Trang bị võng xếp cho sinh viên nghỉ trưa
Ngày 20/11, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM đã đưa vào sử dụng khu nghỉ trưa tiện nghi và hoàn toàn miễn phí cho sinh viên. Đây là trường đại học đầu tiên ở TP. HCM xây khu nghỉ trưa phục vụ sinh viên. Khu nghỉ trưa nằm ở cánh phải hội trường lớn của trường, diện tích khoảng 200m2, với 65 võng, hai máy lạnh công suất lớn, đảm bảo sinh viên được nghỉ trưa mát mẻ. Khu nghỉ trưa hoạt động từ 11h - 13h, từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Sinh viên của trường được ra vào khu vực này nghỉ trưa tự do. Kinh phí tài trợ cho khu nghỉ trưa đến từ các cựu sinh viên, cán bộ, viên chức của trường và các nhà hảo tâm. Số lượng võng được tài trợ gồm 65 chiếc, mỗi chiếc có giá từ 1,2 - 1,5 triệu đồng. Ngoài 65 chiếc võng được bố trí trong khu vực nghỉ trưa, 20 chiếc còn lại được nhà trường đặt tại khu tự học tầng 5 của trường để có thêm nơi nghỉ ngơi cho sinh viên.
Nguyễn Thị Bích Thủy (năm thứ hai, khoa Cơ khí) cho biết, trước đây, khi chưa có khu nghỉ trưa này, sinh viên thường ngủ ở hành lang, bãi cỏ hay các khu tự học. “Từ khi được nghỉ ngơi ở đây, mình thấy rất thoải mái, sạch sẽ và mát hơn ở nhà trọ. Mình thấy không gian ở đây khá rộng rãi, mát mẻ. Nhà trường đã tạo điều kiện chăm lo đến đời sống của sinh viên nên các bạn sẽ có thêm động lực để học tập. Tuy nhiên, khu nghỉ trưa hiện nay đa số là sinh viên nam đến nghỉ, mình mong thời gian tới, trường sẽ có thêm khu nghỉ trưa dành riêng cho các bạn sinh viên nữ”.
PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cho biết, trường có khoảng 18.000 sinh viên, số lượng võng chưa thể đáp ứng đủ nên trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục vận động tài trợ để mở thêm các khu nghỉ trưa tại khu nhà học, tạo thêm không gian nghỉ ngơi cho sinh viên. “Để thể hiện triết lý giáo dục “Nhân bản - Sáng tạo - Hội nhập”, đặt giá trị nhân văn lên hàng đầu, trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động, công trình chăm lo sâu sắc đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên. Thực tế, giờ trưa, tôi chứng kiến nhiều sinh viên rất mệt mỏi, ngủ gục khắp nơi trong trường, chờ để học tiếp vào buổi chiều, trông rất tội nghiệp. Chúng tôi nghĩ ngay đến việc tận dụng khu vực hội trường, bố trí chỗ nghỉ trưa đàng hoàng hơn cho sinh viên.
Sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM nằm võng nghỉ ngơi giữa trưa
Sau khi phát động, nhà trường nhận được 120 chiếc võng, do các cựu sinh viên, thầy cô giáo, nhà hảo tâm quyên tặng để đưa vào khu nghỉ trưa này. Nhà trường đã bố trí 85 võng vào nằm nghỉ trưa. Dự báo nhu cầu sử dụng khu nghỉ trưa của sinh viên rất lớn trong thời gian tới nên nhà trường đang tiếp tục khảo sát các khu nhà học để bố trí thêm các khu nghỉ trưa khác”, ông Dũng nói.
Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cho biết thêm, những năm vừa qua, sinh viên trong trường đa phần có hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm thêm vào ban đêm và về muộn. Vì vậy, trường hy vọng, khu nghỉ trưa sẽ giúp sinh viên có thêm thời gian để chợp mắt, thư giãn để khi vào giờ học chiều, các bạn có thể tỉnh táo học tập, giảm tình trạng ngủ gật trên lớp. “Tôi muốn, cả trường phải giống như một đại gia đình, thương yêu, chăm sóc lẫn nhau. Chắc chắn, trong thời gian tới trường sẽ có thêm khu nghỉ trưa nữa”, ông Dũng cho biết thêm.
