Khi những bức ảnh “cất lời”

0:00 / 0:00
0:00
Khi những bức ảnh “cất lời”
SVVN - Từng gây sốt với bộ ảnh “Đôi tay của Miyuki” kể về cô gái bị khuyết một cánh tay nhưng vẫn cười rạng rỡ, nhiếp ảnh gia trẻ Ngô Đức Phát đã thành công lan tỏa thông điệp “tật nhưng không tàn” với rất nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng mạng. Nhưng đó không phải là câu chuyện đẹp duy nhất mà anh đã từng kể…

“Chuyến xe” nhiếp ảnh

Ngô Đức Phát đang là sinh viên năm thứ ba, chuyên ngành Thiết kế Truyền thông, trường ĐH Mỹ thuật TP. HCM. Ngay từ những năm cuối THPT, Đức Phát đã bén duyên với chụp ảnh và bắt đầu theo đuổi đam mê của riêng mình.

Nói về niềm hứng thú đối với nhiếp ảnh, Đức Phát chia sẻ: “Mình là một người nhạy cảm với mọi thứ diễn ra xung quanh. Mình có sở thích là được quan sát cách mọi người thêm thắt và trau dồi cho chất liệu sống của họ. Đó là lý do đưa mình đến với nhiếp ảnh. Một cách thức giúp mình bắt trọn mọi khoảnh khắc đẹp đẽ một cách chân thực”.

Với Đức Phát, nhiếp ảnh như một “chuyến xe” có hành trình với những câu chuyện dài để khám phá bản thân và rất nhiều người khác. “Chuyến xe” đó tuy khởi hành từ một địa điểm nhỏ, đón những hành khách quen thuộc. Nhưng mỗi ngày trôi qua, “chuyến xe” ấy đón nhiều hành khách hơn, để Phát được gặp những người xa lạ với vô vàn những câu chuyện đặc biệt khiến anh muốn kể lại thông qua chiếc máy ảnh của mình.

Khi những bức ảnh “cất lời” ảnh 1

Sau những bức ảnh gây chú ý khi chụp Miyuki, Đức Phát còn là người bạn thấu hiểu và sẻ chia. (Ảnh: NVCC)

Những nhân vật được Đức Phát ghi lại bằng hình ảnh đều mang những thông điệp đẹp đẽ lan tỏa đến cộng đồng. Họ có thể là một Miyuki với đôi tay không lành lặn những vẫn kiên trì theo đuổi đam mê và trở thành thủ khoa ngành Sư phạm của một trường đại học. Họ có thể là những người thuộc cộng đồng LGBT+ chịu nhiều sức ép của gia đình và định kiến xung quanh. Họ còn có thể là những người mắc căn bệnh nặng về da, có thể khiếm khuyết, có thể mang rất nhiều tự ti đối với bản thân mình…

Không thể lựa chọn

Nhắc đến những bức ảnh về chủ đề LGBT+, Đức Phát chia sẻ: “Bản thân là một người thuộc cộng đồng LGBT+ nên mình chạm ngõ đến nhiếp ảnh với vô vàn những tâm tư và nỗi niềm riêng. Những cặp đôi LGBT+ mình đã chụp đã khiến mình cảm thấy thật may mắn khi có cơ hội được tiếp xúc bởi ở họ có rất nhiều những tình cảm đáng quý. Họ là những người mang đến cho người khác niềm tin vào một xã hội với đầy ắp tình yêu thương, vượt qua mọi rào cản”.

Khi những bức ảnh “cất lời” ảnh 2

Cặp đôi Hùng Long và Minh Huy là một lát cắt của cộng đồng LGBT+, đã tay trong tay đối mặt với những định kiến xã hội. (Ảnh: NVCC)

Ấn tượng nhất với Đức Phát là bộ ảnh và câu chuyện của Hùng Long và Minh Huy. Đây là cặp đôi có những quan điểm sống không nhìn lại quá khứ bởi vì nó đã trôi qua, họ chỉ muốn nhìn về phía trước và nhắc đến những những điều tốt đẹp ở tương lai. Minh Huy quan niệm rằng: “Cứ nghĩ tình yêu đơn giản để tận hưởng và trải nghiệm nó. Đừng quá tham lam hay vội vàng để mất thứ mình yêu quý, hãy trân trọng những gì mình có và làm những gì mình thích để bản thân được hạnh phúc”.

Một cặp đôi nữa cũng gây ấn tượng không kém đó là Hân Hoàng và Kim Anh. Bởi cả hai đều sở hữu ngoại hình ưa nhìn nên mọi người đã luôn áp đặt suy nghĩ về một người bạn trai tiêu chuẩn cho họ. Trước những định kiến của những người xung quanh và sự phản đối từ gia đình, Kim Anh từng chia sẻ: “Những người yêu thương bạn đôi khi không biết cách để có thể khiến bạn hạnh phúc đâu. Tất cả việc cần làm là lựa chọn hạnh phúc của bản thân và chứng minh điều đó, mọi người sẽ cảm nhận sự hạnh phúc khi mà bạn không cần phải làm gì cả”.

Khi những bức ảnh “cất lời” ảnh 3

Cặp đôi Hân Hoàng và Kim Anh không ngừng đấu tranh để sống thật với chính mình. (Ảnh: NVCC)

Còn Hân Hoàng, cô cũng chọn đối mặt với cảm xúc thật của mình và bày tỏ: “Không gì ngại ngần khi nói yêu một người đồng giới. Chúng ta đang yêu và đó mới là điều duy nhất quan trọng. Cũng không có lí do gì để xin lỗi về xu hướng tính dục của bản thân. Bởi chúng ta không thể lựa chọn giới tính cho bản thân mình”.

Từ cảm thông đến chia sẻ

Khi nhắc đến bộ ảnh “Đôi tay của Miyuki” từng nhận được rất nhiều lời khen ngợi, cảm thán từ cộng đồng mạng, Đức Phát bộc bạch: “Việc thành công nhân rộng thông điệp là điều hạnh phúc của chủ nhân câu chuyện, và cả người thể hiện là mình. Thật vui khi tất cả mọi người đều yêu quý và góp phần làm đẹp cho thông điệp gửi đến thế giới này”.

Được biết, Đức Phát còn từng ghi dấu ấn bằng những bức ảnh kể về Lan Anh, một cô gái mắc bệnh vảy nến đã dũng cảm vượt qua nỗi tự ti và chấp nhận bản thân mình. Tuy vảy nến là một căn bệnh lành tính không lây nhiễm nhưng mọi người xung quanh nhưng không phải ai cũng biết điều đó. Điều này đã khiến Lan Anh khó tránh khỏi những ánh mắt kì thị. Cô từng cảm thấy sợ bạn bè và mọi người xung quanh, luôn mang trên người chiếc áo dài tay để che đi những vết sưng đỏ, vảy trắng.

Khi những bức ảnh “cất lời” ảnh 4

Từng vết đỏ trên da đối với Lan Anh không còn là nỗi tự ti mà là những lời nhắc mang thông điệp: “Hãy yêu chính bản thân mình”. (Ảnh: NVCC)

“Nhưng dần mình cũng chấp nhận bản thân và không còn cảm thấy tự ti về làn da của mình nữa. Nó là một phần cơ thể của mình. Khi chụp ảnh cùng anh Phát, mình không mặc cảm về những vết lở ở trên người mà lại cảm thấy rất yêu chúng. Mình tự tin đối diện với ống kính bởi mỗi một nốt đỏ trên da mình nhắc nhở bản thân rằng phải luôn tự tin và càng yêu bản thân nhiều hơn nữa”. – Lan Anh bày tỏ.

Là một người kể chuyện bằng hình ảnh, Đức Phát đã dành cho nhân vật của mình những sự thấu hiểu, cảm thông. Nhưng không dừng lại ở đó, anh còn dẫn những câu chuyện ấy đến gần hơn với cộng đồng để lan tỏa những thông điệp tích cực. Trong tương lai, Đức Phát vẫn sẽ theo đuổi đam mê của mình, cũng như viết tiếp những câu chuyện đẹp bằng lăng kính của mình để tô điểm thêm cho đời.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Cựu sinh viên Nhân văn nhắn nhủ sinh viên Nhân văn trước ngưỡng cửa thế giới việc làm

Cựu sinh viên Nhân văn nhắn nhủ sinh viên Nhân văn trước ngưỡng cửa thế giới việc làm

SVVN - Anh Nguyễn Văn Đạt có 8 năm kinh nghiệm làm việc tại Tập đoàn Thế giới di động, đang là Giám đốc Phát triển mạng lưới kiêm Giám đốc Đối ngoại Công ty cổ phần Thời trang YODY. Anh là 1 trong số 5 diễn giả khách mời tại talkshow "Chuyển đổi việc làm: Cơ hội, thách thức cho người lao động và doanh nghiệp" do trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG Hà Nội tổ chức. Đây là chia sẻ của anh dành riêng cho chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong.
Gen Z sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả?

Gen Z sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả?

SVVN - Tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", diễn ra ở trường THCS-THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình, TP. HCM), ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM cho biết: “Theo thống kê của Google vào tháng 6/2023, gần 80% người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội, thời lượng trung bình là 3 giờ đồng/ngày”.
Báo Tiền Phong và Keppel đưa hai hệ thống máy lọc nước sạch đến người dân tỉnh Bến Tre và Trà Vinh

Báo Tiền Phong và Keppel đưa hai hệ thống máy lọc nước sạch đến người dân tỉnh Bến Tre và Trà Vinh

SVVN - Nhân Ngày Nước thế giới (22/3) với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, báo Tiền Phong phối hợp Tập đoàn Keppel cùng Tỉnh Đoàn Bến Tre, Tỉnh Đoàn Trà Vinh tổ chức trao tặng hai hệ thống máy lọc nước nhiễm mặn có công suất sản xuất 12.000 lít nước sạch mỗi ngày.