Họp báo kết thúc thi tốt nghiệp THPT: Nóng xử lý lọt đề Toán, Văn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Buổi họp báo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi. 

Hơn 17 giờ chiều ngày 29/6, Bộ GD&ĐT bắt đầu tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan về Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi chủ trì cuộc họp.

Buổi họp báo còn có sự tham dự của Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục A03, Bộ Công An.

Mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thông tin, kỳ thi diễn ra trên quy mô toàn quốc, hơn 1 triệu thí sinh dự thi, hơn 250.000 cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi trong 2 ngày đã hoàn tất.

Kỳ thi có 41 thí sinh vi phạm Quy chế

Báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT về kỳ thi cho thấy, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là: 1.024.063. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104, chiếm 5,58%. Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769, chiếm 4.66%. Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.155, chiếm 3.33%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 566.921, chiếm 55,30%.

Họp báo kết thúc thi tốt nghiệp THPT: Nóng xử lý lọt đề Toán, Văn ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi chủ trì cuộc họp. Ảnh: Như Ý

Tổng số Điểm thi là 2.272; tổng số phòng thi: 43.032. Các Điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Tổng số thí sinh dự thi: 1.012.398 đạt tỷ lệ 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, môn Ngữ văn: 99,65 %; Toán: 99,63%; Khoa học Tự nhiên: 99.72%; Khoa học Xã hội: 99,62% ; Ngoại ngữ: 99.61%;

Số thí sinh vi phạm Quy chế thi: 41 thí sinh bị đình chỉ thi (Ngữ văn: 12 thí sinh, Toán: 4 thí sinh; Khoa học tự nhiên: 11 thí sinh; Khoa học xã hội: 11 thí sinh; Ngoại ngữ: 03 thí sinh. Trong đó có 01 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi).

Số cán bộ coi thi dừng thực hiện nhiệm vụ: 6 cán bộ. Cán bộ, thí sinh chủ động phát hiện các thiết bị công nghệ cao (điện thoại, đồng hồ thông minh…): 40 trường hợp. Đặc biệt, có 1 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Chưa ghi nhận tiêu cực, gian lận

Tại cuộc họp báo, về sự việc trong buổi thi môn Ngữ văn vào sáng ngày 28/6 và buổi thi môn Toán vào chiều cùng ngày, có sự việc đề thi bị chụp ảnh và gửi qua mạng.

TS Huỳnh Văn Chương, cục trưởng Cục quản lý chất lượng- Bộ GD&ĐT thông tin, ngay khi tiếp nhận thông tin trên, BCĐ Kỳ thi của Bộ GDĐT đã chủ động phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) của Bộ Công an, các BCĐ cấp tỉnh liên quan xác minh làm rõ sự việc.

2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí

Chúng tôi đã đình thỉ 2 thí sinh ở buổi thi hôm sau và do vi phạm quy chế thi, đồng thời tạm dừng nhiệm vụ coi thi đối với các cán bộ liên quan.

Họp báo kết thúc thi tốt nghiệp THPT: Nóng xử lý lọt đề Toán, Văn ảnh 2

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng. Ảnh Như Ý

Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức Kỳ thi.

Sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố đáp án các môn thi. Các địa phương chuẩn bị bước sang công đoạn chấm thi để công bố kết quả thi cho thí sinh. “Đánh giá chung, kỳ thi kết thúc nghiêm túc, đúng quy chế, không có thí sinh nào vì khó khăn mà phải bỏ thi”, ông Chương nói.

Đề Văn khác với đề thi thử ở Nghệ An

Liên quan đến đề thi, GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Trưởng Ban đề thi cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ đề thi năm nay giữ nguyên cấu trúc như năm ngoái, nội dung nằm trong chương trình lớp 12, không ra phần giảm tải, vượt quá chương trình và đề có tính phân hoá.

