Không dễ hóa giải

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Bão” thất nghiệp, mất việc đang “càn quét” tại nhiều ngành nghề. Tuần qua, thông tin làm nóng dư luận ấy là khi Thế giới di động đã cắt giảm tới 13.000 lao động.

Còn trong quý đầu năm, hàng loạt “ông lớn” bất động sản đã cắt giảm không thương tiếc, quy mô sử dụng nhân sự rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đơn cử: Vinhomes giảm gần 1.500 người, Đất Xanh (DXG) giảm thêm 4.776 người so với thời điểm năm ngoái. Một “ông lớn” khác trong ngành bất động sản là Novaland ( NVL) cũng tiếp tục thu hẹp quy mô nhân sự sau quý đầu năm. Cuối quý 1, số nhân viên của tập đoàn còn 1.362 người, giảm 42 người so với đầu năm.

Đơn hàng sụt giảm kéo dài khiến doanh nghiệp khó cầm cự với việc duy trì nhà xưởng sáng đèn với đội ngũ nhân viên như cũ. Nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương đã và đang tiếp tục cắt giảm nhân sự mỗi ngày. Công bố hết quý I/2023 cho thấy, toàn quốc đã có thêm hơn 400 ngàn người lao động bị giảm giờ làm hay mất việc làm.

Trước thực tế một số doanh nghiệp (DN) bị cắt giảm đơn hàng phải giảm việc, cắt LĐ, ngày 4/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản 3132 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH nắm chắc tình hình thực tế người LĐ mất việc làm để chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp theo quy định; báo cáo Chính phủ trước ngày 15/5 này.

Theo các chuyên gia, đối với DN, việc cắt giảm đơn hàng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp, trong khi việc mất lao động hiện tại có thể chưa tác động xấu tức thời tới DN không có khả năng để giữ người lao động. Những tháng tới, khi tình hình được cải thiện, tốt dần lên, DN cần lao động có tay nghề chắc chắn sẽ khó tuyển dụng và tốn kém rất nhiều chi phí để có lại được lực lượng lao động như trước.

Đối với người lao động, giảm giờ làm là giảm tiền lương, thu nhập; mất việc làm là mất tiền lương, mất thu nhập. Đặc biệt, trong bối cảnh sau 2 năm chống chọi với đại dịch, người lao động đã không còn tích lũy thì việc chịu thêm cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít người lao động, đặc biệt là lao động yếu thế. Còn nhớ, dịp đầu năm một lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng thốt lên: “Hình ảnh hàng đoàn người lao động xếp hàng rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong suốt năm 2022 và đang ‘bùng’ trở lại những tháng cuối năm này ở khu vực phía Nam là hệ lụy khó tránh khỏi khi người lao động quá khó khăn, không còn nơi bấu víu”.

Làm cách nào để ngăn “cơn bão” giãn việc, mất nghiệp đang càn quét? Về giải pháp ổn định thị trường lao động thời gian tới, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, bộ này và các địa phương sẽ thường xuyên nắm bắt, hỗ trợ. Cùng đó, cơ quan quản lý sẽ tăng cường giải pháp kết nối cung – cầu lao động, giới thiệu việc làm; đề xuất giải pháp hỗ trợ lao động bị mất việc, thiếu việc, hỗ trợ DN bị thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai hiệu quả công cụ bảo hiểm thất nghiệp trong hỗ trợ LĐ mất việc làm.

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 được dự báo thấp hơn so với năm 2022 do chịu ảnh hưởng của các yếu tố phức tạp, khó lường. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, nên mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ có nhiều thách thức, đi kèm đó, chắc chắn việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ việc làm cho DN, cho người lao động cũng là một áp lực không dễ gì hóa giải.

MỚI - NÓNG