Khi người Việt lơ là tiếng Việt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khoảng 9 năm trước, giọng ca “Cả một trời thương nhớ” chia sẻ ảnh dễ thương của Subeo, con trai của chị và doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla). Bức ảnh ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng bởi chú thích của Hồ Ngọc Hà: “Can tội 2 năm nay đi học toàn các bạn nước ngoài nên về nhà cứ xì xà xì xồ… Thế là anh ấy đang phải ngồi học tiếng Việt mỗi chiều”. Những cậu ấm cô chiêu có xuất thân “ngậm thìa vàng” gặp khó khi sử dụng tiếng mẹ đẻ không còn là chuyện lạ.

Đại biểu trẻ nhất trong Hội nghị những người viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ X chính là Minh Anh. Cô gây ấn tượng vì viết văn, làm thơ bằng tiếng Anh. Những dịch giả lại có thêm việc: Dịch tác phẩm của tác giả Việt Nam ra tiếng Việt. Có lẽ chính họ cũng ngỡ ngàng vì trước nay chỉ văn học nước ngoài mới cần đến dịch giả. Cây viết trẻ Minh Anh học trường quốc tế từ nhỏ, cô sáng tác bằng tiếng Anh tốt hơn sáng tác bằng tiếng Việt. Theo cha của cô gái, Minh Anh viết bằng tiếng Việt chỉ đạt 70% so với viết bằng tiếng Anh.

Khi người Việt lơ là tiếng Việt ảnh 1

Dịch giả Phan Thanh Hảo

Nhưng dù sao những trường hợp như Subeo của Hồ Ngọc Hà - Quốc Cường hay cây bút trẻ Minh Anh còn được các bậc phụ huynh chú ý trau dồi tiếng Việt, sau khi nhận thấy “lỗ hổng” của các con. Với những bậc phụ huynh không theo sát việc học của con, cũng không có ý thức giữ gìn tiếng mẹ đẻ thì những cậu bé, cô bé có điều kiện học trường quốc tế từ nhỏ, lúng túng trong đọc, viết tiếng Việt cũng dễ hiểu. Ngay cả những cậu bé, cô bé sinh ra trong gia đình không rôm rả về kinh tế, không đủ khả năng theo học trường quốc tế cũng đang bị tiếng Anh lôi cuốn, thờ ơ với tiếng mẹ đẻ.

“Ông thầy” YouTube

Khi người Việt lơ là tiếng Việt ảnh 2

Hồ Ngọc Hà luôn có ý thức rèn ngôn ngữ mẹ đẻ cho các con

Một phụ huynh kể: Con của chị mới 4 tuổi, học trong một trường mẫu giáo tư thục không tên tuổi. Ở trường bé chưa được học tiếng Anh. Chị và chồng cũng không biết ngoại ngữ. Một ngày kia bỗng thấy cô bé đếm từ số 1 đến số 10 bằng tiếng Anh, cả hai vợ chồng đều ngạc nhiên. Cô bé còn có thể đọc tên màu sắc bằng tiếng Anh. Nhưng bé lại không thể đếm hay phân biệt màu sắc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Dốc thời gian tìm hiểu, họ mới phát hiện: Thầy của cô bé chính là YouTube. Đồ chơi hàng ngày của cô bé là chiếc iPad xin được từ họ hàng. Mới tí tuổi cô bé đã sử dụng Ipad thành thạo, lướt YouTube vèo vèo.

Bác ruột của cậu bé có tên gọi thân mật Donald, đang sống ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, kể chuyện nhà mình: Donald năm nay đã lên lớp 3, khả năng diễn đạt ý bằng tiếng Việt kém. Thí dụ, cậu đố cả nhà: Cách nhanh nhất để tạo ra cầu vồng? Thấy mọi người đoán không ra, Donald kéo tay bác đến bàn học, lấy hộp bút màu, đưa cho bác, lúng búng giải thích. Sau một hồi người bác ruột cũng hiểu ý cháu trai muốn nói: Chỉ cần có hộp bút chì màu sẽ vẽ được cầu vồng nhanh chóng. Nhưng cậu bé này lại có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn trai của mẹ, một người đàn ông ngoại quốc đang dạy ngoại ngữ ở Việt Nam.

Cậu bé hứng thú khi được nói tiếng Anh, ngược lại, lười biếng và không mặn mà học tiếng Việt. Trong khi bác ruột của Donald lo lắng cho tình trạng của cậu bé thì mẹ ruột của cậu, tuổi 9x, đã li dị chồng, lại tự hào mang câu chuyện kém tiếng Việt, khá tiếng Anh của con trai đi khoe khắp nơi. Do chịu khó đọc sách báo bác ruột của Donald nghi ngờ cậu bé bị rối loạn ngôn ngữ, nhiều lần bà đề nghị mẹ ruột của Donald đưa con trai đi kiểm tra, thay vì hí hửng đánh giá con trai mình là “thần đồng” ngoại ngữ.

Năm 1999, theo quyết định của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), ngày 21/2 được chọn là Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ.