Họp báo kết thúc thi tốt nghiệp THPT: Nóng xử lý lọt đề Toán, Văn ảnh 3

GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - Trưởng Ban đề thi

Ông nói thêm, năm nay lần đầu tiên Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Công an đưa vào quy trình kiểm soát trùng lặp nội dung câu hỏi bằng phần mềm công nghệ thông tin. Tổng dữ liệu đưa vào 120 GB để tìm kiếm được thông tin trên mạng, thông tin các cơ sở gửi tới; sử dụng phần mềm đối sánh…cho cả 15 môn. Cả 15 môn sử dụng cách thức này đã hạn chế rất nhiều sự trùng lặp tuy nhiên hiệu quả biện pháp này phụ thuộc vào dữ liệu hiện có.

Cũng theo GS Hà, với đề thi thử ở Nghệ An có ngữ liệu trùng với đề thi Ngữ văn kỳ thi Tốt nghiệp THPT nhưng lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau. Điều này bình thường với phần làm văn. Có tổng cộng 17 tác phẩm trong chương trình trong đó có 2 tác phẩm không thuộc nội dung ra đề. “Do đó, nội dung đề thi không thể ra khác ngoài 15 tác phẩm trong khi 63 tỉnh thành phố đều có 2-3 lần thi thử, dữ liệu trùng lặp khó tránh khỏi. Tuy nhiên, kể cả đề thi thử của Hà Nội cũng có ngữ liệu và lệnh hỏi khác nhau”

Đối với vấn đề Văn mẫu, trong đề có đọc hiểu và làm văn. Đọc hiểu được sử dụng ngữ liệu không nằm trong chương trình. Trong các đề thi, phần đọc hiểu tổ ra đề luôn hướng tới những nội dung liên quan thiết thực các vấn đề xã hội, thời sự, hay có tính giáo dục…

Vì sao vẫn để lọt đề thi?

Trước câu hỏi của phóng viên: Sao chúng ta có nhiều cuộc tập huấn về chống gian lận công nghệ cao nhưng kì thi năm nay vẫn để lọt đề thi?

Ông Huỳnh Văn Chương khẳng định, việc lọt đề thi thì vẫn có những vấn đề cá biệt, Bộ GD&ĐT cầu thị và lắng nghe để cải tiến về chống gian lận trong kì thi.

Vấn đề lộ đề hai thí sinh vi phạm quy chế thi là sử dụng điện thoại trong phòng thi, ông Chương cho biết, Bộ công an tiếp tục điều tra rồi sẽ xử lý đúng theo quy định.

Câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp báo: Có nên trả kỳ thi này về cho các địa phương thì những sự cố này không ảnh hưởng đến kỳ thi của cả nước?

Quy trình làm đề thi, ngân hàng câu hỏi đã được chuẩn hoá hay chưa khi năm nào cũng có những vấn đề gây tranh cãi về đề dễ, đề khó cũng như sự cố lộ, lọt đề?

Báo giới tiếp tục chất vấn, năm ngoái cũng có hiện tượng lọt đề, năm nay lại tiếp tục, không chắc năm sau việc này có chấm dứt. Bộ có cách thức ra đề như thế nào để thí sinh không còn gian lận?

Hai thí sinh chụp ảnh đề sẽ bị xử lý như thế nào ngoài việc đình chỉ?

Đề địa lý có đáp án chưa chuẩn?

Trước câu hỏi của phóng viên có câu 79 trong mã đề 324 của môn Địa lý sẽ không có đáp án đúng? Về vấn đề này Bộ GD&ĐT có nắm được vấn đề này chưa?

Về vấn đề này GS Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, vấn đề này Ban chỉ đạo chưa nắm được và sẽ trả lời sau. Vì trên nguyên tắc khi có ý kiến thì chúng tôi tiếp nhận sau đó đưa thông tin cho ban ra đề thi kiểm tra một cách thận trọng.

