Từ ngày 29 - 31/5/2019, Khoa Quốc tế và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG TP. HCM) tổ chức đợt khảo sát chính thức kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo Kinh doanh quốc tế.
Báo cáo tại phiên bế mạc ngày 31/5/2019, PGS. TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng đoàn Đánh giá ngoài đã trình bày các nguyên tắc, quan điểm đánh giá chất lượng chương trình đào tạo và các nội dung chủ yếu liên quan đến kết quả đánh giá chương trình như: Chương trình đào tạo, hoạt động dạy - học, đội ngũ giảng viên và nhân viên, người học, cơ sở vật chất, việc nâng cao chất lượng và quản trị kết quả đầu ra. Đoàn cũng đưa ra các khuyến nghị để Khoa Quốc tế tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng nguồn nhân lực, các bên liên quan và đảm bảo quyền lợi cho người học. Theo kết quả đánh giá, chương trình Cử nhân ngành Kinh doanh quốc tế có 94% trên tổng số 50 tiêu chí đạt theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ GD - ĐT
Chương trình đào tạo Cử nhân ngành Kinh doanh quốc tế được giao cho Khoa Quốc tế tổ chức đào tạo theo Quyết định số 723/QĐ-ĐT ngày 01/03/2010 của Giám đốc ĐHQGHN. Chương trình được ĐHQG Hà Nội phê duyệt thành chương trình chất lượng cao theo đặc thù đơn vị theo Quyết định số 3345/QĐ-ĐHQG Hà Nội ngày 24/10/2016. Tính đến thời điểm tháng 5/2019, chương trình đã đào tạo được 5 khoá với tổng số 452 sinh viên đã tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi đạt 84 %. 92,3% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Chương trình Cử nhân ngành Kinh doanh quốc tế được các bên liên quan đánh giá cao về chất lượng từ nội dung chương trình cho tới đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, các khâu tổ chức giảng dạy, học tập, khảo thí... Đặc biệt, khi được phỏng vấn, các cựu sinh viên có đánh giá tốt về chất lượng, tính hiệu quả của chương trình. Các nhà tuyển dụng cũng đánh giá sinh viên tốt nghiệp chương trình giỏi tiếng Anh, thành thạo chuyên môn, thích ứng nhanh với công việc và môi trường làm việc.
Theo PGS. TS Lê Trung Thành, Chủ nhiệm Khoa, Khoa Quốc tế luôn đặt chất lượng lên hàng đầu và coi trọng vai trò của công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng nhằm cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời giải trình chất lượng giáo dục với xã hội. Với kết quả đạt được, đây là niềm tự hào và động lực để tập thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện sứ mạng và tầm nhìn của khoa.
Khi tham gia kiểm định, ngoài sự công nhận về chất lượng của cơ sở giáo dục và chất lượng của chương trình đào tạo, thì kết quả kiểm định còn là căn cứ để thị trường lao động thừa nhận năng lực của sinh viên tốt nghiệp. “Việc chương trình Kinh doanh quốc tế đạt chất lượng sẽ là minh chứng về giá trị bằng cấp cho các sinh viên đã - đang và sẽ theo học tại khoa. Sự đảm bảo chất lượng này, hy vọng, sẽ thu hút thêm nhiều đối tác doanh nghiệp, qua đó mang đến nhiều cơ hội thực tập làm việc cho các sinh viên sau khi ra trường”, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế chia sẻ.
Được thành lập năm 2002, Khoa Quốc tế trực thuộc ĐHQG Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 40 trường đại học tại Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Úc, Canada, Malaysia…, tổ chức nhiều chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học bằng tiếng Anh với nhiều hình thức đào tạo linh hoạt. Sinh viên Khoa Quốc tế có thể học toàn phần tại Việt Nam hoặc chuyển tiếp sang học tại các trường đại học nước ngoài. Kết thúc chương trình, sinh viên được nhận bằng cử nhân chính quy của ĐHQG Hà Nội hoặc của các trường đối tác có giá trị toàn cầu, được Bộ GD - ĐT Việt Nam công nhận.
Trong năm học 2019 – 2020, Khoa Quốc tế tuyển sinh các chương trình đào tạo đại học và sau đại học, gồm các chương trình: Cử nhân Kinh doanh quốc tế; Cử nhân Kế toán, Phân tích và Kiểm toán; Cử nhân Hệ thống Thông tin quản lý; Cử nhân Tin học và Kỹ thuật máy tính; Cử nhân Phân tích dữ liệu kinh doanh (do ĐHQG Hà Nội cấp bằng); Cử nhân Quản lý (liên kết với trường ĐH Keuka, Hoa Kỳ); Cử nhân Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch (liên kết với trường ĐH Troy, Hoa Kỳ); Cử nhân Kế toán và Tài chính (liên kết với trường ĐH East London, Vương quốc Anh); Thạc sĩ Quản trị Tài chính (do ĐHQG Hà Nội cấp bằng); Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (EMBA) và Thạc sĩ Quản lý Thông tin (MIM) (liên kết với trường ĐH Lunghwa, Đài Loan); Thạc sĩ Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm quốc tế và Thạc sĩ Nghiên cứu và Tác nghiệp marketing (liên kết với trường ĐH Nantes, CH Pháp)...