Trước đó, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM đã đưa vào sử dụng thư viện chất lượng cao, với diện tích 1.500m2, ngay tầng hầm. Thư viện này có sức chứa gần 500 chỗ ngồi, có trang bị máy lạnh, Wi-Fi và đặc biệt là kho sách tiếng Anh, gồm 7.789 đầu sách phục vụ sinh viên, học viên, cán bộ, giảng viên của trường. Đây là nơi thư giãn, kết hợp nghỉ ngơi, phòng tự học, phòng dành cho những bạn trẻ yêu thích khởi nghiệp, câu lạc bộ tiếng Anh. Đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng thư viện lúc nào cũng đón lượng sinh viên khá đông. Theo nhiều sinh viên, các bạn thích nơi này bởi được trang bị máy lạnh, quạt, máy vi tính, iPad, hàng ngàn đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực, ghế salon sang trọng. Đáng chú ý là có cả ghế massage, võng xếp để sinh viên có thể nghỉ ngơi…
“Mình và các bạn trong lớp gần như đến thư viện mỗi ngày. Thường thì đến đây để tự học nhưng những ngày học cả sáng lẫn chiều, thay vì không có chỗ nghỉ trưa, phải vạ vật bên ngoài trời nóng, thì bây giờ, lúc mệt, mình có thể nghỉ ngơi trên võng xếp. Tại thư viện, nhà trường còn hỗ trợ nước uống miễn phí và dịch vụ tự chọn, với mức giá rẻ, phù hợp túi tiền sinh viên”, Huỳnh Bích Vân (năm thứ ba, ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường) cho biết. PGS. TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ, thư viện này được cải tạo từ tầng hầm để xe của nhà trường, đã có từ lâu. Trường quyết định chuyển đổi chức năng của diện tích này, bởi nhận thấy, để xe dưới tầng hầm rất nguy hiểm, nguy cơ hỏa hoạn rất cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên có nhu cầu nghỉ trưa, nếu có chỗ thư giãn, nghỉ ngơi thì hiệu quả học tập giờ chiều sẽ tốt hơn. Thư viện chất lượng cao cũng được xây dựng bằng nguồn kinh phí do các đơn vị tài trợ.
Mua piano để sinh viên thư giãn
Đến trường ĐH Tôn Đức Thắng, mọi người thường nghe tiếng piano thánh thót giữa sân trường. Một cây đàn piano màu cánh gián khá sang trọng được đặt ngay sảnh nhà trung tâm của trường, nơi sinh viên và giảng viên thường xuyên qua lại. Phía trên cây đàn có tấm bảng mica khắc dòng chữ: “Đàn dành cho sinh viên, khách tự do sử dụng”. ThS Nguyễn Văn Bắc, Trưởng phòng Công tác sinh viên, trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, cuối giờ chiều là lúc sinh viên chơi đàn đông nhất.
Sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng chơi đàn giữa sảnh giảng đường
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp một nữ sinh trong trang phục áo dài màu hồng, trong lúc đợi xe buýt, ngồi xuống bên cây đàn, lần lượt chơi những bản nhạc kinh điển, như: Turkish March, Canon in D, Hungarian Sonata... Hay lúc khác là một nam sinh viên chơi những bài của nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng người Nhật Bản Nobuyuki Tsujii. Không chỉ những bạn đã biết đàn, những bạn mới tập chơi cũng đợi khi “vắng khách” để tự tập những ngón đàn vừa được hướng dẫn.
“Ban đầu, một người bạn ở Nhạc viện TP. HCM nói với chúng tôi rằng, nhiều trường đại học ở nước ngoài đặt đàn ở sân trường cho sinh viên chơi, rất hay. Thấy đặt cây đàn ở sảnh có thể giúp các bạn thư giãn, những sinh viên đam mê âm nhạc có cơ hội thể hiện tài năng nên nhà trường quyết định mua cây đàn. Chiếc piano đầu tiên do bốn Mạnh Thường Quân ở trường đóng góp. Sau đó, trường còn có thêm nhiều cây đàn piano nữa”, ông Bắc nói.