Khi sinh viên tập làm nhà khảo cổ học

SVVN - Thực tập Khảo cổ học là một nội dung đào tạo bổ ích, đầy thú vị và đã trở thành một phần không thể thiếu đối với mỗi sinh viên khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội). Khác với những ngành khác, sinh viên thường đi thực tập vào năm cuối đại học thì các bạn sinh viên khoa Lịch sử lại được đi thực tập ngay từ năm thứ nhất.

Thích nghi với mọi hoàn cảnh

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp cuối năm, từng đoàn sinh viên năm thứ nhất, khoa Lịch sử lại sẵn sàng balô, mũ áo lên đường… "ra hố". Đó là cách mà các bạn sinh viên gọi vui về chuyến đi mà bất kỳ khóa sinh viên nào cũng mong chờ háo hức – chuyến đi thực tập khảo cổ!

Thông thường, mỗi lớp sinh viên sẽ được chia làm 3 đoàn, thực tập ở 3 địa điểm khảo cổ khác nhau. Ở mỗi di chỉ khảo cổ ấy, các “chiến binh" năm thứ nhất của khoa Lịch sử sẽ phải đương đầu với những khó khăn, thách thức riêng.

“Khó khăn đầu tiên là phải xa nhà trong vòng nửa tháng. Lần đầu tiên trong đời, mình phải xa gia đình để tới một vùng đất xa lạ, ở nhà dân, ăn nhà dân để đào khảo cổ”, Nguyễn Thị Hằng (K60 Lịch sử) bồi hồi nhớ lại kỷ niệm cách đây đã 5 năm. Có lẽ, nỗi nhớ nhà chính là “chướng ngại vật” đầu tiên đối với những cô cậu sinh viên năm thứ nhất mới “chân ướt chân ráo” bước vào giảng đường đại học.

Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho một hành trình khó khăn nhưng đầy ý nghĩa. Thông thường, thời gian diễn ra đợt thực tập khảo cổ là vào khoảng tháng 12 Dương lịch, khi mà những cơn rét buốt mùa Đông chỉ chực chờ cứa vào da thịt. Những cơn rét ấy như được nhân lên bội phần khi các bạn sinh viên phải ra đồng từ khi trời còn tờ mờ sáng. Bùi Công Hưng (K60 Lịch sử, thành viên của đoàn thực tập khảo cổ ở Thanh Thủy, Phú Thọ) nhớ lại: “Chúng mình đào vào đúng tháng 12, đỉnh điểm của rét đậm rét hại. Nên việc dậy sớm để ra đồng đào thật là một thử thách. Địa điểm chúng mình đào lại ở ven đê, gió sông Đà thổi vào lạnh buốt, có những lúc phải đeo đến 2 chiếc găng tay để không bị cóng cước tay, và lúc nào cũng phải đội kèm mũ len tránh gió”.

Khi sinh viên tập làm nhà khảo cổ học ảnh 1  Các bạn sinh viên khoa Lịch sử làm việc tại công trường. 

Không chỉ phải khắc phục những khó khăn về điều kiện thời tiết, các bạn sinh viên năm thứ nhất còn phải tự xoay sở trong những điều kiện sinh hoạt đặc thù. Nguyễn Thị Hằng, thành viên của đoàn thực tập khảo cổ ở Thuận Thành, Bắc Ninh chia sẻ: “Đoàn chúng mình chia thành nhiều nhóm phụ trách nấu bữa sáng cho cả đoàn gần 40 thành viên. Đến lượt nhóm nào thì nhóm ấy phải dậy sớm từ 4 rưỡi sáng để đi chợ nấu ăn cho cả đoàn. Trong nhóm mình, có bạn lần đầu đi chợ, lần đầu vào bếp, đun bếp củi, cũng phải loay hoay, vất vả lắm mới hoàn thành. Nhưng hạnh phúc là nhóm mình được nhiều bạn khen là nấu ăn ngon và sạch sẽ”.

