Hơn một giờ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại học danh tiếng Georgetown

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngay sau khi đặt chân tới Washington D.C (Mỹ) vào sáng 19/9 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới trường Đại học Georgetown, một trong những trường đại học lâu đời và danh tiếng ở Mỹ, và có bài phát biểu về chính sách tại đây. Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ, Thủ tướng nhấn mạnh, việc nâng cấp quan hệ hai nước phụ thuộc lợi ích, mong muốn của nhân dân hai nước.

Việt Nam chọn hướng đi phù hợp với hòa bình, hợp tác và phát triển

Phát biểu chào mừng, Giáo sư Joel Hellman – Hiệu trưởng Trường Ngoại giao Edmund A. Walsh (Đại học Georgetown) cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới tham dự và có bài phát biểu tại đây là một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa của Đại học Georgetown, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ vừa qua đã xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Hơn một giờ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại học danh tiếng Georgetown ảnh 1

Khuôn viên cổ kính của Đại học Georgetown - một trong những trường đại học lâu đời và danh giá bậc nhất nước Mỹ. Ảnh: Hà Nhân

Tại thư viện cổ kính của Đại học Georgetown - một trong những trường đại học lâu đời và danh giá bậc nhất nước Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Tôi rất vui khi đến ngôi trường có truyền thống lâu đời và có kiến trúc đặc biệt ấn tượng. Trong không khí này, rất dễ có cảm xúc khiến chúng ta thăng hoa".

Bài phát biểu kéo dài một giờ đồng hồ tại thư viện của Đại học Georgetown của Thủ tướng đã gây được ấn tượng mạnh và cảm xúc cho nhiều người dự. Trong bài phát biểu, Thủ tướng tập trung 3 nội dung chính: Thế giới hiện nay thế nào? Mục tiêu, một số chính sách lớn của Việt Nam; Chúng ta phải làm gì để hiện thực hoá quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới?

Hơn một giờ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại học danh tiếng Georgetown ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách tại Đại học Georgetown

Nhắc lại cách đây hơn một tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam, cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, Thủ tướng cho rằng, quan hệ Việt Nam – Mỹ sau 48 năm kể từ 1975 đã có bước tiến dài, từ chiến tranh, hận thù đến bình thường hoá quan hệ năm 1995, ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (năm 2001); thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (năm 2013) và nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (2023).

Điều này cho thấy tinh thần gác lại quá khứ, hướng đến tương lai, vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững; hiện thực hoá tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người anh hùng dân tộc vĩ đại của nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới, trong Thư gửi Tổng thống Mỹ Truman ngày 16/02/1946 đã bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đầy đủ với Mỹ.

Khái quát là tình hình thế giới, Thủ tướng cho rằng, yếu tố thuận lợi như hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… đã mở ra nhiều cơ hội mới.

Nhưng bên cạnh đó, thế giới vẫn còn không ít khó khăn phải đối mặt. Tổng thể tình hình thế giới vẫn hòa bình nhưng cục bộ có chiến tranh, tổng thể hòa hoãn nhưng cục bộ căng thẳng, tổng thể ổn định nhưng cục bộ có xung đột.

"Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa phát triển và tụt hậu, giữa độc lập và phụ thuộc trở nên mong manh hơn rất nhiều", Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.

Thủ tướng cho biết kinh tế toàn cầu đang chứng kiến 6 "cơn gió ngược". Và Ngân hàng Thế giới cũng phát đi cảnh báo về một thập kỷ mất mát, nhiều mục tiêu phát triển bền vững bị đẩy lùi, khó có thể hoàn thành vào năm 2030.

Bên cạnh đó là khủng hoảng về năng lượng và an ninh lương thực khi giá dầu, giá gạo tăng cao. Đặt vấn đề về cách giải quyết những khủng hoảng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng câu chuyện của Việt Nam.

Đó là trong xu thế giá gạo bị đẩy lên cao, là một nước xuất khẩu gạo với lượng xuất khẩu đã lên tới hơn 6 triệu tấn, Việt Nam nếu vì lợi nhuận có thể dừng xuất khẩu, chờ giá gạo tiếp tục tăng.

