Khi người trẻ tìm đến yoga để chữa lành

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trị “tâm” từ “thân” là cách người trẻ đang thực hành chữa lành sau những thương tổn tâm lý hay cú sốc tiêu cực thông qua yoga.

Kết nối thân - tâm – trí

Ngay từ khi học cấp 3, Trần Thái Thị Tú Anh (SN 2001, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ) đã đăng ký tập yoga 1 tiếng mỗi ngày. Tính đến nay, cô bạn duy trì thói quen tập đều đặn được 7 năm. Trong các loại hình phổ biến nhất của yoga như Hatha yoga (loại hình cơ bản); Ashtanga yoga (loại hình có cường độ tập mạnh, tốc độ nhanh) … Tú Anh tập Vinyasa yoga, bao gồm các kỹ thuật hô hấp, thiền giúp giảm căng thẳng và lo lắng.

Để đạt được hiệu quả chữa lành tâm từ thân, mỗi khi đến phòng tập, việc đầu tiên Tú Anh làm là ngắt kết nối với điện thoại, sau đó mới thực hành các động tác từ cơ bản đến phức tạp trên nền nhạc dịu không lời. Đặc biệt, không cố gắng ép cơ thể thực hiện một tư thế phức tạp chỉ để có bức ảnh đẹp sống ảo.

“Mình tìm đến sự an lành, nhẹ nhõm sau những biến cố cuộc sống hay tiêu cực trong công việc, học tập bằng cách kết nối với cơ thể sinh học của bản thân qua hơi thở, thực hành thiền định. Đó là cách giúp mình phục hồi cơ thể từ gốc, từ nội lực”, Tú Anh cho biết.

Làm công việc văn phòng, chị Kim Bảo Ngân (26 tuổi, ở Hà Nội) tình cờ biết đến yoga 2 năm trước khi được công ty tặng các gói tập cho nhân viên. Vì vậy, sau khi tan làm, chị Ngân lại thay đồ, tìm đến phòng tập với sự hào hứng và muốn khám phá bản thân nhiều hơn.

Trong hệ thống 8 nhánh (bước) của yoga, chị Ngân ấn tượng với nhánh thứ năm – Pratyahara (được hiểu là thu rút bản thân khỏi thứ nuôi dưỡng các giác quan). Đây là giai đoạn quan trọng giữa các phần tập luyện cơ thể ngoại vi và các phần tập luyện nội tâm.

Khi người trẻ tìm đến yoga để chữa lành ảnh 1Khi người trẻ tìm đến yoga để chữa lành ảnh 2Khi người trẻ tìm đến yoga để chữa lành ảnh 3

Chị Kim Bảo Ngân tự "chữa lành" khi tìm đến yoga và thực hành luyện tập ở những không gian tĩnh lặng, gần gũi với thiên nhiên. Ảnh: NVCC

“Mình sẽ học cách kiểm soát và hướng dẫn các giác quan, thay vì để bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài. Điều này có thể bao gồm việc học cách không phản ứng với những âm thanh xung quanh khi đang thiền, hoặc việc không để các suy nghĩ và cảm xúc chi phối hành vi của mình. Pratyahara giúp người tập có thể tập trung vào nội tâm, giảm bớt sự phân tâm từ thế giới xung quanh, từ đó tạo ra không gian cho việc tập trung và thiền định sâu hơn”, chị Ngân chia sẻ trải nghiệm.

Mặc dù đã có những trải nghiệm “chữa lành” nhờ tập luyện nhưng theo chị Ngân, để kết nối được thân - tâm - trí là cả một quá trình kiên trì, định kỳ rèn luyện. Nếu chỉ tập theo phong trào, bạn trẻ rất dễ bị chán nản hay cảm giác thất vọng khi không chinh phục được những động tác khó.

Khi người trẻ tìm đến yoga để chữa lành ảnh 4Khi người trẻ tìm đến yoga để chữa lành ảnh 5

Kết nối thân - tâm - trí là một quá trình kiên trì mà người tập Yoga cần theo đuổi để đạt được hiệu quả "chữa lành". Ảnh: NVCC

Cách nào đạt đến hiệu quả “chữa lành”?

Chia sẻ về xu hướng tìm đến yoga để chữa lành tâm trí của nhiều bạn trẻ hiện nay, anh Đặng Kim Ba - Phó chủ tịch Hội Yoga TP Hải Phòng, Uỷ viên ban Luật & Thi đấu Liên đoàn Yoga Việt Nam cho biết, những năm gần đây, độ tuổi người tập yoga ngày càng trẻ hơn. Đặc biệt, ở các phòng tập chuyên nghiệp, các bạn trẻ Gen Z có thể chiếm tới 60% số lượng học viên.

