Khách xếp hàng đi Bắc Cực, Nam Cực

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tua châu Âu hiện đã không còn là một ví dụ đẳng cấp trong thị trường du lịch nữa. Gần đây, ở Việt Nam thậm chí đã xuất hiện những tua có giá 440 triệu cho 18 ngày thám hiểm Nam Cực hay 800 triệu cho 17 ngày thám hiểm Bắc Cực. Trường hợp số ngày lưu trú tăng lên, và phương tiện di chuyển thay đổi, số tiền tua một người phải đóng để khám phá xứ lạnh có thể lên tới trên 1 tỷ đồng.

Tua vừa đắt vừa khó

Lại nói, không phải cứ có tiền là có thể tham gia những tua này, khách còn phải đạt một mức sức khỏe và khả năng chịu đựng nhất định. Độ tuổi cũng bị hạn chế, theo đó, tua chỉ nhận những người từ 18 đến 65 tuổi.

Khách xếp hàng đi Bắc Cực, Nam Cực ảnh 1

Nhiều khách Việt sẵn sàng bỏ ra cả tỷ đồng để tham gia tua khám phá Bắc Cực

Đại diện của AVA travel, đơn vị bán tua 17 ngày thám hiểm Bắc Cực ở vĩ tuyến 90 độ N với giá 800 triệu cho biết: “Sau khi khai phá dòng tua độc lạ này chúng tôi phát hiện ra, nhu cầu du lịch của một bộ phận khách Việt đã thực sự thay đổi. Họ không còn hào hứng với những tua nghỉ dưỡng, mua sắm nữa, hoặc cũng có thể nói, nhóm đặt tua độc lạ đa phần đều đã trải qua hầu hết các hình thức tua nghỉ dưỡng, bây giờ, họ dồn sự chú ý tới những tua trải nghiệm, mạo hiểm”.

Khách xếp hàng đi Bắc Cực, Nam Cực ảnh 2

Nhà thờ đổ Hải Hậu cũng trở thành sản phẩm du lịch hút khách

Hướng dẫn viên Xuân Tùng, người từng dẫn nhiều tua châu Phi, châu Mỹ kể rằng, bản thân anh ban đầu là dân phượt. Đi nhiều, có kinh nghiệm, anh chuyển qua tổ chức những tua mạo hiểm cho người thân, bạn bè. “Những người chịu bỏ tiền tỉ đi tua đều nhắm đến các kỳ quan thiên nhiên độc đáo, giàu vết tích lịch sử cùng bề dày văn hóa, nếu là đang đứng trước nguy cơ có thể biến mất vĩnh viễn nữa thì càng được chú ý.

Khách chọn những loại tua này hầu hết là những người có kinh nghiệm du lịch và thể lực tốt. Riêng việc liên tục thay đổi múi giờ, khí hậu và phải trekking (đi bộ đường núi) liên tục đã khiến giới hạn chịu đựng của cơ thể bị thử thách. Nếu thể lực không tốt, người tham gia sẽ rất dễ phải bỏ cuộc giữa chừng. Và mặc dù hành trình vất vả, nhưng khi thực tế được trải nghiệm những cảnh quan thiên nhiên huyền bí, hoang dã, những hiện tượng tự nhiên có một không hai hay những vùng khí hậu “chỉ có trên chương trình Discovery” người ta đều cam tâm tình nguyện bỏ ra mấy trăm triệu”.

Khách xếp hàng đi Bắc Cực, Nam Cực ảnh 3

Nhà phao Tân Hóa biến thành homestay cho những khách thích loại hình du lịch “thích ứng với thời tiết”

Giải thích về sự đắt đỏ của các tua độc lạ, Hải Bình (Crazy Tour) chia sẻ: “Vì không phải là những điểm đến phổ thông nên những vùng đất hiếm này đều không được trợ giá du lịch. Vé máy bay đắt, vé khách sạn lưu trú cũng không hề rẻ. Ví dụ, nếu là tua Bắc Cực đi từ Việt Nam, thì bạn phải mất tới 3 ngày di chuyển. Hay đơn cử, năm ngoái chúng tôi có một tua dọc miền Nam Úc, giá tua gần 400 triệu, thì chỉ riêng một đêm lưu trú tại thị trấn ngầm Coober Pedy rẻ nhất đã mất hơn 4 triệu đồng. Đây là thị trấn hoàn toàn nằm dưới lòng đất ở Úc, ban ngày mặt đất có thể nóng tới 50 độ C, cảnh quan sa mạc của nó nhìn không khác gì bề mặt hành tinh khác. Hiếm có nữa, đây cũng là vùng đất hiếm hoi còn có thổ dân Úc sinh sống, đường đi cực kỳ hoang vắng nên thực sự giá không thể rẻ được”.

Ngoài cái sự đắt và khó đi, những tua hiếm kiểu này còn ít, cho nên, muốn đăng ký một tua Bắc Cực, Nam Cực hay châu Phi, có thể khách sẽ phải chờ ba đến sáu tháng, điểm đến càng hiếm lạ thì thời gian chờ đăng ký càng lâu. “Nhưng mà đáng giá lắm, cái cảm giác đi tàu phá băng, ngắm Bắc Cực trên trực thăng rồi ngồi xe chó kéo trên băng tuyết… xứng đáng được trả bằng 1/3 căn chung cư”, chị Hà Lệ, khách hàng từng tham gia tua thám hiểm Bắc Cực đến Vĩ tuyến 90 độ N chia sẻ.

Ngay Việt Nam cũng có nhiều tua lạ

Năm ngoái, cộng đồng xê dịch Việt rất tích cực chia sẻ thông tin Công ty du lịch Oxalis (đơn vị du lịch mạo hiểm khai thác độc quyền tua khám phá hang Sơn Đoòng tại Quảng Bình) tung ra tua “Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt” tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Sở dĩ thông tin này gây sốt vì Tân Hóa được biết đến là vùng rốn lũ của huyện Minh Hóa. Năm nào cũng vậy, cứ mưa, lũ thì Tân Hóa là xã bị ngập đầu tiên và nước ngập lên mái nhà là chuyện bình thường. Đến mùa mưa, bà con ở xã Tân Hóa phải lên núi dựng lều, căng bạt chạy lũ.

Mọi chuyện chỉ thay đổi sau trận lũ lịch sử năm 2010, người dân xã Tân Hóa có sáng kiến làm bè phao bằng cách kết các thùng phuy nhựa lại, ban đầu chỉ để đồ đạc quý lên rồi lấy bạt che mưa. Qua các mùa sau, bà con cải tiến bè lên thành nhà nổi, có mái, vách thưng che mưa và buộc dây vào bốn cọc định vị ở các góc nhà. Nước dâng thì nhà nổi lên, cả gia đình có thể an cư trong nhà nổi khi trữ đủ lương thực, thực phẩm.

Thời điểm tua này được đưa vào khai thác, đơn vị tổ chức đã xây dựng một chương trình gần như có một không hai ở Việt Nam, cho phép khách trải nghiệm an toàn trong mùa mưa lũ như ở nhà nổi, thả lưới, câu cá, chèo thuyền kayak vượt lũ, vượt suối chinh phục hang động, ngắm cảnh quan mùa lụt, trải nghiệm cuộc sống của người dân. Và mặc dù gói hai ngày một đêm cho tua trải nghiệm mất sức này có giá 5,5 triệu đồng, lượng khách đăng ký vẫn rất đông.

“Giống như tua Sơn Đoòng, tuy mức giá neo ở mức 72 triệu đồng/người và độ khó đặc biệt nhưng sản phẩm này luôn trong tình trạng “cháy hàng” và phải đặt trước vài tháng, tua trải nghiệm làng lũ có độ khó ít hơn nên càng thu hút khách hàng phổ thông hơn. Tôi đoán là tương lai các tua kiểu này sẽ nở rộ ở Việt Nam, tạo ra một hướng khai thác du lịch mới mẻ”, ông Lê Văn Việt, nhà sáng lập của Czary Tour dự đoán.

Tuấn Trần (Ruines Tour), người chuyên tổ chức các tua “Tàn tích đương đại” kể rằng, anh lấy cảm hứng từ những bức ảnh của Jonk, một nhiếp ảnh gia người Pháp đã đạt được vô số giải nhiếp ảnh quốc tế khi luôn luôn tìm ra chất thơ trong những địa điểm bị con người bỏ hoang và được thiên nhiên từng bước lấy lại trên khắp thế giới.

Là một nhiếp ảnh gia phiêu lưu, Tuấn Trần đã đi theo bước chân của Jonk phượt khắp thế giới, từ Cuba đến Moldova, từ Đài Loan đến Chernobyl hay Nhật Bản, từ Georgia đến Pháp, không mệt mỏi khám phá những cái cây có cành và rễ bao quanh những bức tường, như muốn nuốt chửng lấy nó, hay là một bức tượng mặc áo dài thường xuân, trong công viên vắng vẻ của một lâu đài... Để chớp được những hình ảnh này, người chụp phải đột nhập qua một cái lỗ trên hàng rào, trèo lên một tầng để đi vào qua một cửa sổ vỡ, hay là đối mặt với cả ổ rắn ở một hốc tường bỏ hoang…

Về Việt Nam, Tuấn tổ chức tua “Tàn tích đương đại” cho các bạn người nước ngoài của mình. Họ đã cùng đi qua: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà thờ đổ ở Sở Kiện (Hà Nam), nhà máy dệt Nam Định, nhà thờ đổ Hải Hậu, thánh địa Mỹ Sơn… Vẻ đẹp của những công trình đổ nát này được du khách ngoại quốc đánh giá cao. Nhờ sự lan tỏa của nhóm du khách đầu tiên, Tuấn cho biết, hiện mỗi năm anh thực hiện khoảng 3-4 tua, ban đầu khách ngoại quốc là chủ yếu, hiện tại, khách người Việt đã chiếm gần một nửa. Giá tua trung bình cho một ngày là khoảng 2-3 triệu đồng.

Tuấn giải thích, tổ chức tua này tôi không chỉ là người dẫn đường thông thường, tôi phải hướng dẫn khách hàng sử dụng máy ảnh chuyên nghiệp và cung cấp gần như tất cả mọi thông tin của điểm đến. Giống như Jonk, tôi mong muốn những người tham gia tua này đều hiểu được: “Bất cứ thứ gì con người xây dựng, thiên nhiên sẽ lấy lại nó. Có lẽ điều này sẽ khiến chúng ta trở nên khiêm tốn hơn khi đối mặt với thiên nhiên. Mặc dù chúng ta thường cho rằng mình có thể thống trị thiên nhiên, nhưng những thảm họa khí hậu, bão, lũ lụt, lở đất, sóng thần v.v... cho chúng ta thấy rõ rằng chúng ta không thể làm gì để chống lại nó”.

Việc khai thác các tua độc lạ ở Việt Nam đang từng bước phát triển. Sự ra đời liên tục của các đơn vị tổ chức như VietGlobal Travel, Migola Travel, VYCTravel, AVA Travel, Crazy Tour… là những minh chứng. Theo dự đoán của một số chuyên gia du lịch, thị trường ngách này sẽ còn được mở rộng thời gian tới khi trải nghiệm, điều kiện kinh tế và nhất là nhu cầu khám phá của khách Việt lần lượt được kích hoạt.

MỚI - NÓNG