Hơn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự tọa đàm về chính sách, pháp luật tại văn phòng Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 13/1, tại Văn phòng Quốc hội, hơn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình Xuân Quê hương 2023 đã tham dự tọa đàm về chính sách, pháp luật với người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều ý kiến đóng góp thiết thực như quốc tịch, luật thừa kế...
Hơn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự tọa đàm về chính sách, pháp luật tại văn phòng Quốc hội ảnh 1

Các đại diện của đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự Xuân Quê hương 2023 tại Nhà Quốc hội.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng được gặp gỡ, đón chào đồng bào ở nước ngoài về thăm quê hương, đón Tết, đến thăm Nhà Quốc hội và tham dự Toạ đàm về chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài do Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức.

Hơn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự tọa đàm về chính sách, pháp luật tại văn phòng Quốc hội ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm với đoàn kiều bào tiêu biểu trước cửa Nhà Quốc hội. Ảnh: Lan Anh

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng và gửi tới quý đại biểu lời thăm hỏi thân thiết và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất cũng như chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới đồng bào ta ở nước ngoài và đại biểu tại cuộc toạ đàm.

Hơn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự tọa đàm về chính sách, pháp luật tại văn phòng Quốc hội ảnh 3

Các đại biểu kiều bào rạng rỡ với áo dài truyền thống. Ảnh: Lan Anh

Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, phức tạp, khó lường; ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, là mức cao nhất trong 10 năm qua. Thu ngân sách Nhà nước đạt 1,804 triệu tỷ đồng, vượt 27,76% so với dự toán; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỷ USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại có nhiều chuyển biến, nhiều mặt được tăng cường; công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… có nhiều đổi mới, nhiều mặt có đột phá và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước có công sức, trí tuệ của hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, luôn tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…

Năm 2021, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vào khoảng 12,5 tỉ USD; dự báo tổng lượng kiều hối về Việt Nam có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dù sống ở nước ngoài, nhưng trái tim, khối óc và dòng máu “Lạc hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Các doanh nhân, trí thức đồng bào ta ở nước ngoài sẵn sàng, khao khát trở về đầu tư làm giàu và xây dựng quê hương, đất nước.

Trong những năm qua, công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, quán triệt tinh thần "Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Đối ngoại triển khai chuyên đề giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài” và tổ chức Tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với sự tham dự của Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan; từ đó sẽ ghi nhận những ý kiến của đồng bào ta ở nước ngoài về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Đây là cơ sở để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, làm ăn, kinh doanh và đầu tư tại quê hương, góp phần thu hút nguồn lực tri thức và kinh tế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là "phấn đấu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, hơn bao giờ hết việc phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đồng bào ta ở nước ngoài về đầu tư, xây dựng quê hương là nhiệm vụ mang tính cấp thiết trong định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.

Tại tọa đàm, các đại biểu kiều bào đề cập nhiều tới việc được đăng ký giữ quốc tịch, song tịch và nhập quốc tịch Việt Nam. Chị Phan Bích Thiện - kiều bào Hungaria, cho biết, hiện nay nhiều người Việt Nam thế hệ hai ở nước ngoài có bố hoặc mẹ là người nước ngoài. Với chính sách ở nước ngoài, con cái sinh ra ở đâu thì mang quốc tịch nước đó, nhưng khi các cháu muốn có quốc tịch Việt Nam thì các thủ tục rất phức tạp, rườm rà.

Kiều bào Thái Lan cũng cho biết, nhiều người Việt Nam ở Thái Lan đi từ những năm 1946 nên đến nay họ không còn quốc tịch Việt Nam mà cũng không được nhập quốc tịch Thái Lan, vì vậy họ mong muốn kéo dài thời hạn visa du lịch cho người Việt Nam tại Thái Lan khi về quê hương từ 2-3 tháng, thay vì 1 tháng như hiện nay.

Vấn đề thừa kế đất đai của người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay vẫn chưa thuận lợi và chưa có quy định cụ thể. Kiều bào Hàn Quốc mong muốn Nhà nước Việt Nam có chính sách thuận lợi hơn cho các gia đình đa văn hóa Việt- Hàn hơn nữa.

MỚI - NÓNG