế theo sự phân công của nhà nước. Như vậy, Nhà nước có nguồn nhân lực chủ động cho việc giải quyết nhân lực y tế ở những vùng khó khăn”, bà Thu nói. Đồng thời cho biết trước đây, có hỗ trợ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước được thể hiện qua việc cấp kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục ĐH. Hiện nay, trước xu thế tự chủ, các trường được xây dựng quy định về mức thu học phí, điều đó đã vô hình chuyển việc hỗ trợ học phí cho người học từ nhà nước sang người dân có con em theo học. Có thể nói, việc này đã đặt lên vai người dân trách nhiệm lớn trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước. Do vậy nếu được Nhà nước hỗ trợ với các cam kết sẽ giúp nhiều người dân yên tâm cho con em đi học nhóm ngành Y, Dược.

Ngày 25/7, Bộ Y tế ban hành kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2025. Theo đó, kế hoạch có nội dung đề xuất Chính phủ quan tâm chỉ đạo, ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành Y tế; chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, phê duyệt một số chính sách đãi ngộ, thu hút tương đương với ngành Sư phạm. Sinh viên Y, Dược được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học của cơ sở đào tạo nơi theo học; hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Em gái nghệ sĩ Vũ Linh kháng cáo

Em gái nghệ sĩ Vũ Linh kháng cáo

TPO - Tiếp sau bà Võ Thị Hồng Loan (con gái nuôi cố nghệ sĩ Vũ Linh), đến lượt bà Võ Thị Hồng Nhung (em gái ruột cố nghệ sĩ Vũ Linh) kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TPHCM.
Ảm đạm trước Tết

Ảm đạm trước Tết

TPO - Doanh thu phòng vé tuần qua sụt giảm do thiếu vắng dự án nổi bật, trong khi các phim cũ đã mất dần sức hút. Nhiều phim nước ngoài từng gây sốt tại quê nhà lại thất bại khi ra mắt ở Việt Nam, tạo nên bức tranh phòng vé ảm đạm trước Tết Nguyên đán.
Không cứu nổi Lee Min Ho

Không cứu nổi Lee Min Ho

TPO - Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn với ê-kíp "When the Stars Gossip" của đài tvN - có sự tham gia của hai diễn viên hàng đầu Lee Min Ho và Gong Hyo Jin - giảm rating xuống mức 1%, thấp kỷ lục trong sự nghiệp của hai ngôi sao này.
Mối tình đồng tính kỳ lạ

Mối tình đồng tính kỳ lạ

TPO - Daniel Craig để lại ấn tượng mạnh với vai diễn đồng tính trong phim "Queer" của đạo diễn Luca Guadagnino. Với diễn xuất tinh tế, anh thuyết phục giới phê bình khi hóa thân một người đàn ông phức tạp, phải vật lộn với khát vọng tình yêu và nỗi cô đơn.
Dàn sao không cứu được phim

Dàn sao không cứu được phim

TPO - Cameron Diaz trở lại màn ảnh rộng sau 11 năm vắng bóng với phim hài - hành động “Tình báo tái xuất”, đóng cặp Jamie Foxx. Tuy nhiên, minh tinh hoàn toàn bị lu mờ trong một câu chuyện được xây dựng hời hợt, kịch bản thiếu sáng tạo.
Minh Tuyết chơi chiêu

Minh Tuyết chơi chiêu

TPO - Từ đội trắng tay, Minh Tuyết cứu nguy và mang về hai vị trí ra mắt cho đội. Đội Tóc Tiên tiếp tục thắng thế ở đêm chung kết, trong khi Kiều Anh đuối sức ở đêm thi quyết định.