Tài chính GenZ không chỉ là một chương trình định hướng nghề nghiệp đơn thuần cho học sinh khối 12, mà còn là chương trình trang bị kiến thức về tư duy tài chính cho học sinh khối THPT. Chương trình đã thu hút được 500 học sinh của trường THPT Xa La tham dự với nhiều tương tác và đóng góp tích cực.
Chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo của các bạn học sinh. |
Về phía trường Đại học Đại Nam, chương trình có sự góp mặt của thầy Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng khoa, thầy Bùi Xuân Luân - Phó khoa, thầy Lê Tuấn Anh - Giảng viên phụ trách học phần Tài chính cá nhân.
Trường THPT Xa La có sự góp mặt của cô giáo Phùng Thị Hạnh - Hiệu trưởng, Cô giáo Ngô Thị Thu Hà - Phó hiệu trưởng, ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh Trường THPT Xa La.
Chương trình còn có sự tham gia của nhiều diễn giả là các chuyên gia đến từ các công ty về hướng nghiệp và tài chính ngân hàng, như: ThS. Vũ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Nhân sự chủ chốt KeyPerson, Ông Trần Thế Lực - Giám đốc Khu vực Tây Hà Nội – Ngân hàng VPBank, Bà Phạm Thị Hiền -nQuản lý về giải pháp nhân sự công ty Top CV, Bà Trần Huyền Anh - Giám đốc Văn phòng du học quốc tế.
Trong phần chia sẻ của mình về hướng nghiệp, bà Phạm Minh Hiền - Quản lý về giải pháp nhân sự công ty Top CV cho biết: Để chọn được một công việc phù hợp, mỗi chúng ta cần chú ý đến ba yếu tố chính: đam mê, khả năng và nhu cầu xã hội. Khi chúng ta làm việc vì đam mê, chúng ta sẽ làm việc trong vui vẻ hơn. Làm những việc chúng ta có khả năng thì công việc sẽ diễn ra thuận lợi hơn. Và làm những công việc có nhu cầu xã hội cao thì thu nhập thường sẽ cao hơn.
Rất nhiều người trong chúng ta thường làm những công việc vốn là sự kết hợp của hai trong ba yếu tố trên. Tuy vậy, sự kết hợp này thường khiến chúng ta gặp sự thiếu thốn và không hạnh phúc về mặt nào đó. Ví dụ: chúng ta làm một công việc mà chúng ta có khả năng, và có nhu cầu xã hội cao nhưng lại không có đam mê. Với những công việc này, chúng ta có thể kiếm được nhiều tiền nhưng lại không có được niềm vui, và thấy thiếu thốn về mặt tinh thần trong công việc. Chính vì vậy, lý tưởng nhất là làm sao để chúng ta có thể tìm ra được một công việc có thể hội tụ cả ba yếu tố trên".
Diễn giả Phạm Minh Hiền |
Nói về cách tìm kiếm một nghề nghiệp phù hợp về cả ba tiêu chí như vậy với mỗi người, bằng trải nghiệm của bản thân trong ngành nhân sự, bà Hiền cho biết rằng đầu tiên các bạn trẻ nên thử những bài test về tính cách của bản thân, điển hình như bài test MBTI để xác định những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình.
Sau đó, hãy nhìn lại những ước mơ thời thơ ấu để xác định xem đó có còn là ước mơ của mình và có muốn tiếp tục theo đuổi đam mê đó hay không. Và cuối cùng, tất cả những công việc hiện nay được bậc giáo dục sau phổ thông đào tạo đều là những ngành nghề hữu ích cho xã hội, chính vì thế hầu hết chúng ta có thể kiếm được thu nhập từ những ngành nghề đó.
Ngoài ra, các công ty ở thời điểm hiện tại không quá quan tâm về việc tuyển dụng đúng chuyên ngành mà chú trọng đánh giá khả năng, kỹ năng và thái độ của ứng viên nhiều hơn.
Theo bà Trần Huyền Anh - Giám đốc Văn phòng du học quốc tế, xã hội ngày nay đang có sự chuyển dịch rất nhanh về xu hướng nghề nghiệp, ví dụ: xu hướng làm việc từ offline chuyển sang online, xu hướng làm việc với máy tính, công nghệ… Chính vì vậy chúng ta cần trang bị cho mình những kỹ năng mới, kiến thức mới để có thể hòa nhập và cập nhật được với xu hướng nghề nghiệp hiện tại. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, chúng ta cần luôn luôn học hỏi, nêu cao tinh thần tự học để không bị tụt hậu để trở thành công dân toàn cầu.