Theo huấn luyện viên Kim Ba, chữa lành tâm trí từ luyện tập yoga là khi người tập cảm thấy nhẹ nhàng hơn, bình an hơn dù những áp lực trong cuộc sống vẫn hiện hữu.

Hầu hết những người trẻ tìm đến yoga với mong muốn chữa lành tâm lý đều là những bạn đang gặp áp lực trong công việc, cuộc sống, hay nói cách khác là đang chưa biết cách điều phối, sắp xếp cuộc sống của mình để có tinh thần thoải mái dễ chịu hơn. Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao của việc chữa lành, các bạn cần phải thật tập trung vào mỗi giờ học. Hãy bỏ hết mọi công việc dang dở ra khỏi đầu trước khi tập luyện, dành trọn vẹn 100% tâm trí để thực hiện các tư thế một cách đúng nhất, tập trung cảm nhận vào cơ thể của mình để thấy các cơ quan trên cơ thể có những tác động thay đổi như thế nào.

Khi người trẻ tìm đến yoga để chữa lành ảnh 6

HLV Đặng Kim Ba chia sẻ về cách tập yoga đạt đến hiệu quả "chữa lành". Ảnh: NVCC

“Yếu tố quan trọng thứ hai đó là hãy thật sự nghiêm túc chọn cho mình một khung giờ cố định trong ngày để duy trì tập luyện. Bạn sẽ khó có thể duy trì được việc tập luyện đều đặn nếu không đưa ra cho mình một khung giờ cụ thể rõ ràng. Và ở đây, lời khuyên cho bạn, đó là chọn khung giờ sớm nhất trong ngày. Là bởi vì, đây là khoảng thời gian khi bạn vừa thức dậy, đang rất tràn trề năng lượng cho một ngày dài sắp diễn ra và hầu như không có việc đột xuất nào xen vào trong thời gian này để khiến bạn bị buộc phải bỏ dở việc tập luyện ngày hôm đó. Tập luyện yoga là sự tích luỹ cơ thể theo thời gian, do vậy bạn cần duy trì sự đều đặn, hàng ngày để từ đó cơ thể thay đổi dần dần”, huấn luyện viên nói.

Nhận định dưới góc nhìn tâm lý học, chuyên gia tâm lý Ngô Thùy Trang cho hay, ở những cá nhân khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần, khi đứng trước khó khăn, thử thách, hệ viền trong não sẽ lập tức kích hoạt hệ thần kinh, tạo ra các phản ứng sinh học trên cơ thể và các cảm xúc tương ứng. Những phản ứng sinh học này cũng dễ dàng biến mất khi hệ thần kinh dịu lại.

Tuy nhiên, ở những người vốn đã mất cân bằng trong hoạt động của não bộ và hệ thần kinh sau căng thẳng kéo dài hoặc chấn thương tâm lý, cơ thể không thể tự điều hoà chính nó, khiến những cảm xúc tiêu cực mãi mãi tồn đọng dưới hình hài của cảm giác, có thể là cảm giác khó tiêu, đau cổ vai gáy kéo dài, tê bì chân tay, hoặc suy giảm khả năng miễn dịch. Trong trường hợp này, theo tiếp cận trị liệu tâm lý từ thân, cá nhân đó có thể tự mình nhận diện và điều hòa các phản ứng cơ thể, từ đó ảnh hưởng ngược lại hoạt động của não bộ, hệ thần kinh và hệ nội tiết. Đây cũng chính là lúc khả năng cảm nhận cơ thể từ trong ra ngoài trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

“Vì vậy, việc dùng lý trí để “chữa lành" dường như là không đủ. Do đó, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra một hướng đi khác để can thiệp vào sức khoẻ tinh thần của chúng ta, đó là can thiệp từ thân, hay còn gọi là tiếp cận can thiệp từ dưới lên (bottom-up approach). Đây cũng là cách mà phương Đông đã tìm hiểu và sử dụng từ hơn 500 năm trước qua các phương thức rèn luyện thân-tâm như yoga, taichi hay khí công”, chị Trang nói.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là gần 15 triệu người bị ảnh hưởng. Trong đó, trầm cảm, lo âu chiếm từ 5-6% dân số. Số liệu khảo sát năm 2019, khoảng 8-9% trẻ vị thành niên có vấn đề sức khỏe tâm thần, tỷ lệ cao hơn ở nam giới về rối loạn hành vi và ở nữ giới về rối loạn cảm xúc.

MỚI - NÓNG