Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức hội thảo về hội chứng 10% dân số toàn cầu mắc

0:00 / 0:00
0:00
Thông tin tại hội thảo do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức, tính trung bình 10% dân số (khoảng 800 triệu người) trên toàn cầu mắc hội chứng ruột kích thích.

Chiều 18/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học nhân Ngày Hội chứng ruột kích thích (IBS) thế giới và Tháng nhận thức về IBS, cùng vai trò của chủng lợi khuẩn Lactobacillus plantarum DSM 9843 đối với IBS.

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức hội thảo về hội chứng 10% dân số toàn cầu mắc ảnh 1

Hội thảo nhằm tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về hội chứng IBS, chú ý hơn tới việc thăm khám y tế, chẩn đoán, điều trị IBS hợp lý; đồng thời cung cấp người dân nhiều thông tin về triệu chứng, chẩn đoán và điều trị đối với IBS, nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường sức khỏe cho một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh.

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức hội thảo về hội chứng 10% dân số toàn cầu mắc ảnh 2

Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Hà Anh Đức phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: CTV

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, tính trung bình 10% dân số (khoảng 800 triệu người) trên toàn cầu mắc IBS. Tuy nhiên, số người tiếp cận được với y tế để được điều trị rất thấp. Ở Việt Nam chúng ta có hàng chục triệu người chưa được tiếp cận ý tế về hội chứng này, dẫn đến gánh nặng về sức khoẻ, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng.

"Từ những lí do, thế giới đã đưa ra và chọn ngày 19/4 hàng năm là ngày IBS toàn cầu, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, về hội chứng kích thích ruột. Chúng tôi đã tổ chức hội thảo hôm nay để hưởng ứng ngày này, đưa ra giải pháp để hỗ trợ những người mắc phải IBS…”, anh Đức nói.

Theo Ban Tổ chức, IBS là rối loạn tiêu hóa mạn tính rất thường gặp trên thế giới và ở Việt Nam. IBS gồm các triệu chứng đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón... và thường kèm theo các triệu chứng tâm lý như trầm cảm hoặc lo âu.

IBS không ảnh hưởng tới tuổi thọ của con người nhưng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người. Bên cạnh đó, IBS làm gia tăng gánh nặng chi phí lên hệ thống y tế cũng như năng suất lao động, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung. Theo khuyến cáo từ các Hiệp hội Y khoa uy tín trên thế giới thì thay đổi lối sống - chế độ dinh dưỡng và bổ sung các sản phẩm men vi sinh (Probiotics) nên được áp dụng trước khi sử dụng các sản phẩm thuốc trong điều trị IBS.
Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức hội thảo về hội chứng 10% dân số toàn cầu mắc ảnh 3

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại chương trình. Ảnh: CTV

Phát biểu tại chương trình, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hội chứng ruột kích thích (gọi tắt là IBS) là một trong những rối loạn tiêu hóa phổ biến trên Thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nào có thể trị dứt điểm hoàn toàn các triệu chứng của IBS, mà chỉ có các thuốc điều trị triệu chứng riêng lẻ, như thuốc chống co thắt, đau bụng, thuốc trị tiêu chảy, táo bón…

Theo ông Thuấn, Y tế Việt Nam còn đứng trước những thách thức vô cùng to lớn về tình trạng quá tải bệnh viện; chất lượng dịch vụ y tế chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của người dân; sự thay đổi cơ cấu gánh nặng bệnh tật, tử vong theo hướng gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm.

Việc tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo nhằm giúp các y, bác sĩ cập nhật kiến thức, nâng cao tay nghề; đồng thời tuyên truyền giáo dục cho người dân nâng cao nhận thức về bệnh tật, về thăm khám, điều trị hợp lý và nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe chủ động là vô cùng quan trọng và cần thiết.

MỚI - NÓNG