Ngày 16/5/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã “yêu cầu các nước thành viên và Ban Thư ký thúc đẩy việc bảo tồn và bảo vệ tất cả các ngôn ngữ được nói bởi các dân tộc trên toàn thế giới”. Bảo tồn và phát triển tiếng mẹ đẻ chính là cái gốc để thực hiện công việc này.

Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ được kỷ niệm hàng năm kể từ năm 2000 ở khắp nơi trên thế giới, nhằm thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa cũng như đa ngôn ngữ. Tất cả mọi thứ được thực hiện để thúc đẩy việc phổ biến tiếng mẹ đẻ không chỉ nhằm khuyến khích sự đa dạng về ngôn ngữ và giáo dục đa ngôn ngữ, mà còn nâng cao nhận thức về các truyền thống ngôn ngữ và văn hóa trên toàn thế giới, truyền cảm hứng cho tinh thần đoàn kết dựa trên sự hiểu biết, khoan dung và đối thoại.

Các nhà giáo dục trên khắp thế giới đều nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục tiếng mẹ đẻ, ngay từ những năm giảng dạy đầu tiên. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số, những người dân bản địa và người dân nông thôn, cũng như các trẻ em gái và phụ nữ.

Các loại ngôn ngữ chính là những công cụ mạnh mẽ nhất để bảo tồn và phát triển di sản vật thể và phi vật thể của chúng ta. Mỗi tiếng nói đều là nguồn ngữ nghĩa độc đáo để hiểu, viết và mô tả thực tế thế giới. Tiếng mẹ đẻ cùng với sự đa dạng của ngôn ngữ có ý nghĩa quan trọng để xác định bản sắc của các cá nhân như là nguồn sáng tạo và phương tiện để biểu hiện văn hóa, bảo đảm sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Tuy nhiên, theo UNESCO, trong số khoảng 7.000 ngôn ngữ được nói trên thế giới, hơn 50% ngôn ngữ có khả năng bị tuyệt chủng trong vòng một vài thế hệ tới, 96% được nói bởi chỉ có 4% dân số thế giới.

Hiền Anh (tổng hợp)

Phải giỏi tiếng Việt trước đã!

Trở lại với chuyện dạy con của Hồ Ngọc Hà. Chị đã sinh thêm 2 nhóc tỳ kháu khỉnh với Kim Lý, người mẫu, diễn viên Việt Kiều. Rất nhiều người tò mò không biết 2 nhóc tỳ này sẽ được dạy tiếng Anh trước hay tiếng Việt trước? Mới đây Hồ Ngọc Hà đã nêu rõ quan điểm. Một cư dân mạng khuyên Hồ Ngọc Hà nên thuê người dạy tiếng Anh cho con. Câu trả lời được khán giả tán thưởng nhiệt liệt của “Nữ hoàng giải trí”: “Cảm ơn chị. Nhưng em không nghĩ vậy, tiếng Việt rất khó học nên các em sẽ nói và học tiếng Việt trước. Tiếng Anh, tiếng Thụy Điển chắc chắn các con sẽ nói hay và bắt đầu học sau cũng không sao”. Hồ Ngọc Hà cũng nhắc lại việc rèn tiếng Việt cho con trai cả Subeo trước đó: “Kinh nghiệm con đầu cho học tiếng Anh trước, sau học tiếng Việt rất vất vả”.

Tôi tìm đến dịch giả Phan Thanh Hảo, người dịch tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” ra tiếng Anh đầu tiên (khi “Nỗi buồn chiến tranh” vừa đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 và đang còn mang tên “Thân phận tình yêu”). Tôi hỏi Phan Thanh Hảo: “Khi còn nhỏ đã bao giờ bà lúng túng với tiếng Việt?”. Dịch giả không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Bà chia sẻ: “Bố mẹ tôi đều là giáo viên. Bố tôi còn là nhà thơ nữa (Nhà thơ Phan Khắc Khoan (1916-1998), “ông trùm” kịch thơ Việt Nam – PV). Bố mẹ tôi coi việc rèn văn cho con cái là nề nếp của gia đình. Khi tôi làm NXB Ngoại Văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới), được học ông Nguyễn Khắc Viện - Giám đốc NXB. Ông dạy nhân viên như sau: Trước khi các bạn muốn giỏi tiếng Anh hay tiếng Pháp, một điều tôi nhắc các bạn là các bạn phải giỏi tiếng Việt đã. Đừng tự hào mình giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhờ lời dạy ấy tôi cố gắng trau dồi tiếng Việt để khi chuyển ngữ được uyển chuyển hơn”.

