Hợp tác giáo dục Việt Nam – New Zealand hướng đến đào tạo công dân toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Trên nền tảng quan hệ ngoại giao 45 năm và gần đây nhất là nâng cấp lên tầm đối tác chiến lược , Việt Nam và New Zealand có lịch sử lâu dài về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục . Trước các chuyển đổi trong bối cảnh đại dịch và xu hướng số hóa, New Zealand đã đề ra nhiều sáng kiến quan trọng để tiếp tục thực hiện các nội dung hợp tác giáo dục, trong đó có mục tiêu hướng đến đào tạo các thế hệ công dân toàn cầu.  

Giáo dục – cầu nối quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và New Zealand

Hợp tác giáo dục quốc tế giữa Việt Nam và New Zealand đã có quá trình phát triển lâu dài trong suốt 45 năm, khởi đầu từ Chương trình Colombo cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam theo học tại New Zealand vào những năm 1960. Gần đây nhất, vào tháng 7 năm 2020, Bộ GDĐT Việt Nam cùng Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) đã tổ chức lễ ký Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2020-2023 nhằm triển khai các sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, kế hoạch hợp tác giai đoạn mới sẽ tập trung vào các chương trình liên kết ở bậc đại học, mô hình giáo dục về đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp (blended learning), tăng cường hợp tác giữa các trường trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, cũng như các chương trình kết nối cựu du học sinh.

“Mặc dù giáo dục quốc tế gặp nhiều khó khăn trước các thách thức của đại dịch, New Zealand vẫn tiếp tục khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu giáo dục của thế kỷ 21, hướng tới đào tạo một thế hệ sinh viên tốt nghiệp được trang bị tốt về kiến thức, kiện toàn các kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu mới của thị trường toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng”, bà Tredene Dobson, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, chia sẻ tại ngày khai mạc tuần lễ Giáo dục New Zealand dành cho các Đối tác khu vực châu Á (New Zealand Partners Workshop Week – NZPWW). Tại sự kiện này, bà Tredene đã tham gia phiên thảo luận về vai trò then chốt của giáo dục trong quan hệ song phương giữa New Zealand và các quốc gia trên toàn cầu cùng ông Grant McPherson - Tổng Giám đốc Điều hành ENZ và một số Đại sứ/Cao ủy New Zealand tại Châu Á.

Hợp tác giáo dục Việt Nam – New Zealand hướng đến đào tạo công dân toàn cầu ảnh 1

Phiên trao đổi giữa Giám đốc Điều hành ENZ và 6 Đại sứ/ Cao ủy New Zealand các nước khu vực châu Á tại sự kiện NZPWW

New Zealand mang sáng kiến giáo dục toàn cầu đến Việt Nam

Cũng tại sự kiện nêu trên, ông Grant McPherson đã chia sẻ về Chiến lược Phục hồi Giáo dục Quốc tế với tổng ngân sách đầu tư lên đến 51,6 triệu đô New Zealand. Ông cho biết chiến lược dài hạn này hỗ trợ việc tái cơ cấu, phục hồi và tái thiết lĩnh vực giáo dục quốc tế. “Chúng tôi muốn xây dựng một nền giáo dục quốc tế đa dạng, bền vững và linh hoạt, như đã đề ra trong Chiến lược Giáo dục Quốc tế của New Zealand 2018-2030.” Theo đó, ENZ đã triển khai nhiều sáng kiến giáo dục, để có thể mang lại hệ giá trị đa dạng cho người học tại các nước đối tác, trong đó có Việt Nam.

Một trong những sáng kiến giáo dục tiêu biểu của New Zealand là Chứng chỉ Năng lực Toàn cầu New Zealand (NZGCC), với mục tiêu duy trì liên kết giáo dục giữa các quốc gia trong tình trạng đóng cửa biên giới. Dự án thí điểm được triển khai vào tháng 10/2020 tai Việt Nam, ENZ đã trao tặng 25 suất học bổng NZGCC cho 25 học sinh Việt Nam để học tập cùng với 26 em học sinh New Zealand. Sáng kiến NZGCC tạo ra một môi trường nơi học sinh các nước được học tập cùng nhau, chia sẻ nhiều trải nghiệm kết nối thú vị, thông qua đó học hỏi kiến thức, kỹ năng và năng lực cần thiết để sẵn sàng sinh sống, học tập và làm việc trong môi trường quốc tế.

Hợp tác giáo dục Việt Nam – New Zealand hướng đến đào tạo công dân toàn cầu ảnh 2

Dự án NZGCC thí điểm với 25 học sinh Việt Nam được trao Chứng chỉ Năng lực Toàn cầu New Zealand vào năm 2020

Dựa trên những phản hồi tích cực nhận được từ học sinh và giáo viên tham gia dự án thí điểm năm 2020, New Zealand tiếp tục triển khai NZGCC trong năm nay, và mở rộng quy mô về đối tượng tham gia ở nhiều quốc gia, trong đó tiếp tục bao gồm Việt Nam. Trao đổi về NZGCC, ông Grant McPherson nói rằng, NZGCC ban đầu được thiết kế để phát triển kỹ năng công dân toàn cầu của học sinh New Zealand, nhưng sau một thời gian triển khai, ENZ đã quyết định mở rộng kết nối học sinh bản xứ với học sinh quốc tế. Thông qua đó, những mối liên kết xây dựng được từ chương trình không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm của học sinh, mà còn thắt chặt thêm sự hợp tác giáo dục quốc tế của New Zealand và các quốc gia đối tác.

Với mục tiêu tăng cường hợp tác giáo dục quốc tế, ENZ tổ chức Tuần lễ Giáo dục New Zealand (NZPWW), sự kiện trực tuyến lớn nhất của ENZ trong năm nay dành riêng cho đối tác giáo dục tại 10 nước Châu Á (trong đó có Việt Nam), diễn ra từ ngày 14 đến 18 tháng 06 năm 2021. Tuần lễ NZPWW có sự tham gia của hơn 45 chuyên gia giáo dục và diễn giả quốc tế, sẽ mang đến cái nhìn đa chiều cho người tham dự về các lĩnh vực như chuyển đổi số trong giáo dục, xu hướng giáo dục quốc tế, và các chương trình liên kết toàn cầu giữa New Zealand và Việt Nam.

Sau tuần lễ sự kiện, độc giả vẫn có thể đăng ký tại http://bit.ly/NZPWWVietnam6 để xem lại bản thu các chương trình đã diễn ra được lưu trên nền tảng trực tuyến của sự kiện cho đến hết ngày 14/7/2021.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.