Hòn đá kỳ lạ, dùng búa tạ cũng không thể đập vỡ

0:00 / 0:00
0:00
Trong tự nhiên, không thiếu những vật thể kỳ lạ mà nguồn gốc của nó có thể khiến chúng ta cảm thấy bất ngờ.
Hòn đá kỳ lạ, dùng búa tạ cũng không thể đập vỡ ảnh 1
"Vật thể lạ" ở Maryborough sau khi đã được cắt lát để nghiên cứu (Ảnh: Bảo tàng Melbourne).

Năm 2015, David Hole, một nhà địa chất, tình cờ tìm thấy một tảng đá kỳ lạ với khối lượng rất nặng, màu nâu đỏ, nằm bên dưới lớp đất sét màu vàng ở khu vực Công viên Maryborough thuộc Melbourne, Australia.

Hole cho rằng đây là một cục vàng, nên ông đã mang tảng đá về nhà. Thế nhưng bất chấp mọi phương pháp nhằm khám phá cấu trúc bên trong, tảng đá vẫn "trơ trơ" như không thể xuyên phá.

Được biết, Hole đã thử dùng cưa đá, máy mài góc, máy khoan, thậm chí nhúng vật thể kỳ lạ vào axit sunfuric cực mạnh. Thế nhưng, ngay cả một chiếc búa tạ cũng không thể tạo ra vết nứt dù là nhỏ nhất.

Hole bỏ cuộc và "bỏ xó" tảng đá trong nhiều năm, cho tới khi phát hiện ra rằng nó là một thiên thạch quý hiếm, có tuổi trên 4,6 tỷ năm, bị rơi xuống bề mặt Trái Đất, nhờ sự vào cuộc của một nhóm nghiên cứu đến từ Bảo tàng Melbourne.

Sau khi dùng máy khoan kim cương để cắt một lát nhỏ trên tảng đá, các nhà nghiên cứu phát hiện ra thành phần của nó có tỷ lệ sắt rất cao, cùng những giọt khoáng chất kim loại nhỏ kết tinh được gọi là chondrule. Điều này đã lý giải cho trọng lượng đáng kinh ngạc - lên tới 17kg - của nó.

Hòn đá kỳ lạ, dùng búa tạ cũng không thể đập vỡ ảnh 2

Một lát cắt từ thiên thạch Maryborough (Ảnh: PRSV).

Việc xác định niên đại bằng carbon cho thấy thiên thạch đã ở trên Trái Đất từ 100 đến 1.000 năm, và có thể cung cấp cái nhìn thoáng qua về phần bên trong sâu thẳm của hành tinh chúng ta.

Các nhà khoa học cho rằng thiên thạch đặc biệt này có thể đã xuất phát từ vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, rồi sau đó bay tới Trái Đất.

"Nghiên cứu các thiên thạch là hình thức khám phá không gian rẻ nhất, có thể đưa chúng ta quay ngược thời gian, cung cấp manh mối về tuổi tác, sự hình thành và tính chất hóa học của Hệ Mặt Trời, bao gồm cả Trái Đất", Dermot Henry, nhà địa chất của Bảo tàng Melbourne, cho biết.

Các nhà nghiên cứu cho rằng thiên thạch này hiếm hơn vàng rất nhiều, nên nó có giá trị đặc biệt cao đối với khoa học.

Đây là một trong 17 thiên thạch từng được ghi nhận ở bang Victoria của Australia, và là khối thiên thạch lớn thứ hai, sau mẫu vật khổng lồ nặng 55 kg được xác định vào năm 2003.


Link gốc: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/hon-da-ky-la-dung-bua-ta-cung-khong-the-dap-vo-nguon-goc-bat-ngo-20231127081833160.htm?

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG