Thói quen sau COVID-19
Bánh mỳ đồng giá 20.000 – 25.000 đồng/ chiếc, trà chanh, sữa đậu nành 10.000 đồng/ cốc, chủ yếu bán cho khách lẻ mua mang đi, thanh toán chưa tới 50.000 đồng/ lần nhưng chị Hương (chủ hàng bánh mỳ phố Lương Văn Can, Hà Nội) vẫn vui vẻ, thậm chí khuyến khích khách hàng chuyển khoản nếu không có sẵn tiền mặt.
“Từ đợt COVID-19, khách nhiều lần hỏi có quẹt thẻ không, tôi từ chối vì cửa hàng không có, thành ra mất khách. Sau đó mới nghĩ ra nhận chuyển khoản, ai bây giờ cũng có thẻ ngân hàng, giao dịch rất thuận tiện, không cần chuẩn bị tiền lẻ trả lại”, chị Hương cho hay.
Chị Hương bày tỏ: “Khách chuyển nhanh 24/7, chuyển qua ví điện tử thì mình nhận được ngay, nhưng cũng có trường hợp chuyển thường, khác ngân hàng, phí cao lại lâu nên khách và mình cũng nản. Hi vọng có loại hình thành toán không tiền mặt phù hợp với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ”.
Tương tự, hàng ngan cháy tỏi của anh Bình (Lạc Trung, Hà Nội) cũng áp dụng chuyển khoản ngân hàng với khách không muốn thanh toán tiền mặt. “Mình có bán qua các ứng dụng giao đồ ăn, bán online ship tận nơi nên thường xuyên nhận chuyển khoản từ khách. Từ sau COVID-19, nhiều khách yêu cầu thanh toán thẻ, tài khoản hơn”, anh Bình nhận định.
Anh Bình cho biết, nhóm khách đi đông thường hỏi thanh toán thẻ, sau đó cả nhóm chia nhau, nhất là các bạn trẻ, sinh viên. Nhiều khách hàng lần đầu đến quán không khỏi bất ngờ khi thấy các thực khách khác thanh toán tiền bún qua chuyển khoản ngân hàng.
“Tiền tươi, thóc thật”
Nằm sâu trong những con ngõ nhỏ, phục vụ hàng trăm lượt mua bán mỗi ngày, nhiều hàng tạp hoá bắt đầu chuyển mình đáp ứng nhu cầu thanh toán thẻ, tài khoản của khách hàng. Tuy nhiên, phương thức này chưa thật sự phổ biến, vẫn còn rào cản công nghệ, tâm lý với những tiểu thương quen thu “tiền tươi, thóc thật”.
“Có vài nơi đến giới thiệu, hướng dẫn cài ứng dụng, đề nghị treo mã thanh toán ở quầy nhưng tôi từ chối vì không dùng điện thoại thông minh, không hiểu biết về mấy cái này”, chủ hàng tạp hoá chợ Kim Mã Thượng (Hà Nội) cho hay.
Tìm đỏ mắt quanh khu vực thuê trọ ở Pháo Đài Láng (Hà Nội), Minh Anh (sinh viên ĐH Luật) cho biết rất bất tiện khi phải rút tiền mỗi lần đi chợ, mua sắm lặt vặt. “Bố mẹ gửi sinh hoạt phí qua thẻ, lương làm thêm cũng trả vào tài khoản, mình hầu như không có sẵn tiền mặt trong ví”, Minh Anh giãi bày.
Tương tự, Thuỳ Trang (sinh viên trường ĐH KHXH&NV) cũng không ít lần rơi vào cảnh dở khóc dở cười, chọn đồ xong nhưng không thể thanh toán vì không có tiền mặt. “Vài lần ăn hàng, quán bình dân có nhận chuyển khoản, QR code nên mình yên tâm, thành thói quen đi mua đồ chỉ cầm thẻ. Chi tiêu thẻ an toàn, dễ quản lý, tránh kiểu vung tay quá trán nên mình luôn ưu tiên”.
Thông tin về chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam – Khơi dậy nội lực:
Website: https://thevietnam.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/ngaytheVN
Sự kiện do Báo Tiền phong, NAPAS tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)
Ngày Thẻ Việt Nam 2020 - “Sóng Festival” nhận sự ủng hộ và đồng hành của nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp trong nước và liên doanh nước ngoài. Cụ thể: Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) – đồng hành Kim cương; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)- đồng hành Vàng. Các đơn vị đồng hành Titan: CIMB Bank; Công ty cổ phần chứng khoán SSI; Mastercard; Ngân hàng TMCP VietinBank; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank); MK Group. Các đơn vị đồng hành Bạc gồm: ngân hàng TMCP ACB; HDBank; VPBank; SHB; PVcombank. Các đơn vị đồng hành khác gồm: ngân hàng TCMP ABBANK; BIDV; Sacombank; SeABank.