Hụt hơi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi trở lại cuộc sống bình thường mới, Công ty du lịch lữ hành Vietlife Travel, có trụ sở tại trung tâm TPHCM, tái khởi động hoạt động kinh doanh sau một thời gian “ngủ đông” vì dịch COVID-19.

Nhưng đơn vị này đã vấp phải khó khăn bởi không có người làm việc. Trước đó, do dịch kéo dài, nhiều nhân viên của công ty đã phải tản mát khắp nơi tìm việc để kiếm sống. Đến nay, do đã ổn định với công việc mới, hoặc vì lo sợ những rủi ro của nghề này có thể tái diễn nên không ai muốn trở về với công việc cũ. Công ty thông báo tuyển dụng, nhưng cả tháng qua vẫn không tìm được người phù hợp với vị trí công việc. Vì vậy, việc mở tua dịp lễ lớn vừa qua cũng như chuẩn bị cho cao điểm du lịch hè sắp tới của công ty gặp không ít trở ngại.

Nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tại TPHCM cũng đang trong tình trạng tương tự. Khi dịch bùng phát và kéo dài, phần lớn các công ty chỉ giữ lại được “bộ khung” là cán bộ lãnh đạo. Toàn bộ nhân viên còn lại, chiếm hơn 80% lao động của doanh nghiệp, đều bị cho nghỉ, hoặc buộc phải tự nghỉ để đi nơi khác tìm việc lo cho cuộc sống bản thân và gia đình.

Bức tranh về ngành du lịch hai năm trước đó rơi vào tình trạng hết sức ảm đạm với khoảng 75% lao động phải nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hay tạm nghỉ việc, làm việc cầm chừng, theo số liệu của Tổng cục Du lịch. Đây cũng là giai đoạn thất thoát nhân lực lớn chưa từng có kể từ trước đến nay của ngành này.

Sự thiếu hụt nhân lực càng rõ và trầm trọng hơn khi hoạt động du lịch trỗi dậy sau dịch. Do thiếu nhân lực, những ngày lễ lớn như giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã phải từ chối nhu cầu của khách, để cơ hội vuột qua trong tiếc nuối.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM, nhân lực của ngành du lịch thiếu và yếu không phải chỉ do dịch gây ra hoặc ở giai đoạn hiện tại. TPHCM là nơi có rất nhiều cơ sở đào tạo những chuyên môn liên quan ngành du lịch, ở nhiều cấp độ khác nhau, song ở thời điểm trước khi dịch xảy ra, nhân lực ngành du lịch đã được đào tạo chỉ chiếm khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành. Hiện tại, nhân lực có trình độ đại học chỉ chiếm 15% trong tổng số lao động trực tiếp trong ngành du lịch tại TPHCM. Phần còn lại đều là “tay ngang” hoặc có trình độ chưa tương thích với vị trí, yêu cầu công việc.

Ở các địa phương khác, tình trạng này cũng không khả quan hơn. Nhiều nơi, vì làm du lịch kiểu “tay ngang” nên đã sinh ra rất nhiều hệ lụy, như “chặt chém”, hành hung, cưỡng bức du khách; chất lượng phục vụ không đảm bảo so với yêu cầu hoặc không tương xứng với “đồng tiền bát gạo” của du khách bỏ ra. Thậm chí, nhiều nơi không đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách…Tất cả những điều đó đã gây tác động tiêu cực lớn đến ngành này.

Do nhân lực thiếu và yếu, ngành du lịch đang hụt hơi trước nhu cầu phát triển. Chưa kể, hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp tốc độ gia tăng và nhu cầu ngày càng cao của du khách. Chính vì vậy ngành công nghiệp không khói này vẫn đang như cỗ xe ì ạch leo dốc, chưa đủ sức biến tài nguyên du lịch phong phú vốn có thành con gà đẻ trứng vàng.

MỚI - NÓNG