'Không chấp nhận sân bay Long Thành phát triển nhưng thanh niên địa phương thất nghiệp'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 khi đi vào hoạt động vào năm 2026 sẽ cần hơn 13.000 lao động. Bí thư tỉnh Đồng Nai cho biết: "Không chấp nhận sân bay Long Thành phát triển nhưng thanh niên địa phương thất nghiệp vì không được đào tạo, không được học nghề, không được tuyển dụng. Không làm được điều này các lãnh đạo phải thấy hổ thẹn". 

Gấp rút đào tạo hơn 13.000 lao động

Ngày 13/3, tại hội nghị về công tác nhân lực vận hành Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, ông Nguyễn Xuân Phong - đại diện Ban chuẩn bị khai thác Cảng HKQT Long Thành (ACV) - cho biết, Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 dự kiến cần hơn 13.000 cán bộ, công nhân viên. Nhu cầu lao động tập trung vào các lĩnh vực khai thác thiết bị kỹ thuật nhà ga, kỹ thuật bay; sửa chữa bảo trì thiết bị; điều hành sân bay, quản lý xăng dầu, quản lý an ninh, thợ kỹ thuật, điện, vận tải hàng không, tài chính kế toán, công nghệ thông tin...

'Không chấp nhận sân bay Long Thành phát triển nhưng thanh niên địa phương thất nghiệp' ảnh 1

Lao động trên công trường xây dựng sân bay Long Thành.

Theo quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2026. Vì vậy, công tác chuẩn bị, đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải được chuẩn bị ngay từ lúc này.

Nhân sự phục vụ cho ngành hàng không là một nghề đặc thù có điều kiện về đảm bảo an ninh, an toàn nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có trường nào đào tạo chuyên ngành hàng không. Từ thực tế trên, Đồng Nai thống nhất triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực để phục vụ sân bay Long Thành.

Quyền Chủ tịch Võ Tấn Đức giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng đề án, tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội nghị.

PGS TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng - cho biết, trong thời gian tới đơn vị này sẽ chủ động làm việc với các đơn vị sử dụng lao động thuộc lĩnh vực hàng không để cập nhật, tích hợp chương trình hàng không vào quá trình đào tạo các chuyên ngành; mở rộng các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực của sân bay.

Tương tự, PGS, TS. Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Miền Đông (MIT Uni) - cho biết, trường đã có định hướng và thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu nhân lực sân bay quốc tế Long Thành. Hiện trường đã xây dựng và tuyển sinh 2 ngành - chuyên ngành phục vụ trực tiếp nhu cầu nhân lực là ngành Quản trị hàng không, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Ông Song cũng kiến nghị, để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các sở ban ngành, các cơ quan quản lý địa phương và các đơn vị liên quan hỗ trợ thông tin về nhu cầu số lượng lao động từng ngành nghề, vị trí công việc, yêu cầu kiến thức, kỹ năng với người lao động... cho từng giai đoạn phát triển của sân bay Long Thành. Cùng MIT Uni tham gia xây dựng, cải tiến các chương trình đào tạo ngắn và dài hạn. Hỗ trợ về các chuyên gia đầu ngành tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập cho sinh viên. Hỗ trợ cho sinh viên có điều kiện tham quan, kiến tập, thực tập tại các cơ sở.

Ưu tiên đào tạo lao động địa phương

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho sân bay Long Thành cũng như cho cả đô thị sân bay Long Thành là hết sức quan trọng. Nguồn nhân lực phải có chất lượng cao.

Đối với công tác chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của sân bay, ông Lĩnh đặc biệt lưu ý, đến năm 2026 sân bay vào hoạt động, thời gian không còn nhiều, do đó yêu cầu phải gấp rút đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trước hết phải tạo cơ hội cho người dân địa phương, nhất là người dân huyện Long Thành. Bởi đây là những người đã giao đất, chấp nhận hy sinh để xây dựng sân bay.

“Sự thịnh vượng của khu vực này phải đồng nghĩa với sự phát triển của cư dân khu vực này. Không thể chấp nhận sân bay Long Thành phát triển nhưng thanh niên địa phương lại thất nghiệp vì không được đào tạo, không được học nghề, không được tuyển dụng. Không làm được điều này các lãnh đạo phải thấy hổ thẹn” - Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG