Khai... giả!

Khai... giả!
TP - Trong quán giải khát ven đường mấy anh bạn nhà giáo làm mấy chai Huda mừng ngày khai giảng năm học mới. Một anh hài hước: Bọn mình vừa đi dự lễ khai... giả về. 

Ra là thế! Họ đã giảng trước khai sau. Thầy và trò đã dạy và học nửa tháng trời rồi nay mới đánh trống khai trường, làm lễ khai giảng.

Tôi nhớ lại chuyện cũ cách đây chưa lâu. Nhiều địa phương có những trường được phép khai giảng trước một ngày. Thực tế là khai... giả. Bởi khai xong thì không thấy giảng, mà thầy trò lần lượt ra về, ngày mai, mồng 5/9, mới là ngày chính thức dạy và học. 

Bởi đã thành “mốt”, ngày khai giảng phải có lãnh đạo tỉnh, thành phố, lãnh đạo ngành về dự mới trang trọng và oai nghiêm. Vì thế không ít vị hiệu trưởng cứ muốn tổ chức khai giảng trước một ngày cho chắc ăn. Họ đâu có biết thời buổi bây giờ lãnh đạo địa phương chia nhau đi họp, đi công tác quanh năm suốt tháng. Cho nên có trường khai giảng trước một ngày nhưng vẫn không thấy vị lãnh đạo đầu tỉnh về dự như kế hoạch. 

Có trường, thầy và trò dài cổ chờ, “giáo án” bị cháy, vì các quan chức đến trễ. Còn nhớ, năm ấy tỉnh nọ có trường đã làm một việc động trời là hoãn khai giảng vì lãnh đạo tỉnh bận công việc đột xuất không về dự được - vụ việc được đưa tin trên báo Lao Động. Cánh giáo viên thì ngao ngán lắc đầu “Chỉ có giám hiệu là ưa vậy chứ thầy trò chúng tôi chẳng thú vị tí nào cả. Lắm khi còn khó chịu vì lại phải nghe những lời huấn thị xưa như trái đất”. 

Thật vậy, điều giáo viên mong muốn là cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ dạy và học, chế độ chính sách được cải thiện... thì không thấy lãnh đạo quan tâm, giải quyết. Không có lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành về dự khai giảng thì thầy vẫn dạy, trò vẫn học cho hết chương trình. Nhiều năm trời không thuận, mưa to gió lớn, đúng 5/9, ngày khai trường, họ chỉ có giảng (dạy) mà không có khai (lễ khai giảng) nhưng năm học vẫn kết thúc tốt đẹp.

MỚI - NÓNG