Về lĩnh vực tài chính ngân hàng, ThS. Vũ Việt Dũng - Chủ tịch Key Person đã phác họa ra cho các bạn học sinh một bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đây là một lĩnh vực huyết mạch là động lực cho cả nền kinh tế. Hiện tại, cính phủ Việt Nam hiện đang lên kế hoạch để phát triển toàn diện ngành TCNH trong giai đoạn 2025 – 2030, chính vì thế nhu cầu nguồn nhân lực của ngành này là rất lớn.
Ông Trần Thế Lực - GĐ khu vực Tây Hà Nội của NH VP Bank chia sẻ, theo thống kê, lương của nhân viên làm việc trong lĩnh vực TCNH luôn nằm trong top 4 những ngành lương cao nhất trên thị trường lao động. Ông Lực cho biết các ngân hàng hiện nay ngày càng tham gia nhiều và sâu hơn và quá trình đào tạo ngành TCNH của các trường đại học, đồng thời liên kết chặt chẽ hơn với các trường đại học trong việc nhận thực tập sinh.
Ông Trần Thế Lực – Giám đốc khu vực Tây Hồ ngân hàng VP Bank. |
Ông Lực cũng tiết lộ rằng hiện tại, nhiều ngân hàng thậm chí còn có ý định xây dựng trường đại học của riêng mình. Các ngân hàng đang thực hiện tất cả những hoạt động này nhằm chủ động xây dựng lực lượng lao động có năng lực, chất lượng và hiệu quả cho những hoạt động kinh doanh của chính mình.
Về hoạt động đào tạo về Tài chính cá nhân, NCS, ThS. Lê Tuấn Anh cũng đã đem đến một bài học rất bổ ích cho các bạn sinh viên về quản lý tài chính cá nhân. Theo khảo sát, người châu Á thường không quá quan tâm và gặp nhiều vấn đề trong việc quản lý tài chính cá nhân, trong khi đó việc dạy về tài chính cá nhân được các nước phương Tây chú trọng đào tạo từ những năm học sinh còn ở lứa tuổi THPT.
Hiện tại, ở Việt Nam mới có rất ít trường đào tạo về mảng này, và Đại học Đại Nam là một trường vinh dự đi tiên phong trong lĩnh vực giảng dạy đó. Theo ThS. Lê Tuấn Anh, để hạnh phúc, con người chúng ta ngoài việc tận hưởng cuộc sống còn cần phải có sự tính toán và đảm bảo an toàn về tài chính về lâu dài. An toàn tài chính và sau đó là tự do tài chính sẽ giúp chúng ta giải quyết những nhu cầu thiết yếu của bản thân và sau đó là đảm bảo sự an toàn và giúp chúng ta thỏa mãn những nhu cầu cao hơn trong cuộc sống.
NCS, ThS. Lê Tuấn Anh – Giảng viên bộ môn Tài chính cá nhân, Đại học Đại Nam. |
Để có được tự do tài chính, chúng ta cần quan tâm đến các yếu tố về việc chia ngân sách hợp lý cho hoạt động thiết yếu, tiết kiệm và đầu tư. Về cách thiết lập kế hoạch tài chính, ThS. Lê Tuấn Anh đã giới thiệu phương pháp “6 chiếc lọ” với những tỷ lệ phù hợp trong ngân sách: quỹ thiết yếu (55%), quỹ đầu tư (10%), quỹ giáo dục (10%), quỹ tiết kiệm (10%), quỹ hưởng thụ (10%) và quỹ thiện tâm (5%) phù hợp với mục đích của tên gọi của những quỹ này.
Quỹ tiết kiệm là quỹ giúp chúng ta có thể có được sự an tâm về tài chính. Trong khi đó, quỹ giáo dục giúp chúng ta có được nguồn thu cao hơn trong tương lai bởi vì đầu tư vào bản thân là một trong những loại đầu tư đáng giá nhất. Ngoài ra, với quỹ đầu tư, nếu chúng ta biết lợi dụng lãi suất kép từ sớm, chúng ta có thể khiến tiền đẻ ra tiền và thu được lượng lợi nhận lớn trong tương lai.
Trong chương trình, các bạn sinh viên khoa TCNH của trường Đại học Đại Nam cũng đem đến cho các học sinh THPT Xa La những góc nhìn rất bổ ích về đời sống, các hoạt động về chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư cho sinh viên để các em có thể chuẩn bị cho mình tâm thế tốt nhất về tài chính khi lên đại học.