Đề năm nay có cấu trúc như năm ngoái

Đối với việc ra đề thi, GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Trưởng Ban đề thi nói rằng, nguyên tắc của việc ra đề là tập trung vào tính công bằng để kết hợp coi thi, chấm thi cho thí sinh. Tính công bằng được thể hiện ở sự phân hoá được thí sinh. Đội ngũ thầy cô ra đề là những chuyên gia nhưng khi vào trại đề chúng tôi tập huấn lại 4 cấp độ thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Cơ bản đề giữ cấu trúc như năm ngoái, trong đó 50% mức độ 1, 25% mức độ thông hiểu, 25% cho vận dụng và vận dụng cao. Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng tập huấn kỹ để đề tránh lúc khó, lúc dễ khó phân loại thí sinh.

Ngoài ra, chúng tôi có sử dụng phần mềm và có cơ sở dữ liệu đối sánh tránh trùng lặp. Chỉ vài giây có thể loại bỏ được sự khác biệt. Môn Ngữ văn cũng là một trường hợp cụ thể, nếu không sử dụng phần mềm sự trùng lặp có thể lớn hơn.

Đối với đề thi của Nghệ An, ông Hà cho hay, đề thi không tìm thấy trên mạng nên Ban ra đề không có ngữ liệu để đối sánh.

Ông Hà cho hay quy trình ra đề phải đảm bảo công tác bí mật. Tuy nhiên quan trọng nhất là đảm bảo công bằng và phân hóa.

"Vấn đề bảo mật ngân hàng, ngân hàng ấy thuộc bí mật cấp Bộ. Người giới thiệu đề, lựa chọn đề là khác nhau. Chúng tôi rút kinh nghiệm từ quy trình cũ đã xảy ra vụ việc đề thi môn Sinh học năm 2021. Do đó, ngân hàng xây dựng theo hướng mới, người lựa chọn câu hỏi và xây dựng câu hỏi khác nhau", ông Hà nói.

Lí do Bộ GD&ĐT chưa đưa kỳ thi về cho địa phương

Họp báo kết thúc thi tốt nghiệp THPT: Nóng xử lý lọt đề Toán, Văn ảnh 4
PGS.TS Huỳnh Văn Chương: "Khâu ra đề rất vất vả"

PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp tổ chức trên diện rộng phải đảm bảo kiến thức trong khung chương trình. Việc phân cấp kỳ thi về cho các địa phương, Bộ GD&ĐT đã cân nhắc rất nhiều.

Bởi trong các công đoạn, ra đề thi là khâu khó nhất, đảm bảo tính công bằng, đánh giá chất lượng thí sinh vùng núi, đồng bằng là rất khó khăn.

Khâu ra đề vất vả, huy động lực lượng rất lớn nếu giao về cho các địa phương công tác tổ chức sẽ cồng kềnh hơn rất nhiều.

Lọt đề không ảnh hưởng tới kỳ thi

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng cục A03, Bộ Công an chia sẻ: báo chí, dư luận hiện đang rất quan tâm đến vụ việc ảnh đề thi được đẩy ra bên ngoài, người tiếp nhận bên ngoài và có giải được hay không, sử dụng thiết bị cao như thế nào, lực lượng công an có giải pháp gì?…

Ông Chung trao đổi, 2 thí sinh gửi ra bên ngoài đã được nhanh chóng xác minh và đã xác minh được người nhận đề bên ngoài. Hiện tại có thể khẳng định lời giải không chuyển vào được phòng thi và không ảnh hưởng đến kỳ thi.

Họp báo kết thúc thi tốt nghiệp THPT: Nóng xử lý lọt đề Toán, Văn ảnh 5
Thiếu tướng Trần Đình Chung

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Trần Đình Chung khẳng định thời gian tới, sử dụng thiết bị công nghệ cao chắc chắn sẽ tiếp tục. Trước kỳ thi, Bộ Công an phối hợp với địa phương triệt phá 2 vụ mua bán sử dụng công nghệ cao. Do đó, giải pháp được ông Trung đưa ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thí sinh, gia đình biết được hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao gian lận thi cử là vi phạm pháp luật.

