Hơn 70% cơ sở giết mổ không đủ điều kiện hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa đưa ra con số khá giật mình khi đến nay cả nước vẫn còn hơn 24.600 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Trong đó, có gần 17.300 cơ sở (trên 70%) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.

Theo Cục Thú y, hiện cả nước có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung hoạt động với công suất mỗi năm trên 349.000 trâu bò, 8,7 triệu con lợn và 78,6 triệu gia cầm.

Các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp đều do các tập đoàn, công ty quy mô lớn hoặc liên doanh với nước ngoài đầu tư bài bản. Các cơ sở này đều giết mổ trên dây chuyền công nghiệp, quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến hiện đại, có hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm động vật sau khi giết mổ, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, đến nay cả nước vẫn còn 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ 7.362 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số còn lại 17.292 cơ sở (trên 70%) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Thú y - cho rằng, việc còn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chưa đảm bảo điều kiện, chưa được cấp phép là do chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức. Điển hình như các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương...

"Những địa phương này đều không phải tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế không phải khó khăn, nhưng đến nay vẫn có trên 1.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Ngược lại, một số địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Phước, Cần Thơ không có cơ sở giết mổ nhỏ lẻ", lãnh đạo Cục Thú y cho hay.

Hơn 70% cơ sở giết mổ không đủ điều kiện hoạt động ảnh 1

Đến nay 70% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ cả nước chưa được cấp phép, chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Nguyên nhân tình trạng này là do các đơn vị gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giết mổ động vật như kinh phí đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, bố trí địa điểm khó khăn, thủ tục thuê đất phức tạp, chi phí sản xuất lớn…

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của thành phố rất lớn, khoảng 800-900 tấn/ngày. Trong khi đó, tổng lượng thịt gia súc, gia cầm hàng ngày từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn thành phố đạt trên 400 tấn/ngày, cộng thêm nguồn thịt nhập vào Hà Nội được kiểm dịch khoảng trên 150 tấn/ngày, chỉ tương đương 60% nhu cầu lượng thịt tiêu thụ tại thị trường Hà Nội được kiểm soát nguồn gốc ngay từ cơ sở. Còn lại, do các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ cung cấp ra thị trường.

“Các cơ sở này chủ yếu thực hiện theo phương thức thủ công. Đa số các điểm, hộ giết mổ này đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động nên nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cao”, ông Tường cho biết.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Cục Thú y đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần rà soát, phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh, trong đó mỗi huyện phải có ít nhất 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung. Đồng thời các bộ, ngành cần tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn và đất đai… để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung.

MỚI - NÓNG