Những người bạn cùng tâm huyết
Nhóm bạn trẻ đã thực hiện dự án của mình dưới tên gọi Ede Yarns. Nhóm có một địa điểm cố định ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk được sử dụng cho việc thử nghiệm phương pháp xử lý sợi nhuộm từ thiên nhiên để làm ra tấm vải thổ cẩm thủ công chất lượng nhất. Ra đời vào năm 2020, Ede Yarns được dẫn dắt bởi người sáng lập là anh Lưu Ngọc Vũ (sinh năm 1991) hiện đang sinh sống tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk cùng với 9 thành viên là những bạn trẻ thuộc thế hệ 9X cùng chung khát khao mang nghề dệt thổ cẩm truyền thống quay trở lại xã hội.
Chia sẻ về việc thành lập Ede Yarns, anh Vũ kể, anh vốn là một người kinh doanh về vải vóc nên thường xuyên đi nhiều nơi để tìm nguồn hàng vừa bền đẹp, vừa an toàn cho người sử dụng. Với việc đi nhiều, anh biết được rất nhiều cửa hàng ở địa phương đã nhập vải từ Trung Quốc về và tạo nên những sản phẩm lấy chất liệu từ sợi nhuộm nhân tạo. Chính điều này đã khiến anh phải suy nghĩ đến một loại vải nguyên bản mang màu sắc văn hóa dân tộc và đây cũng là “chất keo” kết nối anh với địa phương để sáng lập nên dự án đầy tâm huyết. “Những người bạn của mình đều là dân tộc Ê Đê, nên mình muốn xuất phát từ nơi mình đang sinh sống để thực hiện bước đi nền tảng và để sau này có thể áp dụng những phương pháp mình đã nghiên cứu cho các tộc người khác”, anh Vũ tâm sự.
Các bạn trẻ nhóm dự án Ede Yarns trong một lần đi khảo sát chụp ảnh cùng ba con Ê Đê. |
Trước khi Ede Yarns được thành hình, anh Vũ đã tự mình đi khắp nơi để nghiên cứu cũng như học hỏi kỹ năng nhuộm sợi tự nhiên từ những cộng đồng khác. Trong một vài lần tham gia những buổi workshop trải nghiệm nghề nhuộm vải chàm, anh đã gặp gỡ được nhóm bạn trẻ cùng chung chí hướng và tất cả đã bắt tay thực hiện dự án. Những bạn trẻ đa phần đến từ Hà Nội và Sài Gòn với những công việc khác nhau như: nhà thiết kế, người sáng tạo nội dung, giáo viên,… Anh Vũ cho biết: “Ban đầu mình gặp một chút khó khăn về cách điều hành, nhưng nhờ có sự nhiệt huyết và tận tâm của các bạn trẻ mà sau này mình đã vận hành Ede Yarns một cách trơn tru hơn”.
Ba năm cho một dự án
Ede Yarns đặt ra cho mình mục tiêu dài hạn trải dài trong suốt ba năm. Năm thứ nhất là giai đoạn khởi tạo dự án, năm thứ hai là giai đoạn nghiên cứu chuyên sâu để củng cố dự án và năm thứ ba là lan tỏa những gì mình đã nghiên cứu được, cụ thể là những đặc trưng văn hóa độc đáo của người Ê Đê. Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện, anh Vũ cho rằng: “Trở ngại lớn nhất vẫn là nằm ở bản thân mỗi người vì ai cũng đều có công việc riêng cả. Đặc biệt năm mình bắt đầu dự án cũng là lúc đại dịch COVID-19 đang diễn ra nên việc tập hợp được một nhóm người cho một chuyến công tác dài ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, nhưng một khi đã ổn thỏa, mọi người đều phối hợp với nhau khá ăn ý và thoải mái khiến mình tin chắc Ede Yarns sẽ đi xa hơn nữa”.
Phương thức sản xuất thổ cẩm xưa của bà con Ê Đê được nhóm bạn trẻ khôi phục lại. |
Để hiện thực hóa mục tiêu, Ede Yarns đã đặt chân đến những vùng có dân tộc Ê Đê sinh sống để tìm kiếm những nghệ nhân lành nghề còn sót lại. Tuy vậy, không phải ai trong số đó cũng còn duy trì việc chế tác thổ cẩm như xưa mà đã chuyển sang làm nông và chỉ có số ít người còn nhớ công thức chế tác. Nhờ có những nghệ nhân, nhóm bạn trẻ mới biết được để có một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh cần phải trải qua nhiều công đoạn như phơi bông, tách hạt, kéo sợi, chiết xuất màu tự nhiên… Trong suốt một năm hoạt động, nhóm bạn trẻ đã lên những vùng rừng núi để tìm nguyên liệu từ thiên nhiên, đi tìm địa điểm thích hợp để gieo trồng những hạt bông cổ, thậm chí là khôi phục được cả công cụ tách hạt. Nói về trải nghiệm một năm, Ede Yarns ví von mình là những người trẻ đã “mang câu chuyện từ quá khứ trở lại” và cho biết: “Vải thủ công thực sự có giá trị rất lớn so với vải công nghiệp. Bởi lẽ, vải thủ công cần có sự cầu kỳ trong việc chọn màu dùng từ thực vật gì, thực vật đòi hỏi phải phát triển tốt trên thổ nhưỡng địa phương, khoáng vật địa phương và quan trọng mang cả tinh thần của con người. Nói vải thủ công có sự độc bản là vì thế”.
Các bạn trẻ trong nhóm cùng trải nghiệm phương pháp sản xuất thổ cẩm truyền thống do các nghệ nhân người Ê Đê chỉ dẫn. |
Bên cạnh những thuận lợi, nhóm bạn trẻ của Ede Yarns đã gặp không ít những khó khăn mà trong số đó, lớn nhất chính là rào cản về ngôn ngữ. Những nghệ nhân không phải là người dân tộc Kinh nên việc chắp nối những câu chuyện họ kể lại với nhau không dễ dàng, hơn nữa một số nghệ nhân tuổi đã cao nên việc khôi phục vị trí ban đầu của họ là một điều bất thành.
Thành quả bước đầu
Chính vì vậy, sau một năm hoạt động và bốn chuyến công tác, thành quả mà Ede Yarns đạt được chính là chế tác được hai tấm vải thổ cẩm nguyên bản đầu tiên bị thất truyền sau gần 40 năm. Nhóm bạn trẻ chia sẻ, đây chỉ mới là thành tựu bước đầu vì để có thể mang những sản phẩm thổ cẩm truyền thống quay về với cộng đồng còn cần đến những bước đi xa hơn nữa.
Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ê Đê được làm theo phương thức truyền thống. |
Không có quá nhiều nội lực và chi phí để quảng bá dự án của mình, những gì mà tất cả thành viên có thể làm được đều gói gọn trong hai từ khóa “đi tìm” và “làm ra” với mục đích có thể khơi dậy tối đa tiềm năng của thiên nhiên và dệt nên câu chuyện về thổ cẩm. Trần Phan Đinh Lăng (thành viên của Ede Yarns) bộc bạch: “Đi với Ede Yarns, mình học được cách quan sát, nhìn thấy sự bế tắc và quẩn quanh của những người trung niên Ê Đê với cuộc sống cơ cực. Mình được nghe thật nhiều câu chuyện về văn hóa, về nghề dệt thổ cẩm và được làm việc với nhiều bạn trẻ mang trong mình sự nhiệt huyết, tài giỏi sẵn có. Cũng từ đó, mình nhận ra bản thân càng phải có trách nhiệm trong việc tiếp nối và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc”.
Nhóm bạn trẻ dự định năm nay sẽ tiến hành khôi phục trang phục thổ cẩm truyền thống của người dân tộc Ê Đê qua việc thực hiện một bộ phim tài liệu tái hiện lịch sử may mặc của người Ê Đê trước và trong thời Pháp thuộc. Để làm được điều đó, nhóm bạn trẻ cần tìm những nguồn tài liệu tiếng Pháp về văn hóa Ê Đê và cần thời gian kiểm chứng thông tin cũng như phiên dịch một cách chính xác nhất. “Tuy là cả một hành trình dài nhưng bọn mình vẫn tin, chỉ cần có sự kiên nhẫn và nhiệt huyết thì việc gì cũng có thể”, anh Lưu Ngọc Vũ, sáng lập dự án Ede Yarns chia sẻ.
Qua dự án, nhóm bạn trẻ còn mong muốn địa phương sẽ để tâm đến sự minh bạch trong sản xuất, tránh để người tiêu dùng hiểu nhầm rằng sản phẩm bán thủ công là sản phẩm thủ công. Đồng thời, sau một thời gian khảo sát, Ede Yarns nhận ra địa phương gần như không ai có kiến thức về kỹ năng nhuộm sợi tự nhiên nên việc kết nối người dân với văn hóa truyền thống càng cấp thiết hơn nữa.