Dịch giả Phan Thanh Hảo là bà nội của Nguyễn Phan Thảo Đan, Nguyễn Phan Linh Đan, Nguyễn Phan Thi Đan. 3 cô gái trẻ tài năng trong lĩnh vực phim ảnh. Bà kể về thời thơ ấu của các cháu nội: “Bọn trẻ con nhà tôi cũng phải học tiếng Việt. Vì từ mẫu giáo đến lớp 12, các con đều học ở trường quốc tế. Ngày xưa mẹ tôi trực tiếp dạy tiếng Việt cho Thảo Đan, Linh Đan. Chúng nó yêu cụ nên việc học tiếng Việt diễn ra vui vẻ, không mang tính gò ép. Văn hóa gia đình chúng tôi là những buổi tối không ép bọn trẻ học mà hỏi các con, các cháu đi học về có vui không? Ở trường quốc tế Pháp lên cấp 3 học sinh phải học tiếng Việt, mấy đứa nhà tôi cũng tham gia học tiếng Việt. Lúc đó mẹ tôi đã mất. Có những lần chúng làm bài văn đạt điểm không cao vì còn lỗi chính tả nên ngại đưa tôi xem. Tôi động viên: Không sao con ạ, như thế là tốt rồi. Nếu các con nhầm “S” và “X” thì tôi sửa to lên để các con nhớ”.

Bà Phan Thanh Hảo tâm sự: Học hết lớp 12, Thảo Đan, Linh Đan du học Mỹ còn Thi Đan du học Anh. Năm nay Nguyễn Phan Thảo Đan 27 tuổi. Nữ đạo diễn trẻ vẫn nói với bà nội: “Con phải học tiếng Việt nhiều nữa, bà nội ạ”. Tiếng Việt của Linh Đan tốt hơn Thảo Đan, vì cô thường xuyên viết kịch bản, nên tự trau dồi tiếng Việt. “Thi Đan mới học ở Anh về, đang tập thuyết trình bằng tiếng Việt. Bố của Thi Đan (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, cha đẻ phim “Cánh đồng bất tận”) đề nghị con đến hỗ trợ công việc cho các cô chú ở công ty của bố mẹ chủ yếu phải dùng tiếng Việt, để tiếng Việt tốt lên”.

Ngày trước, Lưu Quang Vũ rưng rưng viết “Tiếng Việt”: “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn/Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá/Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình”. Nhưng hôm nay tâm lý sính ngoại ngữ đang trở thành “bệnh”. Ngay tên bài hát bây giờ cũng phải đệm từ tiếng Anh mới dễ được để ý: “Bài này chill phết”, “Mời anh vào team em”... Từ ngày “Bài này chill phết” của Đen Vâu phổ biến, từ “chill” cũng được giới trẻ sử dụng với tần suất cao.

Tiếng Việt càng ngày càng kém trong sáng theo dịch giả, nhà báo Phan Thanh Hảo một phần lỗi thuộc về báo chí, truyền hình”: “Đài truyền hình cũng “đá” tiếng Anh, thí dụ: Thế mới “chill” chứ!”. Bà nhớ lại hồi còn dạy tiếng Anh cho con trai của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, cậu bé Quỳnh Thơ, thường gọi là Mí: “Vũ và Quỳnh bao giờ cũng chỉn chu khi viết. Vì thế, họ dạy con viết cẩn thận ngay từ khi Mí mới 5 tuổi. 7 tuổi Mí đã viết đâu ra đấy. Tiếc là tôi không còn giữ những bài văn Mí viết. Khi tôi dạy tiếng Anh cho Mí thì bên cạnh phải là bản tiếng Việt. Những gia đình truyền thống, gia đình cổ của Việt Nam bao giờ cũng nhắc nhở con em học tiếng Việt”.

Nói đến đây, dịch giả Phan Thanh Hảo so sánh: “Qua California (Mỹ) sẽ thấy nhiều gia đình người Việt ở Mỹ còn rèn tiếng Việt cho con họ tốt hơn người Việt Nam ở nhà”. Gia đình danh ca hải ngoại Như Quỳnh từng đẩy lên YouTube một video ghi lại cảnh bé Melody Đông Nghi, con gái Như Quỳnh đọc truyện Kiều, khi ấy cô bé mới đang ở độ tuổi tập nói. Những nghệ sỹ hải ngoại nhiều năm sống ở Mỹ như Linh Nga hay Nguyễn Hồng Nhung đều cho biết: Họ luôn hướng những đứa con sinh ra trên đất Mỹ có ý thức giữ gìn văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt.

Khuyến khích viết thư tay

Làm thế nào để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trong thời hội nhập là câu hỏi không dễ trả lời. Theo dịch giả Phan Thanh Hảo: “Người lớn nên hạn chế “đá” tiếng Anh, tiếng Pháp khi viết, khi nói. Nên cố gắng rèn chữ viết cho các em nhỏ. Khuyến khích các em viết thư cho nhau, viết nhật ký, viết bằng bút chứ đừng viết bằng máy tính. Đó chính là cách rèn tiếng Việt. Còn thư từ điện tử mải miết chỉ khiến con người ngày càng “robot” hóa”. Và không thể không nhắc đến vai trò then chốt của giáo dục. Gần đây có những đề văn “ăn theo” ca khúc. “Lạc trôi” của Sơn Tùng-MTP từng gây xôn xao dư luận khi vào đề thi môn Ngữ văn lớp 11 của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc “chiếm chỗ” của những áng văn minh chứng tiếng Việt đẹp và giàu.

MỚI - NÓNG