Từ những năm THCS, Hoàng Vương đã giành được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi nghiên cứu khoa học và luôn ước mơ được học tập tại trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM), một trong những trường đại học hàng đầu về Kỹ thuật – Công nghệ. Sự đam mê đã thôi thúc Vương nộp hồ sơ xét tuyển vào trường, mặc dù: “Ba mẹ mình làm ngành y nên từ nhỏ, mình đã được ba mẹ định hướng theo học ngành Y hoặc Sư phạm”. Lẳng lặng đăng ký tuyển thẳng vào ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, chương trình tiếng Việt đại trà của trường ĐH Bách khoa, khi biết trường có chương trình tiên tiến giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, Vương cũng chủ động chuyển qua rồi mới báo gia đình, khiến cả nhà ai cũng ngỡ ngàng.
Dù đã sẵn sàng tâm lý nhưng Hoàng Vương cũng gặp không ít khó khăn vì bất lợi về thể lực trong ngành học có những điều kiện đặc thù, phù hợp hơn với các bạn nam. Mặc dù vậy, Vương vẫn duy trì GPA ≥ 7,0. Đến năm học thứ hai, Vương bắt đầu tham gia một số cuộc thi cấp khoa, cấp trường, như: “Trứng chọi đất”, “Bachkhoa Innovation”… Vương đã hoàn thành chương trình trao đổi sinh viên “Temasek Foundation Specialists Community Actions and Leadership Exchange (TFSCALE) 2018”, dành cho sinh viên các nước ASEAN để tìm hiểu văn hóa, kinh tế, giáo dục các nước, cũng như xây dựng kỹ năng lãnh đạo cho sinh viên.
Khác với hai học bổng đã từng tham gia là “CommTECH 2018”, tại ITS, Indonesia và “ENTECH 2018”, tại ĐH Thammasat, Thái Lan, lần này, Vương và các bạn được tài trợ học bổng toàn phần: Bảo hiểm, vé máy bay, học phí và ăn ở. Cũng nhờ chuyến đi, Vương đã học thêm được các kỹ năng mềm và kỹ năng lãnh đạo: “Chuyến đi tiếp thêm cho mình và các bạn sinh viên trong đoàn động lực hoàn thành việc học, học trong tâm thế một công dân toàn cầu, sẵn sàng kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ để hợp tác với đồng nghiệp cùng ngành nghề trên toàn thế giới. Tụi mình có định hướng chuyên môn rõ hơn, được tiếp cận, tham gia mạng lưới Alumni của chương trình để định hướng cho các bạn thế hệ tiếp theo của TFSCALE”.
Hoàng Vương luôn tự nhủ phải cố gắng từng ngày. Do đặc thù ngành khoa học - công nghệ sẽ thay đổi không ngừng, Vương vừa học, vừa định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Cô tìm đến những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Điện - Điện tử để kiến tập hoặc làm “part-time”. Đây là cách Vương ứng dụng kiến thức giảng đường vào các dự án thực tế, tập sử dụng công cụ, máy móc và làm quen với cách vận hành của các “startup” trong lĩnh vực công nghệ.
“Kiến thức ngành được cho là khô khan sẽ rất khô khan, nếu bạn cứ đâm đầu vào học. Mình thường “tưới nước” cho việc học bằng những buổi nói chuyện, chia sẻ với thầy cô, anh chị đi trước. Ngoài ra, mình còn chia thời gian hợp lý, tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kỹ năng lãnh đạo và hội nhập qua các chuyến đi trao đổi ngắn hạn và các câu lạc bộ sinh viên”, Vương tâm sự.