Cũng cần nghiên cứu thiết bị chống, phát hiện thiết bị công nghệ cao giấu trong người. Tổ chức huấn luyện, tập huấn nâng cao khả năng phát hiện sử dụng công nghệ cao.

Còn về việc xử lý hai thí sinh có hành vi gửi ảnh đề thi ra ngoài, ông Chung cho hay sẽ căn cứ vào kết quả xác minh, đánh giá mức độ xảy ra, xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đặc biệt mức độ hành vi có đến mức xử lý hình sự thì sẽ xử lý còn không xử phạt hành chính. “Phải xem xét đánh giá trước khi xử lý, đánh giá nhân văn trong vấn đề này. Tiếp tục thẩm tra xác minh, kết quả được thông báo đến cơ quan báo chí”, Thiếu tướng Trần Đình Chung nói.

Không nên bàn việc Bộ có muốn "ôm" kỳ thi

Kết luật buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá kỳ thi tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế. Về vấn đề gian lận thi, ngay từ đầu Ban chỉ đạo thi đã xác định, năm nay việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi sẽ phức tạp và có giải pháp ngăn chặn. Việc thí sinh vi phạm quy chế ở các mức độ khác nhau, lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ về kỳ thi tổ chức tại địa phương. Khi kiểm tra chúng tôi đánh giá, việc chuẩn bị của các địa phương chu đáo, toàn diện, lực lượng công an phối hợp hỗ trợ bảo vệ đề thi, kỳ thi an toàn.

Họp báo kết thúc thi tốt nghiệp THPT: Nóng xử lý lọt đề Toán, Văn ảnh 6

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thưởng cũng khẳng định, bên cạnh những việc đã làm được vẫn có những điều đáng tiếc xảy ra. Có tới 41 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó có tới 40 trường hợp mang điện thoại vào phòng thi, 2 trường hợp dùng điện thoại chụp đề ra ngoài, 38 trường hợp còn lại cán bộ coi thi ngăn chặn được. Điều đó cho thấy tính chất phức tạp của việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi.

Liên quan đến đề thi, Thứ trưởng khái quát, năm nào cũng có rất nhiều ý kiến. Đây là nội dung hết sức quan trọng thuộc trách nhiệm của Bộ. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm, tích lũy nhiều năm và năm nay tiếp tục phát huy và củng cố, triển khai thêm.

Ban ra đề thi gần 100 cán bộ ở khắp các cùng miền thực hiện chuyên môn trong vòng gần 1 tháng.

Đề thi được đánh giá độ tin cậy cao, đảm bảo về cấu trúc, phân hoá. Bộ cũng đã lắng nghe ý kiến từ dư luận và tiếp tục hoàn thiện hơn.

Liên quan đến câu hỏi, Bộ GD&ĐT có "ôm" kỳ thi tốt nghiệp THPT, đến khi nào trả về cho địa phương. Thứ trưởng cho rằng, về thời điểm phân cấp kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, hiện Bộ chưa tính tới.

Kỳ thi hiện đang thực hiện theo phương thức 3 chung: chung đề, chung đợt, chung kết quả với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học (tỷ lệ 60%).

Tính chất kỳ thi như vậy, nếu giao về các tỉnh sẽ khó đảm bảo sự công bằng khi nơi ra đề thi dễ, tỉnh ra đề khó. Như vậy sẽ rất khó để đánh giá được năng lực thí sinh và đảm bảo công bằng trong xét tuyển. Ngoài ra, còn cần tính toán tới vấn đề về kinh tế, xã hội. Cùng với đó, hiện kỳ thi cũng đã có sự phân cấp về địa phương rất cao, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.

"Không nên bàn việc Bộ có muốn "ôm" kỳ thi không vì có muốn ôm mà chỉ đạo của trên, của Chính phủ không như vậy thì cũng chịu", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho hay, ngay ngày mai 30/6 công tác chấm thi sẽ được tiến hành.

MỚI - NÓNG