Kết nối tinh thần thiện nguyện trong chương trình 'Điều ước cho em'

0:00 / 0:00
0:00
Kết nối tinh thần thiện nguyện trong chương trình 'Điều ước cho em'
SVVN - Bộ GD - ĐT phối hợp với T.Ư Đoàn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án tri thức Việt số hóa tổ chức Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em”.

Sự kiện nhằm giới thiệu, lan tỏa và kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ phát triển giáo dục tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Ngô Thị Minh cho biết, trước lễ phát động, Bộ đã ban hành kế hoạch nhằm kết nối nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện tại các vùng khó khăn, khu công nghiệp, cùng chung tay cùng ủng hộ các học sinh và nhà trường khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần đoàn kết.

Kết nối tinh thần thiện nguyện trong chương trình 'Điều ước cho em' ảnh 1

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Chương trình "Điều ước cho em".

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, đây là nội dung quan trọng hướng chương trình đi vào chiều sâu; bám theo tiêu chí của Chính phủ xây dựng trường học an toàn, thân thiện. Mong muốn của chương trình là tất cả trẻ em được sống trong môi trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất; đạt chuẩn về đội ngũ thầy cô; đạt chuẩn về tiêu chí văn hóa ứng xử, không có bạo lực học đường.

Kết nối tinh thần thiện nguyện trong chương trình 'Điều ước cho em' ảnh 2

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại Lễ phát động chương trình.

“Bộ GD - ĐT sẽ tiên phong đi trước, tạo dựng mô hình với 600 trường học an toàn, thân thiện, phấn đấu đạt được trong 5 năm, từ 2021-2025", Thứ trưởng Ngô Thị Minh thông tin.

Theo Thứ trưởng, mặc dù Chương trình mới được triển khai từ đầu năm 2021 nhưng đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đại diện Bộ GD - ĐT, với sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 và các cơn bão liên tiếp tại các tỉnh miền Trung, ngành giáo dục đang gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học, việc tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh, điện, vệ sinh môi trường, nước sạch...

Kết nối tinh thần thiện nguyện trong chương trình 'Điều ước cho em' ảnh 3

Đại diện các bộ, ban, ngành ký kết phối hợp triển khai chương trình "Điều ước cho em".

Để thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và hội nhập quốc tế, ngành giáo dục rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội để hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ các trường học vượt qua các khó khăn, đảm bảo điều kiện tốt hơn.

Theo Bộ GD - ĐT, chương trình “Điều ước cho em” với nền tảng công nghệ trên Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn/Điều ước cho em) sẽ cho phép kết nối dòng chảy thiện nguyện, ủng hộ từ nhà hảo tâm đến những điểm trường khó khăn trên cả nước, theo tiêu chí đúng đối tượng - đúng nhu cầu - đúng thời điểm.

Hiện đã có gần 2.000 trường học của 39 tỉnh đăng ký nhu cầu hỗ trợ trên Cổng nhân đạo quốc gia; gần 5.000 trường học có dữ liệu đăng ký cụ thể nhu cầu hỗ trợ.

Kết nối tinh thần thiện nguyện trong chương trình 'Điều ước cho em' ảnh 4

Đại diện Tập đoàn Thiên Long trao phần qùa hỗ trợ cho chương trình.

Tại lễ phát động chương trình “Điều ước cho em”, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã cam kết hỗ trợ, đồng hành bằng việc trao tặng 16 công trình trường đẹp, nhà bán trú; 1.000 nhà vệ sinh, bữa ăn trưa cho 30.000 em, học bổng và 20.000 suất quà cho học sinh trị giá gần 127 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ GD - ĐT đã ký kết với 37 đơn vị, doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025.

Tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ trăn trở khi nhiều điểm trường còn khó khăn thiếu thốn đủ bề; các học sinh chưa được ăn trưa đầy đủ, thiếu nhà vệ sinh.

Kết nối tinh thần thiện nguyện trong chương trình 'Điều ước cho em' ảnh 5

Tại chương trình, Ban Tổ chức tiếp nhận nguồn lực từ các đơn vị, tập thể cá nhân.

Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện “Điều ước cho em”, không chỉ trông vào các nhà tài trợ mà các cấp ủy, chính quyền phải coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm hàng đầu.

“Dù nghèo, dù khó nhưng nếu chúng ta chú ý hơn đến các cháu và những nơi còn khó khăn thì chúng ta chắc chắn vẫn có thể dành dụm, đầu tư, quan tâm nhiều hơn tới các em học sinh, các thầy cô giáo”, ông Đam nói.

Kết nối tinh thần thiện nguyện trong chương trình 'Điều ước cho em' ảnh 6

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ phát động chương trình.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chương trình này không chỉ mong nhận được bao nhiêu tỷ đồng đóng góp từ các nhà tài trợ, mà sẽ trở thành điểm để kết nối các nhà hảo tâm, các cấp ủy đảng, chính quyền, bằng cách phát động tất cả các trường, các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh, tình nguyện viên cập nhật những yêu cầu thiết thực nhất của học sinh trường, lớp mình. Để những yêu cầu đó được chuyển tải, phân thành từng nhóm, việc nào cần chính quyền, việc nào là cộng đồng hỗ trợ, rồi việc nào là ngành giáo dục tham gia. Tất cả sự hỗ trợ đó được kết nối lại và được sử dụng tối ưu nhất. Đây là hành động rất cụ thể để thể hiện cả nhà trường, gia đình và xã hội cùng chăm lo cho tương lai của con em chúng ta”, ông Đam nói.

Phát biểu tại buổi lễ, anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các bộ, ban, ngành thời gian qua đã quan tâm, dành tình cảm ấm áp, sự quan tâm cho các học sinh và thầy cô.

Kết nối tinh thần thiện nguyện trong chương trình 'Điều ước cho em' ảnh 7

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại chương trình.

Cùng với Bộ GD - ĐT, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các bộ, ban, ngành, địa phương, tập thể, cá nhân trong thời gian qua đã làm nhiều việc quan tâm nhiều đến học sinh. Tuy nhiên cách làm đôi khi chưa thực sự đúng hướng, chưa giải quyết được trọn vẹn những điều ước giản dị của thầy cô và học sinh vùng sâu xa, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Vì vậy, cần sự thay đổi lớn trong cách chăm lo đồng hành, chăm sóc học sinh. Muốn thay đổi lớn cần phải có phương pháp đúng. Và phương pháp của Phó Thủ tướng Võ Đức Đam đề ra chương trình "Điều ước cho em" là đúng đắn để thay đổi cách thức chăm lo và đồng hành cùng các em học sinh", anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, với cách làm này, công việc đang làm sẽ bài bản, minh bạch hơn. "Là đơn vị tham gia chương trình, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo những nội dung mà các đơn vị cùng ký cam kết với tinh thần đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, minh bạch trong chương trình "Điều ước cho em". Với tư cách là cơ quan đại diện để bảo trợ cho hoạt động của cộng đồng tình nguyện Việt Nam, chúng tôi kêu gọi và mong muốn sự chung tay của của các cấp bộ, ngành trong cả nước, đặc biệt cộng đồng tình nguyện Việt Nam…", anh Nguyễn Anh Tuấn nói.

Anh Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định, sức mạnh sẽ đến từ toàn bộ cộng đồng. Nếu có sự chung tay của toàn bộ thành viên, từng người dân để chăm lo đồng hành bảo trợ cho các em thì chắc chắn sẽ phát huy được sức mạnh to lớn để đáp ứng được ngày càng nhiều hơn những mong mỏi của thầy cô và học sinh.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Thanh niên (Youth Fest) năm 2024 chính thức được công nhận là Lễ hội lớn của TP. HCM

Lễ hội Thanh niên (Youth Fest) năm 2024 chính thức được công nhận là Lễ hội lớn của TP. HCM

SVVN - Anh Ngô Minh Hải - Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP. HCM chia sẻ, 3 đêm diễn ra Lễ hội Thanh niên (Youth Fest) năm 2024 sẽ là những trải nghiệm về không gian âm thanh, ánh sáng; các hoạt động đường phố; thể dục thể thao... thể hiện sự nhiệt huyết, sức trẻ của thanh niên TP. HCM.