Hợp tác công nhận tín chỉ, chương trình đào tạo: Cửa đã mở nhưng ít trường vào

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời gian qua, một số trường đại học (ĐH) đã kí kết thỏa thuận hợp tác đào tạo, công nhận tín chỉ của nhau. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn chưa có nhiều thay đổi, trong khi đó, các trường tập trung hướng đến trao đổi sinh viên với các trường nước ngoài.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM vừa thông báo trên website trường về việc đăng kí tham gia học tập trao đổi chính thức tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong học kỳ đầu năm 2024. Thời gian học tập lí thuyết từ ngày 18/12/2023 đến ngày 21/4/2024. Thời gian thi kết thúc học phần từ ngày 22/4 - 12/5/2024. Sinh viên đăng kí thuộc năm thứ 2, thứ 3. Học phần đăng kí học tập trao đổi thuộc danh mục công nhận học phần tương đương giữa hai trường và có trong chương trình đào tạo chính khóa của sinh viên.

Quyền lợi của sinh viên khi tham gia trao đổi được ghi nhận kết quả đánh giá rèn luyện, kết quả đánh giá sinh hoạt Đảng, Đoàn - Hội trong thời gian trao đổi; được công nhận chuyển điểm các học phần tham gia học tập tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tương ứng với các học phần tương đương tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Học kì này, sinh viên được đăng kí 27 học phần và 3 tín chỉ/học phần.

Hợp tác công nhận tín chỉ, chương trình đào tạo: Cửa đã mở nhưng ít trường vào ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội giao lưu với sinh viên Trường ĐH Khoa học Islam Malaysia Ảnh: Thanh Phong

Tháng 10/2022, 10 trường ĐH khối ngành Kinh tế (trong đó có Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM) kí biên bản thỏa thuận hợp tác về hoạt động đào tạo, trao đổi sinh viên và đảm bảo chất lượng. Với chương trình chính quy, sinh viên các trường này được đăng kí học tập 1 - 2 học kỳ ở các đơn vị trong nhóm, mỗi kỳ từ 12 đến 25 tín chỉ.

Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng cũng cho phép sinh viên trao đổi học tập, nghiên cứu. Các trường sẽ tổ chức các khóa trao đổi theo hình thức dài hạn hoặc ngắn hạn. Với khóa dài hạn (một học kỳ tương ứng khoảng 20 tuần), sinh viên được đăng kí tối đa 15 tín chỉ. Với các khóa ngắn hạn (học kỳ hè tương ứng từ 6 đến 8 tuần), sinh viên có thể đăng kí học tập 1 - 2 học phần. Ngoài thời gian lên lớp, sinh viên có thể tham gia thực tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giảng viên trường tiếp nhận.

Tuy việc trao đổi sinh viên không có sức hấp dẫn nhưng ông Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng nhu cầu giao lưu văn hóa giữa các trường vẫn rất cần. ĐH Bách khoa Hà Nội thời gian tới sẽ lưu ý tới nội dung này để tạo sân chơi cho giảng viên.

Nhiều trường ĐH khác không kí kết hợp tác theo nhóm trường mà thỏa thuận với các trường có nhiều đặc điểm tương đồng về vị trí địa lí, nhóm ngành đào tạo. Ví dụ, Trường ĐH Nha Trang thỏa thuận hợp tác và đào tạo, công nhận tín chỉ với Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH Kiên Giang, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Các ngành được ưu tiên hợp tác, công nhận tín chỉ thuộc lĩnh vực Du lịch, Công nghệ thực phẩm, Thủy sản…

Gần nhất là thỏa thuận hợp tác giữa ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Huế. Hai ĐH sẽ phối hợp thực hiện các nội dung gồm đào tạo ĐH và sau ĐH; đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học đa ngành, trao đổi giảng viên; xây dựng, chia sẻ chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH tiến đến công nhận tín chỉ lẫn nhau; tham gia các chương trình đào tạo quốc tế, trao đổi sinh viên.

Không có sức hấp dẫn với sinh viên

Tuy đã kí kết biên bản thỏa thuận hay biên bản hợp tác nhưng thực tế, chương trình trao đổi sinh viên chưa thực sự có sức hút đối với sinh viên cũng như chưa tạo thành nhu cầu tự thân của các trường ĐH. Khảo sát của phóng viên tại một số trường có kí kết hợp tác với các trường trong nước cho thấy gần như không có thông tin về trao đổi sinh viên. Thông tin chủ yếu được cập nhật tới sinh viên là trao đổi học tập tại các cơ sở nước ngoài. Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội (có tham gia kí kết trong 10 trường kinh tế) thông báo chương trình trao đổi sinh viên tại 10 trường ĐH nước ngoài học kỳ II năm học 2023-2024 với 28 chỉ tiêu.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa đã kí kết trao đổi sinh viên nhưng chưa triển khai. ĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng nhà máy thông minh để đón sinh viên của 2 trường trong nhóm nhưng cũng chưa thấy các trường báo có nhu cầu. Ông Điền nêu thực tế, nhu cầu trao đổi của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội thường hướng đến 2 nhóm.

Thứ nhất là muốn khám phá, học tập ở môi trường hiện đại hơn nên tập trung xin đi trao đổi với các trường nước ngoài.

Thứ hai là muốn trau dồi kiến thức nghề nghiệp nên muốn đến các doanh nghiệp. “Sinh viên không có nhu cầu đến học tập tại các trường ĐH có môi trường giống hoặc gần giống với trường đang học. Đây là một thực tế và đến nay, ĐH Bách khoa Hà Nội không có sinh viên đăng kí đi học tập tại 2 trường Bách khoa còn lại”, ông Điền nói.

Đồng thời khẳng định bản thân các trường cũng nhận thấy vấn đề không bức thiết, không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nên việc trao đổi sinh viên giữa các trường trong nước gần như giậm chân tại chỗ vì những nguyên nhân trên.

MỚI - NÓNG