"Nhưng không, chúng tôi là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, chúng tôi xác định phải góp phần giảm giá gạo bằng giải pháp phù hợp với Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam chọn hướng đi phù hợp với hòa bình, hợp tác và phát triển.

Bảy nội dung cụ thể hoá nâng cấp quan hệ Việt- Mỹ

Để hiện thực hoá quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng đề xuất một số quan điểm. Theo đó, khuôn khổ mới cũng đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới, cách thức mới để tạo ra những đột phá mới, và đạt được những thành quả mới.

Thủ tướng cho rằng hai bên cần tập trung cụ thể hoá việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững thành những chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, dự án, hoạt động hợp tác kinh doanh cụ thể, trong đó chú trọng những nội dung chủ yếu:

Thứ nhất, tiếp tục quan tâm và ưu tiên dành nguồn lực để hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước. Việt Nam mong muốn Mỹ hỗ trợ để góp phần hiện thực hoá định hướng xây dựng "một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng" như hai bên mong muốn.

Thứ hai, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, chính giới và nhân dân hai nước. Tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên hơn, giữa các kênh nghị viện, giữa các chính đảng, mở rộng trao đổi, đối thoại trên các lĩnh vực cùng quan tâm; thúc đẩy hơn nữa hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân.

Hơn một giờ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại học danh tiếng Georgetown ảnh 3

Bài phát biểu kéo dài một giờ đồng hồ tại thư viện của Đại học Georgetown của Thủ tướng đã gây ấn tượng mạnh và cảm xúc cho nhiều người dự. Ảnh: Nhật Bắc

Thứ ba, tiếp tục coi hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là động lực chủ yếu và là "động cơ vĩnh cửu" thúc đẩy quan hệ song phương. Hoa Kỳ quan tâm hơn nữa, hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư phát triển các dự án lớn, nhất là công nghiệp chế tạo và mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Về phần mình, Việt Nam sẽ nỗ lực triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, sẵn sàng trao đổi, phối hợp để tạo những điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của Mỹ tại Việt Nam.

Thứ tư, sớm hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác mới, làm cơ sở thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác. Xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực mang tính đột phá, không giới hạn. Tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm: Nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm; đào tạo sinh viên và nguồn nhân lực chất lượng cao…

Thứ năm, hai bên tiếp tục hợp tác hiệu quả về quốc phòng, an ninh, nhất là trên các lĩnh vực thực thi pháp luật, chống khủng bố, đào tạo quân y, cứu trợ cứu nạn, nâng cao năng lực hàng hải và hàng không, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tiếp tục thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn và tìm kiếm người mất tích.

Thứ sáu, Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối trong thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa ASEAN, giữa các nước tiểu vùng Mekong với Mỹ và các đối tác khác; phối hợp chặt chẽ trong ASEAN, APEC, Liên hợp quốc để xử lý các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, y tế.

Thứ bảy, tăng cường thông tin, truyền thông, thực hiện chính sách hoà hợp dân tộc. Đồng thời, hai bên cần tăng cường hợp tác trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp và các cam kết quốc tế của mỗi nước, thúc đẩy tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt.

"Quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn câu nói của cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln để kết thúc bài phát biểu, đó là: "Luôn nhớ rằng quyết tâm thành công của chính bạn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác" và bổ sung thêm, "thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi và ngược lại".

Ấn tượng sâu sắc về những thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhiều đại biểu, học giả của đại học Georgetown đã có chia sẻ, bình luận và đặt câu hỏi cho Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng đã dành thời gian trao đổi với các đại biểu, trong đó làm rõ thêm về đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước, chính sách đối ngoại Việt Nam và quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế, khu vực được quan tâm.

Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ, Thủ tướng khẳng định lại đường lối đối ngoại của Việt Nam và nhấn mạnh, việc nâng cấp quan hệ hai nước phụ thuộc lợi ích, mong muốn của nhân dân hai nước.

MỚI - NÓNG