Hồi âm tuyến bài 'Lộn xộn xe khách trá hình': Quy định chặt, sao vẫn lộn xộn?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Liên quan loạt bài “Lộn xộn xe khách trá hình” (đăng tải trên Tiền Phong từ ngày 9-11/11), Cục Đường bộ Việt Nam xác nhận, tình trạng xe dù, bến cóc xảy ra phức tạp. Tuy nhiên, đại diện cơ quan này cũng cho rằng loại hình này có nhiều thuận lợi cho khách hơn là xe chạy tuyến cố định…

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng vận tải hành khách tuyến cố định tại nhiều địa phương đang bị cạnh tranh khốc liệt với các phương tiện vận chuyển hợp đồng hoạt động trá hình, đặc biệt là các tuyến có cự ly dưới 300 km. Số lượng hành khách đi xe tuyến cố định giảm, do để đến được bến xe, hành khách phải đi xe buýt hoặc đi taxi khá tốn kém và bất tiện.

Hiện nay, mật độ bến xe khách tại các địa phương thấp, nhiều nơi có xu hướng di chuyển bến xe khách ra xa khu vực trung tâm.

“Điều này dẫn đến tình trạng xe khách hoạt động tuyến cố định trên cả nước, đặc biệt là TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh thành phố lớn khác bỏ bến xe ra ngoài chạy vòng vo tìm khách, gom khách đang có dấu hiệu gia tăng, có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định tìm cách xin giảm tần suất hoạt động từ 20 - 40% lưu lượng/tháng làm cho bến xe giảm đáng kể số lượng xe vào bến đón khách.

Lượng khách đến bến chỉ còn 20 - 50% so với trước, nhiều bến xe rơi vào tình trạng khó khăn, nguy cơ phá sản. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định có xu hướng bỏ bến xe ra thành lập văn phòng đại diện hoạt động với mục đích thuận lợi cho công tác vận chuyển hành khách”, vị này đại diện nói.

Quy định đã chặt nhưng vẫn cần phải sửa

Hồi âm tuyến bài 'Lộn xộn xe khách trá hình': Quy định chặt, sao vẫn lộn xộn? ảnh 1

Sử dụng xe trá hình chở khách đang diễn ra phức tạp tại Hà Nội

Theo đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, việc theo dõi hoạt động của phương tiện, xử phạt xe vi phạm đã được phân cấp triệt để cho các Sở GTVT địa phương. Sở là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn.

Cục đã có nhiều văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, yêu cầu rà soát, kiểm tra và xử lý các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách thông qua Hệ thống thiết bị giám sát hành trình vào các ngày 18/1, ngày 18/8…

Cùng với đó, Cục chỉ đạo Thanh tra Sở tiếp tục phối hợp lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý phương tiện kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng vi phạm về hành trình, lịch trình chạy xe, thời gian bắt đầu thực hiện và kết thúc hợp đồng (ngày, giờ), địa chỉ điểm đầu, địa chỉ điểm cuối và các điểm đón, trả khách trên hành trình vận chuyển, cự ly hành trình vận chuyển, số lượng khách…

Tuy nhiên, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (về kinh doanh vận tải bằng ô tô) cần sửa đổi, bổ sung theo hướng sửa đổi quy định để theo dõi, giám sát, và xử lý vi phạm xe hợp đồng thông qua thiết bị giám sát hành trình, tăng nặng hình thức xử lý đối với phương tiện vi phạm từ lần thứ hai trở lên. Trong đó, cần tăng cường các biện pháp thu hồi phù hiệu và đảm bảo thực thi.

“Cần bổ sung quy định về thời gian thu hồi được tính kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu, biển hiệu đến Sở GTVT nơi ban hành quyết định thu hồi. Tiếp đó, bổ sung quy định chưa giải quyết cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu đối với đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm quy định bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu mà không chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu”, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG