Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên'

TPO - Sáng 24/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định (số 1 Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn), Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Hội thảo chuyển đổi số 24.04.2024

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

24/04/2024 08:39

Kinh tế số giúp mở ra không gian phát triển mới, giá trị mới

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang chia sẻ, Hội thảo “Thúc đẩy kinh tế số khu vực Tây Nguyên - Nam Trung Bộ” là một hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa giúp các tỉnh trong khu vực có thêm ý kiến tham vấn từ các chuyên gia và nhà khoa học trong quá trình phát triển kinh tế số.

Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các tỉnh, địa phương gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi những mô hình đã triển khai thành công, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế số phát triển với điểm đột phá là đẩy nhanh, đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong các doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu chào mừng Hội thảo

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho rằng, CĐS là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các nước, các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thực tế cho thấy, CĐS là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

“Chính phủ số giúp chính quyền hoạt động công khai, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả hơn, hạn chế tham nhũng và kiến tạo sự phát triển cho xã hội. Kinh tế số không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất, giảm chi phí, mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng, mang lại những tiến bộ về chất lượng cuộc sống”, ông Giang nhấn mạnh.

Theo ông Giang, Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025 “Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP”, đến năm 2030 “Kinh tế số chiếm trên 30% GDP”. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra mục tiêu đến 2025 “Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%”. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.

Trên cơ sở các chủ trương của Trung ương, tỉnh Bình Định đã tích cực triển khai thực hiện công tác CĐS. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 về CĐS, xác định CĐS là cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu đến 2025 “Phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP”, “Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 2

Hiện nay, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của các ngành, đơn vị trong tỉnh, công tác CĐS của Bình Định đã có chuyển biến tích cực tạo nền tảng cho sự phát triển trong thời gian tới.

Trong đó, công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam. Năm 2023, tỉnh Bình Định được Bộ TT&TT, Hội Tin học Việt Nam chọn đăng cai tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam lần thứ 24”.

Ông Giang thông tin, hiện nay số lượng doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh hiện có 186 doanh nghiệp. Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung theo Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 18/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 2 Tập đoàn lớn về CNTT đang hoạt động là TMA và FPT với trên 1.000 nhân sự. Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 1.363 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 57 tỷ đồng.

“Các con số nói trên tuy còn rất khiêm tốn nhưng đó là sự nỗ lực, quyết tâm chung của các cấp, các ngành tỉnh trong điều kiện xuất phát điểm của địa phương thấp, doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, năng lực quản trị và nguồn vốn cho chuyển đổi số còn hạn chế”, ông Giang nói đồng thời mong muốn thông qua hội thảo cũng có thêm nhiều nhà đầu tư về với Bình Định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang nói thêm, theo đánh giá của Bộ TT&TT, trong những năm qua, kinh tế số của nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình tăng năng suất, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, để thực hiện đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số nêu trên, cần có thêm các giải pháp mang tính đột phá mới trên cơ sở nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của chuyển đổi số trong phát triển địa phương, doanh nghiệp.

24/04/2024 08:46

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của các lĩnh vực

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết: Thay mặt cho Ban tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”, tôi xin gửi lời chào mừng nồng nhiệt, lời cảm ơn trân trọng đến toàn thể các đồng chí đại biểu, các vị khách quý, đại diện các cơ quan chuyên môn, các đơn vị doanh nghiệp, các cơ quan báo đài đã đến dự Hội thảo hôm nay.

Kính thưa quý vị, các đồng chí và các bạn

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo (VR) mang lại hy vọng về một sự phát triển đột phá trên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 3

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định: “thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số…”

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định 3 trụ cột của chuyển đổi số gồm Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, trong đó nhấn mạnh sự phát triển của Kinh tế số sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Số liệu thống kê năm 2023 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số cho thấy, đánh giá quốc tế về chuyển đổi số của Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực như Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với năm 2021, đứng thứ 38. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023. Thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

Nhận thức sâu sắc vai trò của phát triển kinh tế số, với mục tiêu tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã lựa chọn chủ đề năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 4

Hội thảo “Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, doanh nghiệp

Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có địa bàn rộng lớn, đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đã quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Kinh tế số đã đạt được nhiều bước phát triển.

Nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đã đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh DTI năm 2022 như Đà Nẵng , Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, chuyển đổi số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa đồng đều, còn khoảng cách xa giữa Đà Nẵng và các địa phương khác trong vùng.

Với mong muốn lan tỏa, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế số ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức Hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên ngày hôm nay.

Đây là lần thứ 3, Báo Tiền Phong tổ chức các Hội thảo về chuyển đổi số cấp vùng. Trước đó, năm 2022, chúng tôi đã tổ chức Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số khu vực ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ. Năm 2023, chúng tôi tổ chức Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số khu vực trung du, miền núi phía Bắc tại tỉnh Yên Bái. Cả hai hội thảo đều quy tụ được đại diện các bộ ngành, chuyên gia, đông đảo cơ quan quản lý và doanh nghiệp ở các địa phương, đạt được sự lan toả mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Năm nay, chúng tôi kỳ vọng, Hội thảo sẽ diễn đàn để cùng nâng cao nhận thức, trao đổi, chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế số của khu vực, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ giải pháp chuyển đổi số với chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương, từ đó thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế số trong khu vực.

Với tất cả các quý vị đại biểu ngồi đây, chúng tôi hy vọng sẽ có những trao đổi cởi mở, thẳng thắn để Hội thảo đạt được thành công và hiệu quả.

Một lần nữa xin cảm ơn tất cả các quý vị đại biểu, chúc cho Hội thảo của chúng ta thành công rực rỡ.

24/04/2024 09:30

Lời giải cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' là cơ hội tốt để cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp, mô hình để đưa kinh tế số trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của địa phương, của vùng; cùng nhau hợp tác để tạo nên những thay đổi mang tính tích cực, thiết thực và bền vững.

Mỗi Vùng hình thành một trung tâm chuyển đổi số

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Nghị quyết 23 và 26 của Bộ Chính trị đã chỉ ra Vùng Duyên Hải Trung Bộ có lợi thế phát triển các ngành kinh tế biển, du lịch. Vùng Tây Nguyên có lợi thế trong sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả và du lịch sinh thái – văn hoá.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 5

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm

Bên cạnh không nhiều lợi thế, 2 Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng chỉ ra thực tế Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn. Liên kết phát triển Vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động. Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược trong đó có hạ tầng số nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Theo ông Tâm, KTS mang đến lời giải mới cho Vùng duyên hải miền Trung và Vùng Tây nguyên cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Tại hội thảo Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng đưa ra một số giải pháp, gợi ý về cách tiếp cận để các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quan tâm nghiên cứu, triển khai góp phần thúc đẩy phát triển KTS.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 6

Hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số

Để phát triển KTS, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông. Hạ tầng thông tin và truyền thông là hạ tầng cho KTS, thúc đẩy hạ tầng TT&TT chính là mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian số với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Video Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chia sẻ tại Hội thảo

Do đặc điểm chung của Vùng là còn nhiều khu vực khó khăn, Bộ TT&TT đề xuất các địa phương tăng cường sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích và các chương trình mục tiêu quốc gia... để hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh, phổ cập hạ tầng băng rộng đến 100% người dân. Đối với các hạ tầng phát triển mới thì đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 7

Ông Tâm cũng cho rằng các địa phương cần mạnh dạn thay đổi thể chế số thông qua đề xuất với các cấp có thẩm quyền để áp dụng cơ chế đặc thù tại các địa phương, cho phép cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox); hình thành khu thương mại tự do (free trade zone); ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt làm việc tại khu công nghiệp, trung tâm chuyển đổi số của vùng. Hình thành mỗi Vùng một trung tâm chuyển đổi số, thí điểm triển khai các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ mới.

“Cầu nối số” tới các vùng kinh tế

Đặc biệt, theo ông Tâm Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là Vùng có nhiều lợi thế về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, một số tỉnh ở khu vực Tây nguyên (như Đà Lạt, Lâm Đồng) có lợi thế về khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình quanh năm thấp, đây là cơ hội để phát triển hạ tầng Trung tâm dữ liệu xanh, là hạ tầng để thúc đẩy công nghiệp dữ liệu, ngành công nghiệp rất có tiềm năng trong tương lai.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 8

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, mỗi vùng cần hình thành một trung tâm chuyển đổi số

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, bên cạnh những giải pháp thúc đẩy kinh tế số nói chung, các Vùng cũng nên nghiên cứu, xem xét áp dụng các giải pháp để thúc đẩy liên kết Vùng và qua đó thúc đẩy kinh tế số của cả Vùng.

Thứ nhất, các địa phương cần phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ để phát triển, sử dụng các Nền tảng số quốc gia về nông nghiệp, du lịch... “Chúng sẽ đóng vai trò là “cầu nối số” tới các vùng kinh tế - xã hội khác trong cả nước, trao đổi xuyên không gian các dịch vụ số và thông tin, dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số, giữ chân người dân tại địa phương, tạo động lực mới cho phát triển”, ông Tâm nói.

Giải pháp thứ hai được ông Tâm nêu ra là, thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng thông qua các trung tâm logistics, cảng biển thông minh, hỗ trợ thương mại điện tử nông sản trong từng Vùng và liên Vùng, giảm chi phí logistics để khai thác lợi thế và hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển.

24/04/2024 09:33

Phát triển kinh tế số - Động lực phát triển mới khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên

24/04/2024 09:48

Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng

Trình bày tham luận về việc đưa kinh tế số trở thành động lực phát triển của nền kinh tế, bà Mai Thị Thanh Bình, đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) cho hay, năm 2023 Bộ TT&TT được Chính phủ giao xây dựng đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 9

Bà Mai Thị Thanh Bình, đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT)

Qua quá trình nghiên cứu và phân tích số liệu thì thấy rằng điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế của vùng Tây Nguyên là việc bị giới hạn về không gian địa lý, là vùng không có kinh tế biển, hệ tầng giao thông khó tiếp cận và một số điểm đã xuống cấp…. Điều này, dẫn đến kinh tế vùng phải dựa vào nhiều yếu tố mang tính địa phương.

Hiện trạng là như vậy, nhưng theo bà Bình Tây Nguyên cũng nhiều tiềm năng để phát triển. Trong đó, sản xuất và xuất khẩu (XK) cà phê cao nhất cả nước (giá trị XK đạt 95% cả nước), hồ tiêu (giá trị XK đạt 50% cả nước); cao su (giá trị XK đạt 20% cả nước). Lâm Đồng: XK rau, củ, quả; hoa tươi đến 50 quốc gia/ vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, cũng có một số lợi thế về hệ sinh thái rừng đa dạng, nhiều dân tộc sinh sống, đa dạng bản sắc văn hóa…

Bà Bình cũng nêu ra một số hướng tiếp cận để kinh tế số trở thành động lực phát của Tây Nguyên - đó là đảm bảo khả năng tiếp cận đơn giản, thuận tiện và minh bạch hóa các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo. Đặc biệt là thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng.

24/04/2024 10:15

Mời chuyên gia, lao động chất lượng cao đến làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung – Bình Định

Là một địa phương rất chú trọng phát triển kinh tế số, tại hội thảo, ông Trần Kim Kha- Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định chia sẻ mục tiêu phát triển kinh tế số của địa phương.

Theo ông Kha, kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 10

Ông Trần Kim Kha- Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định

Phân tích, ông Kha cho rằng, kinh tế số bao gồm hai thành phần là công nghiệp ICT (công nghiệp công nghệ số) và kinh tế số ngành, lĩnh vực. Trong hai thành tố của kinh tế số, công nghiệp ICT bao gồm viễn thông, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, phần cứng, Internet (nội dung số, nền tảng số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây) chính là nền móng, nền tảng, đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số.

Theo Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định, nhắc đến chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế hay kinh tế số không thể không nhắc đến một khái niệm tương đối mới đó là kinh tế chia sẻ/kinh tế nền tảng - đây là 1 phần trong công nghiệp ICT.

Ông Kha cũng cho rằng, nền kinh tế chia sẻ là một thuật ngữ đề cập đến mô hình kinh doanh khai thác tài nguyên sẵn có của người dùng cuối và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành một mô hình kinh doanh. Từ đây, ông Kha nêu một số ví dụ về nền kinh tế chia sẻ, như: Grab, facebook, Alibaba, Airbnb…

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 11
Anh Đặng Văn Huy - Chủ nông trại Dang Farm, Hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đắk Lắk tự tay pha chế cà phê đặc sản mời các đại biểu thưởng thức

Đối với địa phương, ông Kha thông tin, mục tiêu cơ bản của kinh tế số Bình Định đến năm 2025 phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP; tối thiểu 50% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử; 50% các doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) thực hiện chuyển đổi số.

Địa phương cũng phấn đầu hình thành 100 doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, mục tiêu của tỉnh sẽ đạt tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung – Bình Định và tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung trong năm 2022; thu hút khoảng 2.000 chuyên gia, lao động làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung – Bình Định và Trung tâm trí tuệ nhân tạo – Đô thị phụ trợ Long Vân.

24/04/2024 10:28

Nhiều dư địa thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Đan, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) chia sẻ nhiều yếu tố để thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực này.

Theo ông, người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến sức khỏe, minh bạch, giá trị xã hội, không gian tương tác. Kinh tế khu vực nông thôn dần hiện đại hơn, nông dân văn minh. Tỷ lệ người sử dụng internet ở nông thôn Việt Nam tăng đáng kể.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 12

Ông Nguyễn Hoàng Đan, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT)

Tuy nhiên, cũng chỉ ra một số nút thắt và hạn chế như: Hạ tầng số, dữ liệu số còn hạn chế, chưa đồng bộ; thiếu liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…

Để khắc phục những bất cập trên, ông Đan cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo toàn ngành tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ chuỗi cung ứng nông sản sang liên kết giá trị ngành hàng; chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững…

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp đạt tối thiểu 10% trong GDP nông nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu tại QĐ số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xây dựng mô hình “mẫu” về sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số; 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; trên 50% chủ thể OCOP tham gia kênh thương mại điện tử; số hóa 70% dữ liệu thông tin hộ sản xuất nông nghiệp.

24/04/2024 10:43

Chuyển đổi dữ liệu giấy thành dữ liệu số

Tại phiên tham luận đề xuất các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu (CDSL) ngành nhằm thúc đẩy kinh tế số, ông Lê Xuân Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty VNPT IT nhấn mạnh, hệ thống phần mềm chuyển đổi dữ liệu từ dạng hồ sơ giấy thành những dữ liệu dạng tín hiệu số, phục vụ nhu cầu số hóa, lưu trữ, quản lý biến động hồ sơ lưu trữ được phân quyền theo nghiệp vụ.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 13

Ông Lê Xuân Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty VNPT IT

Theo ông, điều này sẽ giúp quản lý phân bổ và kiểm duyệt nhập liệu hồ sơ số hóa; quản lý tài liệu hồ sơ lưu trữ điện tử; OCR và trích xuất thông tin hồ sơ số hóa; quản lý và khai thác hồ sơ lưu trữ hiệu quả; xử lý nghiệp vụ lưu trữ hồ sơ theo quy định của Chính phủ; tích hợp và liên thông dữ liệu…

Theo ông Sơn, để chuyển đổi số cần phát triển Chính phủ số, phát triển dữ liệu số, phát triển đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng, cùng với đó phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nội bộ và hạ tầng kỹ thuật.

Giới thiệu về giải pháp quản lý và khai thác CSDL ngành GTVT, ông Sơn cho biết, hệ thống này giúp quản lý, khai thác CSDL ngành Giao thông tập trung trên nền tảng Bản đồ số; giúp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, quản lý vận tải… của tỉnh.

Ngoài ra, cung cấp bản đồ ngành GTVT chia sẻ, tích hợp với các ngành khác thông qua trục LGSP, đồng thời là kênh chia sẻ, tương tác thông tin với người dân lưu thông giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, quản lý vận tải...

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 14

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí

Cập nhật dữ liệu tài sản, hạ tầng một cách nhanh chóng, chặt chẽ, hạn chế mất mát, hư hỏng theo thời gian và theo luồng nghiệp vụ. Tra cứu, thống kê, báo cáo dữ liệu chính xác, hiệu quả, trực quan theo tiêu chí, thông tin mong muốn. Hỗ trợ công tác ra quyết định, công tác quy hoạch, quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông. Kênh thông tin chia sẻ, tương tác và tiếp nhận phản ánh về sự cố, an toàn giao thông của người dân giúp chính quyền hoá hiệu quả.

Đại diện của VNPT cũng cam kết, sẵn sàng đồng hành, phối hợp cùng các Sở Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa-Thể thao và Du lịch thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số dựa trên các thế mạnh sẵn có của VNPT.

24/04/2024 10:53

Số hóa cây trồng, hướng tới bán tín chỉ carbon

Là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước (Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023) đã chia sẻ câu chuyện về kinh tế số trong sản xuất nông nghiệp.

Anh Hoàng cho biết, đã xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, số hóa từng cây, mỗi cây là một trang website, một nhật ký điện tử và làm mô hình để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước, đặc biệt là ASEAN và Trung Quốc.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 15

Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước

Anh Hoàng cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số nên đã ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp. Anh ứng dụng các giải pháp công nghệ để bán câu chuyện liên quan đến quá trình công tác, sản xuất, gắn với câu chuyện văn hoá địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm.

Anh Hoàng đã số hoá vườn cây thông qua phần mềm hiện đại để người tiêu dùng biết được quy trình chăm sóc, ngày thu hoạch, phương tiện vận chuyển sản phẩm…. Nhờ đó khách hàng có thể truy xuất sản phẩm. Chưa kể, anh còn phát triển nông nghiệp trải nghiệm cho người thành thị bằng ứng dụng game hoá. Nhờ đó, khách hàng có cơ hội trải nghiệm quy trình trồng, chăm sóc.

Anh Hoàng cũng phối hợp với trường đại học để biến phế phẩm nông nghiệp thành chế phẩm sinh học an toàn. Hợp tác xã của anh cũng sử dụng hệ thống máy bay không người lái để phun xịt cây trồng, đảm bảo nhanh, trên một diện tích lớn. Anh cũng ứng điện năng lượng mặt trời để chủ động, đảm bảo nguồn điện phục vụ tưới tiêu; lắp đặt hệ thống camera vườn cây để đảm bảo an ninh, giám sát…

Đơn vị cũng đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử lớn để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm của người nông dân.

Theo anh Hoàng, trong công cuộc chuyển đổi số rất cần các ngành khác cùng thực hiện đồng bộ. Anh nhấn mạnh vào ngân hàng để tạo ra dữ liệu liên kết (giữa nông dân, ngân hàng, đại lý…). Từ đó, người nông dân mua được vật tư nông nghiệp với giá rẻ; người thu mua cũng không sợ bị bẻ cọc...

Đặc biệt, anh cũng đề cập đến việc bán tính chỉ carbon trong thời gian tới. Để làm được điều này, anh mong muốn Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện để người trẻ tham gia mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số, góp phần đưa nông sản Việt ra thế giới mạnh mẽ hơn nữa.

24/04/2024 11:02

Cần có một nền tảng dữ liệu tập trung

PGS.TS Hồ Sỹ Tâm - Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Thuỷ lợi trình bày tham luận Mô hình áp dụng nền tảng IoT trong xây dựng hệ thống quản lý tài nguyên nước, an toàn hồ đập và cảnh báo thiên tai.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 16

PGS.TS Hồ Sỹ Tâm - Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Thuỷ lợi

Theo PGS.TS Hồ Sỹ Tâm, kinh tế số không có nghĩa chỉ là thương mại và bán sản phẩm trên nền tảng số mà còn có các hoạt động khác giúp cho việc nâng cao hiệu quả sản xuất của nền kinh tế nói chung, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế số.

Đi vào lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai, ông Tâm cho biết, hiện cả nước có 7.342 đập, hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3, trong đó 592 đập dâng và 6.750 hồ chứa thủy lợi.

Bài toán đặt ra là quản lý các công trình như thế nào để khai thác hiệu quả và đảm bảo an toàn thì việc áp dụng nền tảng IoT đã đáp ứng được tốt hơn so với việc chỉ sử dụng các kỹ thuật truyền thống.

Thông tin, ông Tâm cho biết, hiện nay, Trường Đại học Thuỷ lợi phối hợp với một số đối tác lớn triển khai một số dự án lớn trong việc chuyển đổi số như: Dự án An toàn đập Việt Nam – New Zealand; dự án lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa nước Đắk Nông Thượng; hồ chứa nước Ka La, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng; dự án số hóa và xây dựng công cụ thu thập, cập nhật dữ liệu công trình Thủy lợi tỉnh Nam Định; dự án xây dựng hệ thống mô phỏng lũ, ngập lụt vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dự án: Xây dựng hệ thống phần mềm cảnh báo ngập lụt cho các lưu vực sông Quảng Bình...

Tại Hội thảo, PGS.TS Hồ Sỹ Tâm cũng đề xuất cần có 1 nền tảng dữ liệu tập trung để giúp cho việc chuyển đổi số.

24/04/2024 11:10

Liên kết chuỗi giá trị, khắc phục tình trạng ‘được mùa mất giá’

Tiến sĩ Dương Trọng Hải (Trung tâm nông nghiệp số VNPT Agri, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam) chỉ ra nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp, như nông hộ còn nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng; đầu ra không ổn định, “được mùa mất giá”; đầu vào giá cao, khó kiểm soát chất lượng. Đặc biệt, doanh nghiệp đầu ra chất lượng nông sản không đồng đều, khó kiểm soát và tính cam kết trong liên kết kém.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 17

Tiến sĩ Dương Trọng Hải, Trung tâm nông nghiệp số VNPT Agri, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam

Bởi vậy, ông Hải nhấn mạnh, VNPT Agri là nền tảng nông nghiệp số cho hợp tác giữa nông dân – nông dân, hợp tác xã – hợp tác xã, vùng nuôi/trồng-vùng nuôi/trồng, liên kết giữa doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của thị trường đầu ra.

Từ đây, ông Hải cho rằng, giá trị của VNPT Agri sẽ đem lại cho nông hộ, nông trại sự kết nối với chuyên gia nông nghiệp tư vấn kỹ thuật sản xuất, xử lý, kiểm soát dịch bệnh hại; kết nối sản lượng, cùng đàm phán giá, đảm bảo uy tín và đỡ rủi ro; cùng sở hữu chứng nhận chất lượng nhóm, cùng sở hữu mã số vùng trồng; cùng mua đầu vào, giá thành rẻ hơn và kiểm soát được chất lượng vật tư.

Hơn cả, theo ông Hải, VNPT Agri sẽ giúp liên kết đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ, tận dụng hệ thống kênh phân phối để tiết kiệm chi phí; phân tán rủi ro. Đồng thời giúp chính quyền địa phương theo dõi, thống kê diễn biến đất nông, lâm, diêm nghiệp, mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.

Không những vậy, VNPT Agri sẽ giúp chính quyền quản lý các hoạt động về vật tư nông lâm nghiệp, phân bón và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt, quản lý được mã số vùng nuôi/trồng, quản lý sâu bệnh dịch hại và các hoạt động chuyên môn của các trạm/trung tâm ở các huyện…”, ông Hải nêu một vài giá trị mà VNPT Agri mang lại cho chính quyền.

24/04/2024 11:48

Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, giúp giảm chi phí

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số của MobiFone trình bày tham luận giải pháp chuyển đổi số ngành du lịch của MobiFone, trong đó giới thiệu về ứng dụng Smart Travel của doanh nghiệp này.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 18

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số của MobiFone

Theo ông, hiện nay có rất nhiều phần mềm độc lập do các doanh nghiệp trong và ngoài ngành Du lịch nghiên cứu, đưa vào sử dụng, tạo thành “ma trận” sản phẩm khiến cho người dùng bối rối trong quá trình tiếp cận, sử dụng. “Chính việc thiếu tính liên kết dữ liệu, kết nối giữa các nền tảng cũng là một thách thức lớn của chuyển đổi số”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, Smart Travel giúp giải quyết một số vấn đề trong ngành du lịch. Cụ thể, như giúp thống kê số lượng khách du lịch đến với địa phương; giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giảm chi phí cho các doanh nghiệp lữ hành cũng như giúp quảng bá du lịch.

Đặc biệt, giúp phát triển các giải pháp toàn diện cho chuyển đổi số ngành du lịch, mở rộng không gian du lịch. Mong muốn trở thành nền tảng chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.

Cũng theo Trưởng ban Chuyển đổi số của MobiFone, hệ sinh thái MobiFone Smart Travel có một số điểm khác biệt. Cụ thể, Smart Travel là ứng dụng duy nhất có kết nối mở, liên thông tới 63 tỉnh thành cũng như các nước trên thế giới; tích hợp công nghệ VR360/ AR/ AI Chat GPT ngay trên app mà hiện nay chưa ứng dụng nào có; đáp ứng đầy đủ các tính năng cho hành trình du lịch trọn vẹn, chất lượng cao, trải nghiệm phong phú từ đi đâu, ở đâu, Ăn gì, Chơi gì, Booking, Livestream.

24/04/2024 11:59

Xây dựng ‘đường cao tốc’ cho dữ liệu

Chia sẻ về các nền tảng thông tin, các mô hình về dữ liệu lớn, nền tảng thông tin tỉnh, nền tảng ITitan, ông Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tin học Giải pháp tích hợp cho biết, việc xây dựng đường cao tốc cho dữ liệu rất quan trọng, con đường cao tốc đó là thông tin dựa trên dữ liệu để phát triển nền kinh tế định hình một dữ liệu và đảm bảo được thông tin.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 19

ông Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tin học Giải pháp tích hợp

Ông Hiền cho biết, lợi ích khi dùng nền tảng ITitan là hạ tầng không quá tải do dữ liệu không cần phải cống nộp tập trung; triển khai linh hoạt theo mô hình phi tập trung; dữ liệu không cần phải sao chép về mới phân tích (No Copy); dữ liệu phi tập trung vẫn phân tích real time dễ dàng; xây dựng kho nhanh chóng bằng công cụ…

Cũng theo ông Hiền, dữ liệu ngành bức tranh hiện đang bị bỏ quên. Tuy nhiên, muốn xây dựng không gian số tin cậy đòi hỏi có sự tham gia tất cả các nền tảng dữ liệu.

Từ đó, ông nhấn mạnh, việc xây dựng đường cao tốc cho dữ liệu rất quan trọng để phát triển nền kinh tế.

24/04/2024 12:50

Giải đáp nhiều vướng mắc trong chuyển đổi số

Tại Phiên thảo luận “Kết nối và chia sẻ”, đại diện các sở/ngành, doanh nghiệp đã trao đổi trực tiếp những vấn đề khó khăn đang gặp phải khi thực hiện triển khai chuyển đổi số.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số

Trước câu hỏi làm thế nào để hình thành “Làng số” Tây Nguyên (nơi có địa bàn hiểm trở, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa), bà Mai Thị Thanh Bình, đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ: Trong công cuộc chuyển đổi số, Chính phủ luôn xác định, đặt con người vào trung tâm. Hiện, công nghệ số đã đóng góp đến 70% vào việc xoá đói bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 20

Phần thảo luận đã giải đáp được rất nhiều vấn đề liên quan đến chuyển đổi số

Theo bà Bình, Tây Nguyên có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa do đó, để thực hiện được chuyển đổi số, cần phải phổ cập hạ tầng dịch vụ đến với người dân; cung cấp dịch vụ công thiết yếu để mọi người truy cập, kết nối…

Về hướng đi chuyển đổi số như thế nào cho những doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, bà Mai Thị Thanh Bình, đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số cho biết, đã tiếp xúc với một số doanh nghiệp và thấy một số khó khăn, gồm: Vốn, việc tiếp cận công nghệ, nguồn nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số còn yếu.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 21
Đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk - chị Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Banana Brothers Farm chia sẻ tại hội thảo.

Theo bà Bình, hiện nay đã có nhiều đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ để cung cấp các dịch vụ nhanh- nhỏ-lẹ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuỳ vào nhu cầu của từng doanh nghiệp cần công nghệ phục vụ mục tiêu sản xuất, chế biến hay tiếp cận thị trường…

Ngoài ra, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Thông qua việc sử dụng nền tảng số do chương trình lựa chọn, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động.

Miễn giảm thuế để doanh nghiệp chuyển đổi số

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số cho các tỉnh trong khu vực, TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là những vùng có khó khăn của cả nước về kinh tế. Trong khi đó nhân lực, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số là rất lớn.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 22

TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN

Để thực hiện chuyển đổi số, ông Quân cho rằng, người đứng đầu các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần bản lĩnh, am hiểu, quyết tâm rất cao. Bên cạnh đó chính sách nhà nước rất quan trọng. “Lĩnh vực nông, ngư nghiệp hầu hết là các hộ gia đình, HTX, không có nguồn lực để có thể thực hiện chuyển đổi số. Nếu không có sự hỗ trợ của địa phương, nhà nước thì quá trình chuyển đổi số của họ sẽ rất là khó khăn”, ông Quân nói.

Trong giai đoạn này, theo ông Quân, nhà nước nên tạo điều kiện để doanh nghiệp có nguồn tài chính nhằm hỗ trợ chuyển đổi số. Cụ thể, Chính phủ nên có Nghị quyết, Nghị định cho phép những doanh nghiệp chuyển đổi số được miễn giảm thuế thu nhập doanh doanh nghiệp trong thời gian tối đa 2 năm để họ có nguồn lực đầu tư.

“Khi doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thì doanh thu lợi nhuận của họ tăng rất nhiều so với khi chưa thực hiện. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp”, ông Quân đề nghị.

Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số, anh Đặng Dương Minh Hoàng (Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước) cho biết, khi thực hiện, HTX nhận được hỗ trợ của nhà nước.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 23

Anh Đặng Dương Minh Hoàng chia sẻ ở phần thảo luận

Còn về địa phương, HTX cũng huy động được các nguồn quỹ để vay nguồn vốn với lãi suất thấp. Quan trọng là cách tiếp cận của chúng ta thể nào, bởi các quỹ rất nhiều, “đủ nắng hoa sẽ nở”, tức về trí thức, mối quan hệ thế nào để tận dụng nguồn vốn này.

“Trải thảm” thu hút nhân lực và doanh nghiệp

Trước câu hỏi về nguồn nhân lực để phục cho 100 doanh nghiệp Công nghệ số như mục tiêu của tỉnh Bình Định đến năm 2025, ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định cho biết, địa phương đang có 3 trường đại học với nhiều ngành đào tạo liên quan đến công nghệ thông tin.

Ngoài ra, tỉnh còn có các chính sách thu hút nhân lực của tỉnh và các doanh nghiệp cũng có chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở các tỉnh lân cận và thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 24

Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT Bình Định

Chia sẻ về việc kêu gọi thành công 2 công ty về công nghệ đến đầu tư tại Khu công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, ông Kha cho hay, có nhiều yếu tố, trong đó là sự vào cuộc quyết liệt, “trải thảm”, hỗ trợ tối đa từ lãnh đạo tỉnh đến các sở ngành và địa phương.

Trả lời câu hỏi kinh nghiệm triển khai của VNPT về cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các địa phương, ông Lê Xuân Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty VNPT IT: VNPT bắt tay vào đồng hành, bắt đầu nghiên cứu các văn bản, nghị định.

“Khi triển khai dữ liệu ngành, phải thấy rằng, thực tế phải thấy rằng bức tranh cơ sở dữ liệu ngành của các bộ, ngành vẫn chưa được rõ nét, cho dù đã có bộ khung kiến trúc, chỉ số đã ban hành”, ông Sơn nói.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 25

Ông Lê Xuân Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty VNPT IT

Cung cấp thông tin cụ thể, ông Sơn chia sẻ, cách thức của VNPT thì tuỳ theo từng bộ, ngành. Ví dụ, trong lĩnh vực xây dựng, VNPT làm việc với Bộ Xây dựng cũng như các chuyên gia; từ đây, VNPT thành lập các đội chuyên gia để đi theo từng nhóm chuyên đề, để có giải pháp xử lý trong ngắn hạn, trung hạn, đang tập trung vào các bài toán ưu tiên nào.

Như vậy, tuỳ theo từng đối tượng, nhóm vấn đề đang cần thiết, căn cứ vào nguồn lực, con người, đối tượng cụ thể, vật lực, tài lực, VNPT sẽ có những trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ cho từng địa phương, sở ngành để giải từng “bài toán” khác nhau.

24/04/2024 12:53

Phát biểu kết thúc hội thảo, Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, qua hơn 3,5 giờ đồng hồ làm việc, hội thảo đã phần nào làm rõ nét những vấn đề liên quan đến hành trình chuyển đổi số của các địa phương khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Hội thảo 'Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên' ảnh 26

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong

Tại đây, các diễn giả cũng giới thiệu một số giải pháp xây dựng cở sở dữ liệu, các mô hình chuyển đổi số cho khu vực. Trong đó có những lĩnh vực rất được quan tâm như: Nông nghiệp, du lịch, dự báo phòng chống thiên tai…

Nhà báo Lê Xuân Sơn hy vọng các thông tin về số liệu, giải pháp được chia sẻ tại hội thảo sẽ có tính chất gợi mở về hướng đi chuyển đổi số cho có đại biểu, các doanh nghiệp. “Hy vọng hội thảo sẽ góp phần vào công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số cho khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”, ông Sơn nói.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong cũng cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự hội thảo. Ông gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và các sở ngành, đơn vị, doanh nghiệp đã tạo điều kiện, đồng hành, làm nên thành công của hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ngành, chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp trong khu vực:

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

TS Nguyễn Quân, chuyên gia chuyển đổi số, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong

PGS TS Đỗ Văn Quang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi

Ông Phạm Quốc Trung, Trưởng đại diện VNPT trên địa bàn Bình Định cùng các chuyên gia đến từ Tập đoàn VNPT, đơn vị đồng tổ chức.

Lãnh đạo, đại diện 26 sở ngành các địa phương trong khu vực, đại diện các thành phố/huyện/thị xã tỉnh Bình Định.

Hơn 30 hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước, giảng viên và sinh viên Khoa CNTT, Trường Đại học Quy Nhơn cùng sự tham dự của 20 cơ quan báo chí trung ương và địa phương thường trú tại tỉnh Bình Định.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam-Vinaconex

Công ty Cổ phần Tin học Giải pháp Tích hợp mở

Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản Đô Thành.

Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Cao Nguyên - Phòng khám đa khoa Tây Nguyên.

Công ty Cổ phần Tập đoàn TMS

Khách sạn Hải Âu (thành viên Công ty Cổ phần Xây dựng 47)

Các đơn vị hỗ trợ gồm: Simexco Daklak, Dang Farm, Banana Brothers Farm, Miss EDE, Vương Thành Công, cà phê Hoa Sữa Krông Búk, Hội Doanh nhân thành phố Buôn Mê Thuột, FE CREDIT (Công ty tài chính VPB SMBC FC).

MỚI - NÓNG