Khán giả say sưa đọc thơ Lưu Quang Vũ

TPO - Đêm nghệ thuật "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" đưa khán giả đến với đầy đủ các cung bậc trong cuộc đời làm thơ, viết kịch và yêu của Lưu Quang Vũ.

Đầu tiên phải nói rằng các bài thơ mang cảm hứng Tổ quốc, dân tộc của Lưu Quang Vũ vô cùng hợp để đọc trên sân khấu. Những Việt Nam ơi, Người cùng tôi, Nói với mình và các bạn... tới nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự.

Hay nói cách khác sự thẳng thừng, tha thiết đến nghẹn ngào trong diễn đạt của Lưu Quang Vũ chưa bao giờ cũ. Và cũng chẳng thể còn ai viết được những dòng như: "Người đau thương, tôi gắng gượng mỉm cười/ Gắng tin tưởng nhưng lòng tôi có hạn/ Chiều nay lạnh, tôi nghẹn ngào muốn khóc/ Xin Người tha thứ, Việt Nam ơi..." (Việt Nam ơi) hay: “Tôi tìm đời tôi trong số phận người/ Tìm lẽ phải nơi trán người bình tĩnh / Hạt muối tôi trong biển người vô tận/ Chỉ khổ đau vì đau khổ của người/ Chỉ sướng vui trong vui sướng của người thôi” (Người cùng tôi).

Khán giả say sưa đọc thơ Lưu Quang Vũ ảnh 1

NSƯT Tạ Tuấn Minh thể hiện xuất sắc Việt Nam ơi. Ảnh: BTC

Nhiều người viết hôm nay hẳn vẫn giật mình khi những câu trong bài Nói cùng mình và các bạn vang lên: “Chẳng muốn ai vui lòng khi đọc thơ tôi/ Tôi viết những bài thơ chống lại chính tôi/ Chống lại bóng đen trì trệ của đời/ Chống lại những bài thơ tôi đã viết cùng những ai ưa thích nó”. Có lẽ chính vì không phải diễn viên nên nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lại thể hiện ra chất bài này.

Khán giả say sưa đọc thơ Lưu Quang Vũ ảnh 2

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đọc bài thơ Nói cùng mình và các bạn. Ảnh: BTC

Ở cả mảng thế sự và thơ tình, NSƯT Tạ Tuấn Minh đều cho thấy sự vừa vặn khi thể hiện thơ Lưu Quang Vũ, với giọng đọc sâu thẳm và sự nhập tâm hiếm có.

Tất nhiên trong chương trình không phải ai cũng đọc chính xác, lưu loát 100% từ đầu đến cuối. Nhưng đọc sai rồi sửa lại vẫn hơn là cứ thế lướt qua câu khác. Vì có những câu như "Chung ca nước dưới đường hào nắng gắt" mà "sửa" thành "Chung tiếng ca dưới đường hào nắng gắt" tất sẽ không còn Lưu Quang Vũ nữa... Cẩn trọng nhất là NSƯT Lê Chức, ông cầm hẳn văn bản đọc cho chắc.

Khán giả say sưa đọc thơ Lưu Quang Vũ ảnh 3

NSƯT Lê Chức đọc Trung Hoa. Bài thơ thể hiện tình yêu của nhà thơ đối với văn hóa, lịch sử của đất nước láng giềng. Ảnh: BTC

Những bài thơ mang cảm hứng đất nước của Lưu Quang Vũ xoáy sâu vào tâm trí người nghe tạo nên một sự kết nối trực diện mà những bài thơ tình không có được.

Vả lại mảng thơ tình của Vũ và Quỳnh đã được nhiều người quá biết rồi nên sẽ gây ấn tượng theo kiểu khác, êm đềm hơn. Tuy nhiên những câu thơ được xem là cuối cùng của cả Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh trong Thơ viết cho Quỳnh trên máy bayThời gian trắng vẫn gây xúc động qua sự thể hiện của NSƯT Đỗ Kỷ và NSƯT Minh Trang.

Khán giả say sưa đọc thơ Lưu Quang Vũ ảnh 4

NSƯT Minh Trang thể hiện đầy xúc cảm Thời gian trắng - bài thơ cuối cùng của Xuân Quỳnh.

Trong “mùa hạ cuối cùng” 1988 đó, như có một dự cảm không lành, Lưu Quang Vũ “lao vào viết hối hả, viết ngày viết đêm, viết như biết sắp bị Trời bắt đi”. Dồn dập Bệnh sĩ, Ông không phải bố tôi, Lời thề thứ chín, Điều không thể mất, Trái tim trong trắng… được hoàn thành trong ít ngày và đều được đưa ngay lên sân khấu. Còn Xuân Quỳnh phát hiện ra bị bệnh tim và phải nằm viện dài ngày…

Khán giả say sưa đọc thơ Lưu Quang Vũ ảnh 5

Ca sĩ Mỹ Linh có nhiệm vụ kết chương trình bằng Thuyền và biển và bài hát chủ đề. Ảnh: BTC

Xuân Quỳnh có hai bài thơ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều phổ nhạc thành những bài hát nổi tiếng như Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu... Đi tiên phong trong phổ nhạc Lưu Quang Vũ chính là Nguyễn Lê Tâm với Tiếng Việt (1996).

Chương trình lần này công bố những ca khúc mới bao gồm Phố ta, Nhà chật của Nguyễn Lê Tâm và Mắt một mí, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi của Nguyễn Vĩnh Tiến.

Những bài hát cũng có thể coi như một cách khác để tiếp cận bài thơ. Trong đó có những bài như Nhà chật tuy nhỏ thôi nhưng lưu dấu cả một thời cuộc, một mối tình. Nếu được đều đặn tổ chức những chương trình tưởng niệm hàng năm như thế này, chắc chắn sẽ còn nhiều ca khúc phổ thơ Lưu Quang Vũ được vang lên.

Khán giả say sưa đọc thơ Lưu Quang Vũ ảnh 6

Hình ảnh căn phòng của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh được tái hiện trong bài Nhà chật.

Phần ca nhạc thể hiện khả năng đối thoại của thơ Lưu Quang Vũ với âm nhạc. Tuy nhiên kịch vẫn là mảng sáng tác chính của ông, nên chăng dành để kết chương trình. Tổng đạo diễn chương trình NSƯT Trần Lực khẳng định: “Trong 100 năm sân khấu Việt Nam sẽ có một thời kỳ mang tên Lưu Quang Vũ”. Vở Hồn Trương Ba da hàng thịt được anh chọn diễn trích đoạn theo phong cách ước lệ với dàn trống đệm theo kiểu chiếu chèo.

Khán giả say sưa đọc thơ Lưu Quang Vũ ảnh 7

Hoàng Tùng và Phương My nhập vai vợ chồng hàng thịt. Ảnh: BTC

Đạo diễn Trần Lực giới thiệu một dàn diễn viên chủ yếu là trẻ với diễn xuất sắc nét và sinh động. Họ không chỉ diễn kịch mà thỉnh thoảng còn thể hiện vũ đạo minh họa cho hành động kịch. Đoạn vợ hàng thịt (Phương My) lôi kéo Trương Ba (Hoàng Tùng) bằng… cặp chân tạo sự thú vị.

Trần Lực bổ sung cái kết ngoài kịch bản cho Đế Thích (Võ Hoài Vũ) cởi bỏ râu tóc, áo dài lập tức thành một thanh niên ăn mặc kiểu hiphop hiện đại. Cậu trai mang bàn cờ xuống hàng ghế khán giả rủ mọi người chơi.

Khán giả say sưa đọc thơ Lưu Quang Vũ ảnh 8

Vợ hàng thịt tìm cách quyến rũ Trương Ba trong thân xác hàng thịt. Ảnh: BTC

Khán giả say sưa đọc thơ Lưu Quang Vũ ảnh 9

Đế Thích (Võ Hoài Vũ) lúc này đã đầu thai thành người tiếp tục rủ Trương Ba (NSND Trung Anh) chơi cờ. Ảnh: BTC

Nhà hát Lớn trong đêm tưởng niệm 75 năm sinh và 35 năm mất của Lưu Quang Vũ gần như không còn chỗ trống. Một số khán giả đọc thơ theo diễn giả trên sân khấu. Nhiều năm nữa, thơ và kịch của ông vẫn khiến người ta phải cười khóc theo.

Tin liên quan