Thấy may mắn vì được làm đúng nghề
“Tôi cảm thấy may mắn vì ngay từ khi chọn con đường “làm furniture” đến giờ này vẫn được theo nghề và làm đúng nghề, trong lúc nhiều bạn bè xung quanh đã chuyển sang làm tạo dáng, thiết kế nội thất công trình v.v.”, Nguyễn Hoàng Huy tâm sự. Lúc còn là SV ĐH Kiến trúc, Huy bắt đầu thử sức với nhiều cuộc thi thiết kế nhỏ và đạt một số thành công. Cơ hội nghề đến với chàng trai này sau khi giành giải Nhì giải Hoa 2015 lúc chuẩn bị tốt nghiệp và được District 8 tuyển dụng ở vị trí Product design.
“District 8 là công ty đặt yêu cầu cao về yếu tố hiện đại trong thiết kế với ý tưởng chủ đạo mỗi sản phẩm phải có ít nhất từ 2-3 loại vật liệu kết hợp: gỗ, kim loại, bê-tông, vải, da, mây v.v. Đó là một cơ hội tốt vì ở đây tôi học hỏi khá nhiều. Trước đó, hầu như tôi chỉ quan tâm đến thiết kế, mọi yếu tố của sản xuất gần như không có”, Huy kể tiếp. Ở District 8, Huy luôn dành nửa ngày làm việc để xuống xưởng. Vừa theo dõi thợ làm mẫu, vừa tự tay học cắt gỗ, chà nhám, khoan cắt mộng v..v. để trau dồi kỹ thuật và hiểu hơn về sản xuất.
Tác phẩm đầu tiên tại District 8 là Salk Sofa với thiết kế hiện đại với mặt bằng gỗ Sồi kết hợp bê-tông, vải và da được thực hiện bằng các kỹ thuật thủ công truyền thống. Bộ sưu tập Salk còn có Salk Desk với gỗ kết hợp bê tông, kim loại với quan tâm đến trải nghiệm người dùng khi thiết kế bộ phận treo dây sạc (vào thời điểm Iphone 6 ra đời), hướng đến nhóm khách hàng có thu nhập tầm trung trở lên. Nhưng nổi bật là Salk Expanding table, tác phẩm đoạt giải tại Trình diễn sản phẩm phòng ăn tại Hội chợ International Furniture Fair Singapore (IFFS) 2017 và có rất nhiều khách hàng Âu, Mỹ.
Sau 2 năm ở D8, Huy chuyển sang Curator9102. Ở đây, chàng trai học thêm nhiều về thiết kế Intertior, kiến trúc. Sau Curator9102, Huy làm việc cùng Elek, một công ty chuyên về đèn và thiết bị chiếu sáng. “Tuy nhiên, có lẽ đam mê và duyên với thiết kế đồ gỗ vẫn quá lớn nên tôi ngừng lại và gia nhập Trường Thành Furniture. Đây là một công ty đang có mục tiêu đẩy mạnh hàm lượng thiết kế trong sản phẩm thay vì đi theo con đường thuần gia công như đa phần các DN ngành gỗ. Tôi muốn muốn nhấn mạnh “sự may mắn” vì cả chuỗi công việc ở những nơi đi qua tôi đều làm đúng nghề”.
Giao thoa Đông - Tây
Với mỗi nhà thiết kế, từ bản vẽ đến sản phẩm và ra thị trường là một hành trình không ngừng học hỏi. Tháng 3.2019, Huy lại có dịp đến IFFS tham dự Design Stars và trưng bày bộ S003, S004 gồm bàn và kệ gắn liền tường. “Ở IFFS đó, tôi không có khách hàng nào vì giá đưa ra không phù hợp mong muốn của khách hàng. Bù lại, tôi có dịp tiếp xúc và hiểu thêm về nhu cầu của thị trường, sự phù hợp giữa mục tiêu khách hàng và cách thiết kế của mình. Giá sản phẩm mong muốn của nhà thiết kế và khách hàng phải “cùng tần số”. Công năng của sản phẩm phù hợp với quan điểm cá nhân nhưng chưa chắc đã hợp lý với số đông. Ngay cả cách đóng gói, gửi hàng và lắp ráp cũng cần sự hợp lý. Khi mang đồ đến IFFS, tôi đã đóng đến 3 thùng, rất dễ mất mát và hư hỏng”.