Còn riêng với Bùi Công Hưng, con đường đi chợ lại khá gian nan: “Vì đoàn mình ở gần sông, muốn đi chợ thì chợ gần nhất phải cách tầm 5 cây số. Hôm nào cả đoàn muốn ăn ngon hay phải chuẩn bị cho những bữa "quan trọng" thì phải lên chợ thị xã cách đấy khoảng chục cây số.

Khi sinh viên tập làm nhà khảo cổ học ảnh 2 Bữa ăn trưa tại hố sau một buổi làm muộn. 

Ấy là chuyện ăn, còn chuyện tắm giặt cũng nhiều cái thú vị. Hưng nhớ những lần đi làm về bụi bặm, chuẩn bị tắm nhà lại mất nước nóng (trời mùa đông rét nên phải tắm nước nóng), Hưng phải cùng anh em đi mượn ấm để chất củi đun lấy nước sôi… Vừa đun nước, các cậu sinh viên vừa đùa nghịch, trêu chọc nhau, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy một anh bạn vừa “tắm gội sạch sẽ” từ đâu về. Thì ra cậu bạn kia nhanh trí “dân vận khéo” nhờ nhà tắm của một bác hàng xóm tốt bụng!

Hành trình đầy ý nghĩa

Khó khăn là thế nhưng đối với mỗi bạn sinh viên năm thứ nhất khoa Lịch sử, những thử thách ấy đã trui rèn cho họ thêm nhiều kiến thức chuyên môn, nhiều bài học về kỹ năng sống, mà ít khi các bạn được tiếp cận. “Lần đầu tiên, mình được nhìn thấy, chạm tay vào những mảnh gốm, lỗ chôn cột, những chiếc bát, chiếc đĩa cổ xưa hầu như còn nguyên vẹn… Những đồ vật mà mình chỉ được thấy trên sách vở hay trong bảo tàng. Qua đó, mình hiểu thêm về đời sống sinh hoạt, đời sống tinh thần của người Việt trong lịch sử”, Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

Khi sinh viên tập làm nhà khảo cổ học ảnh 3 Một bạn sinh viên khoe thành quả lao động. 

Qua chuyến đi này, các bạn sinh viên vô cùng hào hứng khi được tận mắt chứng kiến, tiếp xúc với những hiện vật khảo cổ thực, như rìu đá, rìu đồng, bát đĩa sứ, mảnh gốm… Thậm chí có bạn còn đào được cả… xương của người Việt cổ!

Nhắc đến kỷ niệm ấy, Trần Trung Hiếu (K61 Lịch sử, thành viên đoàn khảo cổ ở Lũng Hòa, Vình Phúc) vẫn không hết hồi hộp: “Cũng như những ngày khai quật bình thường, đoàn phân nhiệm vụ một số bạn đào đất dưới hố khai quật, trong khi số còn lại ở trên sàng lọc đất. Bỗng có một bạn trong nhóm sàng lọc hô lên là tìm thấy một chiếc răng! Sau đó, cũng có nhiều bạn khác cũng báo là thấy vài chiếc răng khác ở quanh đấy. Thế là địa điểm đào ấy được chúng mình khoanh vùng để xử lí riêng. Sau khi xử lý, đoàn ước đoán bộ xương này đã có niên đại lên đến… vài nghìn năm. Thật hào hứng và hạnh phúc vì được khám phá những mảnh ghép lịch sử của hàng nghìn năm trước”.

Khi sinh viên tập làm nhà khảo cổ học ảnh 4 Giờ giải lao của các bạn sinh viên năm nhất khoa Lịch sử. 

Chuyến thực tập khảo cổ hẳn năm nào cũng có nhiều chuyện buồn vui đan xen. Nhưng mỗi bạn sinh viên năm thứ nhất trẻ măng ấy chắc sẽ mãi không quên con đường “thiên lý” mà các bạn đã đi cùng nhau suốt cuộc hành trình gian nan mà đầy ý nghĩa!

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

SVVN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch số 299/KH-BGDĐT về việc tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ 24/4 đến 28/4, Bộ sẽ tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

SVVN - “Giá trị con người không nằm ở điểm số, nhưng nó giúp con đường đi sau này dễ dàng hơn, nếu các bạn có mục tiêu và hoạch định được con đường đi của mình”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", sáng 8/4, tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình, TP. HCM).