Hơn 3.500 chủ hộ kinh doanh đóng sai bảo hiểm xã hội: Giải quyết theo phương án nào?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chủ hộ kinh doanh không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, nhưng thực tế cả nước đã có hơn 3.500 người tham gia; từ đây dẫn tới việc giải quyết chế độ, hay cho đóng tiếp với những người này đều không được... BHXH Việt Nam đang đề xuất cấp thẩm quyền xử lý việc này ra sao?

Không nên thoái thu

Hiện cả nước có hơn 3.500 chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc chưa đúng quy định (do không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc theo luật hiện hành). Trong đó có hơn 2.800 người bị “treo” chế độ, thậm chí nhiều người hết tuổi lao động dù đóng BHXH đủ số năm để có lương hưu, nhưng chưa được giải quyết. Để gỡ vướng mắc trên và đảm bảo quyền lợi cho chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc chưa đúng đối tượng, BHXH Việt Nam vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan (thông qua Dự thảo báo cáo Chính phủ về giải pháp giải quyết vướng mắc). Cơ quan này thừa nhận trách nhiệm trong thu BHXH bắt buộc và giải quyết chế độ với chủ hộ kinh doanh chưa phù hợp quy định và xin nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Hơn 3.500 chủ hộ kinh doanh đóng sai bảo hiểm xã hội: Giải quyết theo phương án nào? ảnh 1

Bảo hiểm Xã hội VN đang đề xuất giải pháp giải quyết quyền lợi cho hơn 3.500 chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc chưa đúng đối tượng. Ảnh: L.V

BHXH Việt Nam đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết, cho phép chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc được hưởng chế độ theo quy định về loại bảo hiểm này, hoặc bảo lưu và vẫn tính đó là thời gian đóng BHXH bắt buộc. Đồng thời không thu hồi tiền hưởng các chế độ BHXH với chủ hộ kinh doanh đã được giải quyết chế độ từ năm 2003 đến nay. Trường hợp đã thoái thu (trả lại tiền đã đóng), nếu chủ hộ kinh doanh có nguyện vọng, cho phép họ đóng lại bằng số tiền đã nhận và khôi phục thời gian tham gia BHXH bắt buộc.

Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, tới hết tháng 5/2023, có 3.567 chủ hộ kinh doanh đóng BHXH bắt buộc. Trong đó, có 700 người đã hưởng chế độ hưu trí, BHXH một lần hoặc hoàn trả tiền đã đóng; hơn 1.420 người tiếp tục đóng theo diện khác (như BHXH tự nguyện, BHXH bắt buộc…); hơn 1.440 người bảo lưu thời gian đóng BHXH. Về thời gian chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc, có hơn 1.330 người tham gia trên 15 năm, hơn 900 người đóng từ 10-15 năm, hơn 1.300 người đóng dưới 10 năm.

Nếu phương án trên được thông qua, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho rằng, sẽ tạo cơ hội để những chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc được hưởng lương hưu, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Qua đây cũng tạo thêm niềm tin của người dân với chính sách BHXH, đảm bảo công bằng với những người tham gia theo nguyên tắc có đóng - có hưởng. Đặc biệt, giải pháp này cũng giải quyết triệt để nguyện vọng của những chủ hộ kinh doanh đã và sẽ tham gia BHXH. Việc chi trả chế độ BHXH được lấy từ nguồn quỹ BHXH do chính những chủ hộ này đã đóng (không dùng ngân sách). Nghị quyết này sẽ tương tự Nghị quyết 101 ngày 6/9/2021 của Chính phủ, về giải quyết vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc với một số chức danh cấp xã đã đóng BHXH trong giai đoạn 2003-2020.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phân tích thêm, nếu thoái thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh đã đóng sẽ rất phức tạp, khó khăn do người tham gia không đồng thuận. Bên cạnh đó, giải pháp này cũng thiệt thòi cho chủ hộ đã đóng BHXH thời gian dài, thậm chí có người đã đủ điều kiện nhận lương hưu, nhiều người mất cơ hội có lương hưu.

Chưa kể, khi thoái thu sẽ đồng thời phải thu hồi số tiền đã chi trả các chế độ BHXH khác, còn nếu không thu hồi với người đã nhận chế độ sẽ thiệt thòi và không công bằng cho người chưa được nhận chế độ. Đặc biệt, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được xây dựng cũng bổ sung nhóm chủ hộ kinh doanh vào diện tham gia BHXH bắt buộc. Nếu luật được thông qua, chính sách này sẽ áp dụng từ năm 2025, chủ hộ kinh doanh sẽ đóng BHXH bắt buộc.

Lý giải nguyên nhân

BHXH Việt Nam cho biết, việc thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh phát sinh từ năm 2003, khi thực hiện quy định người lao động làm việc tại hộ kinh doanh có hợp đồng phải đóng BHXH bắt buộc. Khi đó, nhiều chủ hộ kê khai và đóng BHXH bắt buộc cho cả mình. “BHXH một số địa phương có thể vì chưa hiểu hết, áp lực mở rộng diện bao phủ BHXH, hoặc thuận theo nguyện vọng của chủ hộ kinh doanh dẫn tới thu BHXH bắt buộc chưa đúng đối tượng.

Thực tế, chủ hộ kinh doanh vừa làm chủ vừa trực tiếp làm việc như người lao động mình thuê, chỉ khác họ không có hợp đồng lao động, không thể ký hợp đồng với chính mình được. Còn luật quy định diện tham gia BHXH bắt buộc phải có hợp đồng lao động”, ông Nguyễn Thế Mạnh nói. Cũng theo ông Mạnh, các chủ hộ kinh doanh cũng có nhu cầu chính đáng tham gia BHXH để hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế…

Cuối năm 2016, BHXH đã yêu cầu các địa phương báo cáo việc thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh là chưa đúng quy định pháp luật, sau đó báo cáo Bộ LĐ-TB&XH xin hướng dẫn, đề xuất giải pháp xử lý. Tháng 10/2019, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản trả lời BHXH Việt Nam khẳng định chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, phải thực hiện theo quy định.

Trước đó, ngày 8/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 88/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: Khẩn trương xây dựng báo cáo, cập nhật số liệu và đề xuất phương án giải quyết dứt điểm việc thu BHXH không đúng quy định với chủ hộ kinh doanh. Lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để tổng hợp trình Chính phủ.

MỚI - NÓNG