Định hướng mà Nguyên Hoàng Huy theo đuổi là xây dựng ngôn ngữ thiết kế đơn giản và trực tiếp. Không ngừng học hỏi và thử nghiệm để định hình phong riêng trong đó nhấn mạnh kết hợp nét đẹp Á Đông với hiện đại của phương Tây: “cá nhân tôi luôn mong muốn kết hợp từ 2 loại vật liệu trở lên trong một tác phẩm. Gỗ là chủ đạo vì Việt Nam rất mạnh về gỗ, để kết hợp với kim loại, vải, kiếng, mây tre đan, da v.v. Sản phẩm nội thất đa vật liệu sẽ là xu hướng tất yếu của nội thất gỗ để tránh sự nhàm chán, tăng đa dạng về hình thức và kết cấu”.
Con đường đó được Huy cảm nhận rõ hơn khi tham dự “Crafting Future” do Hội đồng Anh tổ chức năm 2017 và giành giải Nhì với tác phẩm “Tam Phong lounge chair”. Mục tiêu của cuộc thi là hướng đến bảo tồn văn hóa nghề truyền thống địa phương, giới thiệu các làng nghề của Việt Nam ra thế giới. Huy nằm trong số 20 nhà thiết kế trẻ được tài trợ đi khắp Việt Nam tìm hiểu về vật liệu phù hợp trong các thiết kế mới.
“Làm sao để kết hợp các vật liệu thủ công truyền thống vào nội thất? Trong đầu tôi lúc đó ngay lập tức nghĩ đến mây tre đan. Đây là nghề truyền thống và thế mạnh mà Việt Nam và Indonesia dẫn đầu? Chúng tôi tìm đến các làng nghề, tìm đến các nghệ nhân có tay nghề cao, hiểu biết về vật liệu và kỹ thuật đan có thể giữ được độ bền sản phẩm đến hàng chục năm”. Qua rất nhiều địa điểm, may mắn với Huy khi đặt chân đến làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ - Hà Nội). Đó là làng nghề thủ công với hơn 400 năm tuổi nhưng đang vật lộn để tồn tại giữa muôn vàn các lựa chọn khác tốt hơn của đời sống hiện đại.
Bộ ghế "Ngao" kết hợp gỗ, sắt và kỹ thuật đan mây ở lưng tựa.
“Người làng làm mây tre đan lát thường vào mùa nông nhàn. Đa phần nghệ nhân lớn tuổi, thanh niên ít làm. Để hoàn thành một đơn hàng có khi mất đến 4-5 tháng, tính công nghiệp không cao, rất khó để sản xuất hàng loạt đáp ứng nhu cầu thị trường. Đằng sau lớp mây đan là cả một câu chuyện dài về nghề, kỹ năng, đời sống lịch sử của nghệ nhân mà phải sờ sản phẩm vào mới cảm nhận được”.
Những ngày ở Phú Vinh, Huy càng thích thú khi vô tình phát hiện trong nhà một người dân chiếc ghế gỗ đan mây có tuổi đời đến 60 năm nhưng những sợi mây đan vẫn vẹn nguyên chắc, đẹp, nước màu nâu óng thời gian. Sự bền chặt đó là nhờ kỹ thuật đan riêng biệt của làng Phú Vinh. Chi tiết này đã gây cảm hứng để Huy bắt tay vào thiết kế “Tam Phong lund chair”. Tác phẩm lấy ý tưởng là bối cảnh thời Đông Dương với những chiếc ghế của người Pháp giao thoa với các đường nét và yếu tố hiện đại. Khung bằng gỗ, mặt ghế đan bằng mây. Trong vòng 20 ngày từ khi có ý tưởng đến bản vẽ hoàn chỉnh và hoàn thiện. Tam Phong lund chair giành giải Nhì Crafting Future. Tác phẩm được trưng bày tại Hội chợ VIFA Expo và có khá nhiều khách Mỹ tìm mua, đúng như đích ngắm của tác giả.
Kết hợp nét đẹp Việt vào thiết kế được Huy đặc biệt yêu thích. Điều đó thể hiện qua các tác phẩm lấy cảm hứng và đặt tên thuần Việt: đèn treo Quai Thao (lấy ý tưởng từ nón quai thao), ghế Tam Phong, Thiên Ấn – Yên Tử, Ba Vì –Túy Vân, Sơn Chà v.v.Theo Huy, chỉ cần có một vài yếu tố truyền thống trong tổng thể tác phẩm có thể mang giá trị mới hoàn toàn phù hợp với thị trường, sự cách tân.
Huy nói về con đường của mình: “Tôi cảm giác có một sự đánh đố bản thân sau khi tham dự cuộc thi Crafting Fututre: người Việt nếu không mang được yếu tố Việt vào sản phẩm để đến thị trường quốc tế sẽ là một sơ sót. Người Việt khó làm được các thiết kế Mỹ như người Mỹ và không thể giỏi làm đồ “Scandinavi” như người bản xứ. Vậy thì cứ làm đồ Việt với tác phẩm rất Việt”.